Tại sao đàn ông Trung Quốc "mê mẩn" vợ Việt Nam?

Thời sựThứ Bảy, 06/03/2010 06:12:00 +07:00

(VTC News) - Chắc hẳn nghe những "lời khen" kiểu này của đàn ông Trung Quốc, các cô gái Việt Nam đã và có ý định lấy chồng ngoại sẽ thấy rất đau đớn.

(VTC News) - Vì sao lại muốn đi ngàn dặm tìm một cô vợ Việt Nam? Hồng Lâm nói: "Theo tìm hiểu trên mạng, các cô gái Việt Nam vừa nhiều vừa xinh đẹp, sau khi lấy chồng thì "đánh không đánh trả, mắng không mắng trả, lại đủ chức năng của một... vú em. Nếu ở Trùng Khánh, một anh chàng công nhân xuất thân nông dân, vốn liếng chẳng có, tướng mạo thì không như mình, tìm được một cô vợ tốt thật khó hơn lên trời".

Chắc hẳn nghe những "tâm sự" này, các cô gái Việt Nam đã và có ý định lấy chồng ngoại sẽ thấy quặn lòng. VTC News tiếp tục giới thiệu đến độc giả những thông tin đáng phải suy nghĩ.

“Lí lịch trích chéo” của một người muốn lấy vợ Việt Nam

Thân phận: Công nhân xây dựng bình thường, trình độ văn hóa hết cấp 2, thu nhập chưa đến 2000 NDT/tháng.

Ý định: Sang Việt Nam tìm vợ.

Lý do: Cho rằng trong nước là người nghèo không lấy được vợ nhưng ở Việt Nam với thu nhập như thế thì hoàn toàn có thể.

Hành động: Đã làm xong hộ chiếu, đợi sang tháng lên đường, hiện đang tìm gấp một phiên dịch giá rẻ.

Bảng kê chi phí lấy vợ nước ngoài:

- Đi ô tô từ Quảng Tây đến TP.HCM: 130 NDT

- Vé xe lửa ghế cứng từ Trùng Khánh đến Quảng Tây: 400 – 500 NDT

- Đăng báo tìm vợ trên báo Việt Nam: 80 NDT

- Tìm phiên dịch, ăn ở ở nhà phiên dịch: 500 NDT

Tổng chi phí cả đi về là khoảng 2000 NDT

“2000 NDT ở đây là ít, nhưng ở Việt Nam là món tiền không nhỏ!” Tự tin với điều đó, chàng công nhân người Giang Tân là Hồng Lâm gần đây đã làm xong hộ chiếu, chuẩn bị sang Việt Nam tìm vợ!

Đã làm xong hộ chiếu, chỉ còn chờ xuất ngoại

Tấm hộ chiếu này tương đương với tiền ăn cả tháng của anh chàng Hồng Lâm.

Hồng Lâm, 22 tuổi, nông dân ở trấn Bạch Sa, Giang Tân, Trùng Khánh, hiện là công nhân trong khu công nghiệp Lạc Hoàng, lương tháng không đầy 2000 NDT. Cách đây không lâu, anh chàng này xin nghỉ phép để tìm đến tòa soạn báo Trùng Khánh tin chiều, hỏi địa chỉ một cô gái Việt Nam tên là Tuyết, từng được tờ báo này đăng về câu chuyện tình lãng mạn với một chàng trai Trùng Khánh, chỉ với một mục đích: nhờ làm phiên dịch giúp mình sang Việt Nam tìm vợ!

Vì sao lại muốn đi ngàn dặm tìm một cô vợ Việt Nam? Hồng Lâm nói: "Theo tìm hiểu trên mạng, các cô gái Việt Nam vừa nhiều vừa xinh đẹp, sau khi lấy chồng thì "đánh không đánh trả, mắng không mắng trả, lại đủ chức năng của một vú em. Nếu ở Trùng Khánh, một anh chàng công nhân xuất thân nông dân, vốn liếng chẳng có, tướng mạo thì không như mình, tìm được một cô vợ tốt thật khó hơn lên trời".

Theo anh ta tìm hiểu được, thu nhập bình quân của nhóm người làm công ăn lương ở Việt Nam khá thấp nên mức thu nhập 2000 NDT (khoảng hơn 4 triệu đồng) của anh ta cũng có thể coi là... khá khẩm!

Khi PV của Trùng Khánh tin chiều đến thăm, anh chàng đang mặc một bộ đồ bảo hộ cũ, đeo tạp dề, ngồi trên tấm phản kê bằng gạch lấy ra khoe tấm hộ chiếu được bọc trong năm bảy lớp nilon: “Hộ chiếu tôi làm xong rồi, chỉ cần tìm được phiên dịch là lên đường".

Sau lưng, chảo cơm rang ăn dở từ sáng. Hồng Lâm nói bình thường mình rất tiết kiệm, làm hộ chiếu mất 300 NDT là tương đương với tiền sinh hoạt cả tháng.

"Công nhân F2" khó tìm vợ

Do quán ăn mà cô Tuyết làm đã sang tên cho người khác nên Hồng Lâm không tìm được. Anh ta phải nhờ đến sự giúp đỡ của tòa soạn vì một công nhân xuất thân nông dân loại F2 như anh (có bố cũng là công nhân xuất thân nông dân) tìm được vợ thật quá khó ở nước mình, trong khi anh lại không muốn ở vậy suốt đời…

Anh chàng bấm đốt ngón tay kể: Học hết cấp 2, 17 tuổi bắt đầu phiêu bạt bốn phương từ Bắc Kinh đến Quảng Châu, Thanh Đảo… làm thuê, khó khăn lắm mới để dành được hơn 1 vạn NDT để lấy vợ. Vì tìm vợ, anh ta đã bỏ một công việc rất tốt ở công ty xe đạp, đến xin làm ở một công ty điện tử có nhiều nữa nhân công. Nhưng khi tìm được cô gái mình thích, vừa nói xuất thân nông dân, cô ta lập tức "không từ mà biệt". Người nhà cũng hai lần giới thiệu đối tượng nhưng các cô này nghe đến xuất thân cũng lập tức "một đi không trở lại".

“Tìm được người vợ tốt thật khó quá! Tôi chỉ cao 1m66, tiền thì không có, các cô gái tốt đâu thèm để ý đến tôi!”, Hồng Lâm thật thà. 22 tuổi, vừa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật Trung Quốc, vì sao đã vội vàng tìm vợ đến nỗi phải xuất ngoại? Hồng Lâm đáp: “Không vội sao được? Ngày ngày đi làm không kể, đến lúc ra đường nhìn ai cũng có đôi có cặp mà não ruột".

 

Hộ chiếu du lịch chỉ có thời hạn 1 tháng, ngôn ngữ không thông làm thế nào đảm bảo tìm được cô vợ Việt Nam tâm đầu ý hợp? Hồng Lâm nói mình không phải "nhắm mắt nói mò" vì hồi làm thuê ở Quảng Châu, có nhiều xưởng do chủ người Nhật đầu tư, anh từng tham gia một lớp ngoại khóa tiếng Nhật, trong lớp có nhiều cô gái đi học với mục đích lấy chồng người Nhật, bởi lẽ Nhật Bản phát triển hơn Trung Quốc. Cứ đó mà suy, các cô gái Việt Nam cũng vậy.

Các bạn của Hồng Lâm đều nói, cách nghĩ này không có gì sai, họ cũng 25, 26 tuổi rồi mà chưa có bạn gái nếu Hồng Lâm thành công, mọi người sẽ học theo.

Theo thống kê tháng 2/2008, năm 2006 ở Trung Quốc đàn ông từ 21 đến 30 tuổi chiếm 36.5% lớp công nhân xuất thân nông dân đang ở vào độ tuổi kết hôn. Ngành xây dựng, gia công chế tạo máy là lựa chọn hàng đầu cho nhóm người này, trong đó 80% công nhân xây dựng có xuất thân là nông dân. Công việc vừa nặng nhọc, bụi bẩn, lương thấp, nguy hiểm nên rất khó lọt vào mắt xanh các cô gái, lại càng khó có cơ hội gặp gỡ phụ nữ. Hạn chế nghề nghiệp cùng với mức lương thấp đẩy các chàng trai này vào hoàn cảnh khó tìm bạn đời.

Trai Trung Quốc hướng tới tìm vợ Việt Nam?

Được biết, thời gian gần đây ngày càng nhiều chàng trai không tìm được bạn gái ở Trung Quốc đã hướng tới các nước như Việt Nam, Mianmar, Indonesia… Nhiều người cho rằng các cô gái nước ngoài vì sống trong điều kiện kinh tế khó khăn nên tính cách hiền hòa ngoan ngoãn, không kiêu kì như các cô gái Trung Quốc, nên hứa hẹn sẽ là những người vợ lí tưởng.

