Đại biểu Quốc hội: 'Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phải rút kinh nghiệm'

Thời sựThứ Hai, 05/06/2017 15:02:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng phải rút kinh nghiệm khi ra văn bản hôm trước, hôm sau lại phải rút.

Bên hành lang Quốc hội ngày 5/6, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) - Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thu hồi văn bản gửi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng ký hôm 2/6 là điều hết sức đáng tiếc trong quản lý, điều hành.

luu binh nhuong 3

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng bản thân Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng cần rút kinh nghiệm.

"Trong văn bản thu hồi, Thứ trưởng đã yêu cầu xem xét trách nhiệm của bộ phận tham mưu, tức là trong con mắt của đồng chí đó văn bản là sai và đồng chí đã ký một văn bản sai, không sử dụng được. Đây là điều hết sức đáng tiếc và cần rút kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành, khi ra một văn bản ngày hôm trước ký, ngày hôm sau rút", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu.

Ông Nhưỡng khẳng định tuy văn bản này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng "bản thân Thứ trưởng phải rút kinh nghiệm".

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) Cho rằng việc Thứ trưởng ra văn bản để yêu cầu kiểm điểm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là không đúng thẩm quyền vì lãnh đạo Bộ là người thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực chứ không lãnh đạo Hiệp hội.

"Chỉ đạo xử lý người ta như thế là không đúng thẩm quyền", đại biểu Lê Thanh Vân nói.

"Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng là người theo dõi từ đầu, chủ trì các hội thảo, các cuộc họp về vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà thì tại sao với cương vị phụ trách lĩnh vực, ông không phản biện, tranh luận lại các quan điểm đưa ra lại hội thảo, tại cuộc họp mà lại dùng quyền lực để yêu cầu kiểm điểm người phát biểu tại hội thảo? Như vậy là không thoả đáng", đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Video: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo không để các dự án đã được cấp phép ở Sơn Trà triển khai ồ ạt

Hiệp hội là một tổ chức nghề nghiệp, thành lập trên cơ sở pháp luật và người ta nói lên quan điểm của mình. Quan điểm không vi phạm, không gây nguy hiểm với xã hội, với mục đích chung là bảo vệ cảnh quan, môi trường và thậm chí cả an ninh quốc gia tại Sơn Trà.

"Khi người này lên tiếng, nếu cần, đại diện cơ quan quản lý nhà nước phải phản biện ngay để thấy cái đúng, cái sai trong quan điểm chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt buộc kiểm điểm, giải trình, xử lý người ta được", đại biểu Vân nói.

quy hoach son tra

 

Cũng nêu quan điểm, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, trong việc này trách nhiệm trước hết là của người trực tiếp ký văn bản.

Bởi, người ký luôn phải thảo luận, cân nhắc, xem xét nội dung có phù hợp hay không thì mới đặt bút và phải chịu trách nhiệm về văn bản mình ký.

Đương nhiên có lỗi của việc tham mưu không chuẩn khiến thủ trưởng ban hành văn bản không phù hợp phải thu hồi, nhưng trách nhiệm đầu tiên phải là của người ký văn bản chứ không phải của cấp dưới.

Ông cũng nhấn mạnh, vấn đề liên quan đến Sơn Trà được Phó Thủ tướng chỉ đạo phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến đa chiều. Với tư cách Hiệp hội tham gia tọa đàm, người ta có quyền nói lên tiếng nói của họ.

"Dù thế nào, Bộ cần cân nhắc, xem xét cho thấu đáo chứ không phải vội vàng ra một quyết định yêu cầu xử lý", ông Sơn nêu rõ.

Đồng thời, ông Sơn khẳng định, việc xử lý trong trường hợp này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là "rất không hay".

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn