Tân Tổng Thanh tra Chính phủ phải chấn chỉnh kỷ cương trong chính cơ quan thanh tra

Thời sựThứ Tư, 25/10/2017 13:14:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng tân Tổng Thanh tra Chính phủ phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra.

Chiều 24/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Bộ Chính trị đồng ý để ông Phan Văn Sáu thôi chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ để tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015 - 2020".

Tiếp tục làm việc về công tác nhân sự, cuối giờ chiều 25/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ...

thanh tra chinh phu 2

 Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng đang có rất nhiều thách thức đang chờ đợi tân Tổng Thanh tra Chính phủ.

Ngày 25/10, trả lời bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội bày tỏ: "Mong muốn của nhân dân, đại biểu Quốc hội là vị quan thanh tra này phải là người có trí minh, tâm sáng. Có câu “phụng công thủ pháp” tức là một mặt anh có tâm chưa đủ thì phải có trí. Trí là có năng lực, nhận biết đúng sai. Mà muốn nhận biết đúng sai phải tinh thông đường lối chủ trương, pháp luật".

Với cương vị là người đứng đầu cơ quan thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ phải nắm chắc các vấn đề để định hướng cho việc giải quyết từng vụ việc cụ thể.

"Cái tâm là phải vì nước vì dân. Phải gạt bỏ những lợi ích, quan hệ, phải công tâm trong việc xác định và áp dụng vào từng trường hợp cụ thể để xử lý những tình huống vi phạm ở mức độ. Cấp độ nào thì xử lý như thế nào cho đúng pháp luật", đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ.

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng đối với công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng, Nhà nước phát động, Tổng Bí thư trực tiếp là trưởng ban thì đòi hỏi cao hơn, ở chỗ phải đưa những vụ việc tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng, lấy lại niềm tin cho nhân dân. Vì vậy, kỳ vọng của ĐBQH, nhân dân rất lớn trong việc chống tham nhũng.

"Nếu như anh không xử nghiêm được các vụ việc mà nhân dân quan tâm thì rõ ràng anh không đáp ứng được yêu cầu, vị trí đòi hỏi, kỳ vọng của nhân dân. Niềm tin vào Đảng, Nhà nước sẽ được góp phần bởi sự cố gắng của Tổng Thanh tra Chính phủ", ông Vân nói. 

Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng thực chất là vai trò của Thanh tra Chính phủ là kiểm soát nhánh hành pháp. Bởi vì, hoạt động hành pháp rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, tiêu cực, dễ dẫn đến lạm quyền, trục lợi.

"Cho nên kiểm soát tốt được nội bộ, bên trong cơ quan hành pháp, hệ thống hành chính là vấn đề vô cùng hệ trọng", đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Vì vậy, đòi hỏi với người đứng đầu cơ quan thanh tra Chính phủ phải kiểm soát tốt tình hình chấp hành pháp luật của cả hệ thống và dựa trên quyền được giao phải xây dựng được kế hoạch, chương trình cả nhiệm kỳ, lựa chọn vấn đề xã hội quan tâm, vấn đề bức xúc mà dư luận đặt ra.

"Anh phải có thanh tra đột xuất khi dư luận nêu ý kiến về một cá nhân, đơn vị cụ thể. Anh tập trung lực lượng, phúc đáp ngay vấn đề dư luận đặt ra. 

Anh cũng phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra. Nếu người làm công tác thanh tra lại lạm dụng quyền hạn pháp luật trao cho, bẻ cong pháp luật thì người đứng đầu cơ quan thanh tra phải chịu trách nhiệm. Việc chịu trách nhiệm trước hết là đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", ông Vân nói.

Video: Đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ

Vị đại biểu Cà Mau cũng cho rằng áp lực với người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ trong bối cảnh hiện nay là vô cùng lớn. Vì cơ quan này sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề, trong đó là phải cộng hưởng với các cơ quan của Đảng.

"Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra TƯ  Đảng đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ nên cộng hưởng của cơ quan Thanh tra là phải đi theo được cái tiến độ giải quyết các vụ án lớn mà Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo các cơ quan của Đảng đã làm", đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ.

Bên cạnh đó, công tác của Thanh tra Chính phủ phải đi theo kịp nhịp đập của xã hội. Mặt khác thông qua hoạt động thanh tra củng cố thêm sức mạnh của Chính phủ.

"Thanh tra Chính phủ phải thường xuyên giúp cho Thủ tướng, Chính phủ thanh lọc bộ máy để trong sáng, thực sự liêm chính, kiến tạo, phát triển như thông điệp Thủ tướng đi ra", ông Vân mong muốn.

Bên cạnh đó, vị đại biểu Quốc hội Cà Mau cũng chỉ ra hàng loạt các vấn đề đang cần phải cải tổ mạnh mẽ ở cơ quan Thanh tra Chính phủ.

"Có thể nói hoạt động của Thanh tra Chính phủ trong thời gian qua bắt đầu có khởi động nhưng so với cơ quan kiểm tra của TƯ Đảng thì đang còn rất chậm", ông Vân nói.

Vị đại biểu Cà Mau cũng dẫn chứng trực tiếp vụ việc thanh tra biệt phủ Yên Bái.

"Dư luận người ta đòi hỏi là phải nhanh, chính xác, kịp thời và chính người đứng đầu đoàn thanh tra đã tuyên bố sẽ công bố ngay nhưng để công bố chậm như vậy thì có thể đặt ra nhiều dấu hỏi, nghi vấn.

Nhưng tôi được biết do tính cẩn trọng và chính Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo thanh tra hết sức khách quan, công tâm nên Thanh tra Chính phủ cũng phải chuẩn bị kết luận kỹ lưỡng", đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn