Quốc hội dành 32 ngày bàn quốc kế dân sinh

Thời sựThứ Năm, 26/08/2010 09:52:00 +07:00

(VTC News) – Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII sẽ làm việc trong 32 ngày để xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước...

(VTC News) – Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII sẽ làm việc trong 32 ngày, từ 20/10 đến 27/11/2010, trong đó có 4/6 ngày thứ bảy để xem xét, thông qua 10 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; chất vấn và trả lời chất vấn; góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng...

Chiều 25/8, tại buổi làm việc cuối cùng của Phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các Ủy viên UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII tới, các nghị sỹ sẽ có 2,5 ngày chất vấn những vấn đề dân sinh bức xúc (Ảnh: VNN) 
Dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII vẫn giữ như đã được thống nhất tại phiên họp thứ 32. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết (trong đó 3 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết thông qua theo quy trình một kỳ họp, 7 dự án luật thông qua theo quy trình hai kỳ họp); cho ý kiến 9 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Trong 32 ngày làm việc, Quốc hội dành 3,5 ngày xem xét, quyết định về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; Dành 6,5 ngày xem xét một số báo cáo và thực hiện giám sát (Trong đó, Quốc hội dành 1,5 ngày Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; 1 ngày Xem xét Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; 2,5 ngày Báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội…);

Quốc hội cũng dành 18 ngày làm việc cho công tác xây dựng pháp luật; 9 ngày cho việc thông qua 10 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội; 9 ngày Quốc hội cho ý kiến 9 dự án luật trình Quốc hội; 1,5 ngày góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: 1,5 ngày; 2,5 ngày cho khai mạc, bế mạc, trình bày các văn bản.

Thảo luận tại buổi họp, các thành viên UBTVQH cơ bản các ý kiến đồng tình với chương trình kỳ họp.

Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng được các đại biểu đề nghị bổ sung vào báo cáo và nội dung chương trình kỳ họp tới như vấn đề Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), báo cáo tình hình trật tự xã hội.

Về vấn đề Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, vấn đề Vinasin đã được Chính phủ kết luận rõ ràng, đồng thời Chính phủ cũng đã có chương trình hành động cụ thể với nhiều giải pháp quyết liệt, vì vậy không nhất thiết phải có một báo cáo tại kỳ họp tới.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị nên bổ sung vào chương trình báo cáo của Chính phủ về tình hình cho thuê đất rừng để gửi tới các đại biểu cũng như báo cáo thực hiện phòng chống tham nhũng, báo cáo thực hiện kết quả giám sát vốn ngân sách Nhà nước.

Tại phiên họp thứ 33 diễn ra trong 5 ngày qua, UBTVQH đã cho ý kiến 6 Dự án luật là Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự; Dự án Luật khiếu nại; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Dự án Luật đo lường và Dự án Luật phòng, chống mua bán người.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cơ quan hữu quan, trên cơ sở ý kiến của các thành viên UBTVQH sớm hoàn thiện các Dự án Luật này.

Kiều Minh

Mời Quý độc giả chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và hiến kế để
Việt
Nam có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa
Bấm vào đây để viết ý kiến, hoặc gửi về email [email protected] 

 

Bình luận
vtcnews.vn