Câu chuyện của anh chàng Hồng Lâm trên đây chỉ là một trường hợp và bản thân phóng viên báo Trùng Khánh tin chiều trong bài viết của mình cũng không tỏ ý tin tưởng vào xác suất thành công của hành trình “muôn dặm tìm vợ” này. Nhưng sự xuất hiện ý tưởng này, cùng với câu chuyện “lấy vợ siêu tốc” được chia sẻ trong kì trước nói lên một thực tế rằng chuyện lấy vợ Việt Nam ở Trung Quốc có xu hướng trở thành trào lưu.

Nhiều tờ báo và website Trung Quốc đưa tin, mấy năm trở lại đây, ở Việt Nam xuất hiện một làn sóng “hôn nhân kinh tế”; nhiều nơi còn tổ chức những đoàn du lịch kết bạn, trong hành trình 6 ngày, có thể tổ chức cho gặp gỡ với vài chục cô gái. Những thông tin này đã có sức hấp dẫn đáng kể đối với xã hội Trung Quốc đang ngày càng thừa nam, thiếu nữ – một phần do chính sách kế hoạch hóa chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng có 1 con đã khiến trong một thời gian dài, người ta có xu hướng chọn giới tính thai nhi theo quan niệm “con nối dõi”.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc cũng khuyến cáo các chàng trai của họ: Lấy được vợ nước ngoài với chi phí thấp, nghe ra rất hấp dẫn nhưng phải được thực hiện bằng con đường hợp pháp. Chủ nhiệm phòng đăng kí kết hôn Du Bắc Hoàng Xuân Diễm cho biết: "Muốn tìm vợ nước ngoài, dứt khoát không nên tìm đến các trung tâm môi giới ngầm, bởi lẽ mua vợ là hành vi phi pháp. Để lấy vợ nước ngoài đúng luật, ngoài việc bạn bè giới thiệu, hay hai bên tự quen biết, cũng có thể tìm đến những trung tâm môi giới hôn nhân có đủ tư cách pháp nhân".

Bà Vương Xuân Diễm cũng nhắc nhở, khi kết hôn với người nước ngoài, cần phải đem hộ chiếu hoặc giấy lưu trú và các giấy tờ khác của hai người cùng với chứng nhận tình trạng hôn nhân làm thủ tục tại cơ quan đăng kí kết hôn. “Sau khi cưới về cũng phải chuẩn bị tâm lí, có thể cô gái không thể làm được “chức năng bảo mẫu” như mong đợi, do ngôn ngữ không thông, có khi đi chợ cũng cần có người giúp”. Một số người có kinh nghiệm thì khuyên rằng, trước hết có thể nói chuyện tìm hiểu qua mạng, hoặc thông qua các diễn đàn ở nước ngoài để tìm đối tượng vừa mắt, sau khi có cơ sở hiểu biết lẫn nhau nhất định, xác suất thành công mới cao.

Đông Linh
(Theo Sina, Xinhua, Trùng Khánh tin chiều, Kinh Sở báo, các diễn đàn)

* Diễn đàn: Bạn có suy nghĩ gì về tâm sự của anh chàng Lâm trong bài viết? Bạn có tin rằng những chàng trai Trung Quốc như Hồng Lâm sẽ tìm được người vợ lý tưởng, như "dự tính" của anh ta? Hãy cùng góp ý kiến thông qua box thảo luận cuối bài. Trân trọng!

Các cô gái Việt Nam nên tìm hiểu kỹ thông tin

[email protected]

Lương tháng chưa đến 2000NDT mà họ nghĩ là to lắm đối với Việt Nam sao? Người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng nên nghĩ lại trước khi tìm hiểu và lấy chồng Trung Quốc

Có lẽ tôi phải sang… Somali kiếm vợ

[email protected]

Cứ như tình hình thực tế thì kĩ sư xuất thân nông dân như tôi nên làm hộ chiếu sang Somali kiếm vợ thôi

Buồn...

[email protected]

Lấy chồng nước ngòai,  đó là một hành trình chinh phục và hòa nhập của những người phụ nữ Việt Nam với những nền văn hóa khác... Và chuyện lấy chồng của người phụ nữ Việt Nam sẽ là bình thường nếu tự thân nó vận động... Nhưng qua bài viết này, tôi cảm thấy buồn và thương cho những cô gái làm dâu xứ người.





Bình luận
vtcnews.vn