Sự nghiệp khởi sắc và những sai lầm của Trịnh Xuân Thanh

Thời sựThứ Bảy, 17/09/2016 07:21:00 +07:00

Mặc dù chèo lái khiến một con tàu thua lỗ nặng nề nhưng con đường công danh của Trịnh Xuân Thanh lại vô cùng khởi sắc.

Sau khi ra quyết định khởi tố, thi hành lệnh bắt giam đối với 4 lãnh đạo tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) vào sáng 16/9, lúc 22h cùng ngày, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVC.

Trước đó, Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Empty

Truy nã toàn quốc và quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh

Trịnh Xuân Thanh (SN 1966), quê quán Đông Anh - Hà Nội. Ông Thanh từng tốt nghiệp ĐH Kiến Trúc Hà Nội, là kỹ sư quy hoạch đô thị và có trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Năm 1990-1995, ông Thanh làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức (cũ). Năm 1996-2000, ông làm Phó Giám đốc xí nghiệp Xây dựng và trang trí nội thất 1, công ty Phát triển kinh tế kỹ thuật Việt Nam (DETESCO VN) thuộc Trung ương Đoàn.

Từ năm 2000-2006, ông Thanh làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng (Bộ Xây dựng). Tháng 8/2006 - 10/2007, ông Thanh được bầu làm Phó Tổng giám đốc rồi Tổng Giám đốc tổng công ty Xây dựng Sông Hồng.

Năm 2007-2013, ông Thanh làm Chủ tịch HĐQT, Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy; Tổng Giám đốc tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Trong giai đoạn này, bộ đôi Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận chính là hai nhân vật đã "góp công" lớn trong việc để xảy ra khoản lỗ hơn 3.300 tỷ đồng tại Tập đoàn PVC.

Mặc dù chèo lái khiến một con tàu thua lỗ nặng nề nhưng con đường công danh của Trịnh Xuân Thanh lại vô cùng khởi sắc. Ông ta liên tiếp được cân nhắc, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo quan trọng của Bộ, ngành.

Tháng 9/2013 - 4/2015, ông Thanh làm Phó chánh Văn phòng bộ Công Thương, Trưởng đại diện tại TP. Đà Nẵng; Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng bộ Công Thương; Vụ trưởng; Chánh văn phòng ban Cán sự Đảng bộ bộ Công Thương; Thường trực ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ.

Tháng 5/2015, khi được bộ Công Thương luân chuyển công tác vào tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh này đã có tờ trình HĐND tỉnh bầu ông Thanh giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 với 43/47 phiếu tín nhiệm.

Theo kết quả bầu Đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016-2021) do Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố, ông Trịnh Xuân Thanh được 198.392 cử tri của đơn vị bầu cử số 1 (các huyện Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A của tỉnh Hậu Giang) tín nhiệm, đạt 75,28% số phiếu hợp lệ, trúng cử Đại biểu Quốc hội.

 Khi vừa về giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục có hành động coi thường pháp luật khiến dư luận hết sức bất bình. Cụ thể là việc ông Thanh mượn một chiếc xe ô tô cá nhân và tự ý gắn biển xanh vào chiếc xe đi mượn để sử dụng.

Theo quy định hiện nay về sử dụng xe công, phải cấp từ thứ trưởng trở lên mới được trang bị xe công trong phạm vi 1 tỷ đồng trở xuống. Trong khi đó, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đi xe rất sang trọng, trị giá 5 tỷ đồng.

Như một giọt nước làm tràn ly, sau khi gây ra nhiều bức xúc trong dư luận ông Trịnh Xuân Thanh bỗng nhiên mất tích khỏi địa phương. Lý đo được phía Tỉnh ủy Hậu Giang đưa ra là ông Thanh xin nghỉ phép một tháng để đi chữa bệnh.

Trước khi Bộ Công an chính thức đưa ra Lệnh truy nã trong nước và quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, nhiều ngày qua, câu hỏi được nhiều người nhắc đến nhất là: "Ông Thanh đang làm gì, ở đâu?".

txt

Toàn cảnh con đường thăng tiến và những sai lầm trong sự nghiệp của Trịnh Xuân Thanh

Nhận định của các vị lãnh đạo về Trịnh Xuân Thanh trước khi có lệnh truy nã

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 6/8/2016: "Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ thôi nhưng đã liên quan đến nhiều thứ lắm. Đang quyết tâm làm, chúng tôi đã nói nhiều lần, làm có các bước đi chắc chắn, chặt chẽ, thận trọng hiệu quả và phải giữ được ổn định để phát triển đất nước. Bởi vì sau vụ này còn liên quan đến nhiều người khác".

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại hội thảo do Bộ Công an tổ chức vào sáng 14/7: "Phải xử nghiêm vụ ông Trịnh Xuân Thanh thì mới yên lòng dân".

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói trong bài "Làm rõ ai 'nâng đỡ' ông Trịnh Xuân Thanh", đăng trên Tiền phong sáng 12/9/2016: "Cần phải làm rõ sự liên quan của các tổ chức, cá nhân khi đã không kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm mà còn điều động, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh - Nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang vào vị trí cao hơn".

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nói tháng 7/2016:"Cần làm rõ xem động cơ của việc bổ nhiệm, cất nhắc ông Thanh. Nếu do chạy chọt thì phải xử lý nghiêm. Nếu chỉ kiểm điểm, kỷ luật nhẹ sẽ dẫn đến sinh nhờn thuốc".

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói hồi tháng 6/2016: "Việc sử dụng xe cá nhân gắn biển số xanh đã là việc làm không tuân thủ pháp luật. Như thế là vi phạm tính trung thực, tiêu chuẩn rất quan trọng của người ĐBQH nên anh vi phạm là không xứng đáng trở thành đại biểu. Quan điểm của tôi là ông Thanh không đủ tiêu chuẩn trở thành ĐBQH".

Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật nói bên hành lang cuộc họp của các ĐBQH chuyên trách sáng 9/9/2016:"Tôi cho rằng không phải một mình ông Trịnh Xuân Thanh làm được những việc tày trời như vậy. Một mình ông Thanh sao có thể chọn chỗ cho mình?"

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói trên Tuổi Trẻ ngày 2/8/2016: "Sơ bộ thì có thể khẳng định vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh được điều động, bổ nhiệm có rất nhiều dấu hiệu cho thấy có sai phạm, vi phạm trong chính sách cán bộ của Đảng, Nhà nước".

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nói trên Vietnamnet hồi tháng 7/2016: "Giải quyết vụ việc ông Thanh mới chỉ là phần ngọn. Phần gốc là một hệ thống các tổ chức đứng sau ông Thanh cũng phải chịu trách nhiệm, đặc biệt những cán bộ cấp trên của ông Thanh".

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long nói trên VOV hôm 9/9/2016: "Kỉ luật Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh là đúng. Nhưng việc xử lý ông Thanh là phải từ gốc, không đơn giản xử lý một mình ông Thanh được. Một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể làm được".

Video: Bắt một Việt Kiều sau 25 năm truy nã

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn