Sân bay Long Thành: 'Làm sớm được ngày nào, dân được nhờ ngày đó'

Thời sựThứ Sáu, 30/10/2015 05:15:00 +07:00

Cảng hàng không quốc tế Long Thành triển khai sớm ngày nào thì dân được nhờ ngày ấy.

(VTC News) - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, dự án cảng hàng không Long Thành tiến hành được sớm được ngày nào, dân được nhờ sớm ngày đó.

Sớm triển khai bồi thường, tái định cư
Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương xây dựng "Đề án về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư người dân vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành" và "Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư" trình Trung ương phê duyệt làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Tỉnh cũng đã tiến hành điều tra thực trạng dân cư, đất đai vùng dự án.
Thông tin trên được ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết tại hội thảo “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Cần cơ chế chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống cho người dân” tổ chức vào sáng nay (30/10).
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành 
Cũng theo ông Thái, hiện tỉnh Đồng Nai đang còn vướng về các quy định của pháp luật, dự án phải được phê duyệt mới được giải phóng mặt bằng. 
Ông Đặng Minh Đức– Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải thực hiện ngay từ bây giờ. 
"Thời gian hết sức cấp thiết vì theo tính toán của UBND tỉnh Đồng Nai, công tác bồi thường, hỗ tợ tái định cư của bước 1 đối với 2.750 ha đất dự án và khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đề giao cho chủ đầu tư triển khai dự án thì cần có thời gian ít nhất 3 năm
Nếu chậm triển khai dự án bồi thường, chắc chắn rằng bức xúc người dân trong vùng dự án sẽ tăng lên và phát sinh những vấn đề mới mà chúng ta chưa lường tới. Thực tế người dân không thể chờ đợi lâu thêm nữa" ông Đức nói.
Cũng theo vị Giám đốc Sở này, để làm sớm công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, phải xây dựng trước khu tái định cư, ổn định tổ chức. Ông Đức nói: "Đồng Nai xin có những kiến nghị sau: Thực hiện công tác bồi thường một lần, kiến nghị xây dựng trước khu tái định cư, cần một cơ chế đặc thù về quy trình thẩm định, phê duyệt, quy hoạch xây dựng hạ tầng khu tái định cư".
Ông Đức cũng kính đề nghị các bộ, ngành liên quan thẩm tra và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách để tỉnh Đồng Nai thực hiện việc bồi thường, tái định cư.
Về vấn đề giải quyết việc làm cho người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án, ông Trần Văn Vĩnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, để có đất cho dự án, điều quan trọng là làm sao để người dân trong vùng dự án được bố trí tái định cư, ổn định việc làm, có cuộc sống đảm bảo. Trong thời gian qua, tỉnh rất quan tâm tới vấn đề việc làm cho người dân sau khi tái định cư.
“Chúng tôi đã làm việc với các trường dạy nghề, các nhà đầu tư trong vùng nhằm tìm hiểu nhu cầu lao động để hỗ trợ dạy nghề cho người dân. Việc này được thực hiện theo ba giai đoạn: giai đoạn giải phóng mặt bằng (đến năm 2018) sẽ tổ chức dạy nghề gì? Trong giai đoạn thi công dự án, người dân có thể làm được công việc gì? Khi dự án được đưa vào khai thác, chúng tôi sẽ làm việc với ngành hàng không để hướng nghiệp cho con em người dân trong vùng,” ông Trần Văn Vĩnh thông tin.
Làm sớm được ngày nào, dân được nhờ ngày đó
Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, về cơ bản, việc chuẩn bị cho công tác đền bù hết sức công phu, là một việc làm có trách nhiệm. 
"Hiện tại, việc xây dựng khung chính sách và công bố cho người dân, chúng ta đã có gắng nhưng cần khẩn trương hơn nữa. Tôi thấy thực tế, với tình hình Tân Sơn Nhất hiện nay, dự án cảng hàng không Long Thành tiến hành được sớm được ngày nào, dân được nhờ sớm ngày đó" ông Lịch khẳng định.
Ông Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM 
Theo ông Lịch, đất tại Long Thành bao gồm nhiều loại như: đất lâm trường, nông nghiệp, đất ở…theo lộ trình, việc xây dựng hết 5.000ha đất sẽ phải kéo dài hàng chục năm, trải qua hai giai đoạn. 
"Vấn đề đặt ra bây giờ là lộ trình thực thi và việc lấy đất, đền bù cho người dân cần được tính toán thực hiện như thế nào để không gây lãng phí?
Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của ta dường như chỉ khuyến khích đầu cơ đất, ‘tiền trao, cháo múc.’ Vì thế, khi giải phóng mặt bằng cần hỗ trợ cho người dân tại đó chứ không phải hỗ trợ người dân từ TP.HCM ra Long Thành mua đất. Việc này phải phân biệt rõ ràng,” ông Trần Du Lịch lưu ý.
Cũng về vấn đề cơ chế cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng, Tiến sĩ Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng đề xuất cần có cơ chế để người dân bị đền bù giải phóng mặt bằng có công việc phù hợp tại sân bay Long Thành. 

Theo ông Phước, khi sân bay Long Thành hoàn thành, nơi đây có thể trở thành một khu đô thị với hai dự án tái định cư lớn lên tới gần 600 ha. Vì vậy cần xây dựng nền tảng để biến những người nông dân Long Thành thành thị dân trong tương lai.

Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia kiến nghị: "UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT cần nghiên cứu sử dụng những nông dân đã rời bỏ ngôi nhà cũ, mảnh vườn cũ trở thành những công nhân, những người làm dịch vụ tại chính Cảng hàng không quốc tế Long Thành".

M.Chiến
Bình luận
vtcnews.vn