Quan chức Quốc hội: Báo cáo Thủ tướng xem xét trách nhiệm các Bộ không chịu trả trụ sở cũ

Thời sựThứ Sáu, 03/11/2017 14:56:00 +07:00

Ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần chỉ rõ, thậm chí báo cáo Thủ tướng xem xét trách nhiệm ở những bộ không chịu trả trụ sở cũ.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ thực tế hiện này có Bộ, ngành dù đã có trụ sở mới nhưng vẫn quyết giữ trụ sở cũ, không chịu trả lại cho Nhà nước.

truong-minh-hoang

Ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

- Vừa qua, Cục quản lý Công sản (Bộ Tài chính) có phản ánh trên báo chí có 10 bộ ngành có trụ sở mới nhưng lại chưa trả lại trụ sở cũ. điển hình như Bộ TN&MT có trụ sở ở Tôn Thất Thuyết nhưng vẫn giữ trụ sở ở Nguyễn Chí Thanh. Bộ Tài chính cho rằng hiện trạng này dẫn đến lãng phí tài sản công, thưa ông?

Tài sản công được đầu tư giao thẩm quyền cho Bộ Tài chính, trực tiếp là Cục công sản. Theo tôi, trước hết, Bộ Tài chính nên thực hiện thẩm quyền của mình là phát hành một văn bản đề nghị phải lên tiếng chính thức, chứ trả lời trên báo chí cũng chưa đủ.

Tôi tin chắc đã xây dựng trụ sở mới thì trụ sở cũ sẽ thừa ra, nếu có sử dụng cũng chỉ sử dụng một phần, phần nào thừa phải trả cho bộ phận quản lý công sản để người ta điều phối, tính toán hoạt động vào mục đích khác cho phù hợp.

Hơn ai hết các đồng chí được giao trách nhiệm đó phải phát hành văn bản. Khi phát hành văn bản, mà không trả lời thì mình được quyền đề nghị đến cấp cao hơn.

Nếu như họ không thực hiện thì mạnh dạn báo với Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ không bao che bất cứ sai phạm gì nếu chúng ta làm mạnh, làm đúng, kể cả các nhà công vụ cũng thế, khi hết nhiệm vụ thì phải thu lại. 

- Tình trạng bộ ngành không chịu trả trụ sở cũ có phải do né tránh, nể nang, thưa ông?

Tôi cũng không có căn cứ để nói do “né tránh hay nể nang”. Nhưng chưa làm thì bắt đầu từ bây giờ phải làm đến nơi, đến chốn, làm một cách công tâm, công khai, minh bạch. Chứ bộ này không làm, bộ kia do dự, chừng nào họ trả tôi mới trả, nhiều đơn vị sẽ như vậy. 

Theo tôi phát hành văn bản là công bằng nhất. Nếu trong một khoảng thời gian sau khi phát hành văn bản anh không thực hiện thì tiếp tục đốc thúc. Đốc thúc lần thứ 2 không trả thì báo cáo lên Thủ tướng, xem đây là báo cáo việc không thực hiện nhiệm vụ của bộ đó. Nếu thấy cần thiết thì cử đoàn làm việc với bộ đó cho rõ ràng.

- Đối với những Bộ chưa trả trụ sở cũ thì có cần cơ chế nào để xử lý, thưa ông?  

 
Bất kỳ vụ việc gì xảy ra thì người đứng đầu Bộ phải chịu trách nhiệm

Đại biểu Trương Minh Hoàng

Bất kỳ vụ việc gì xảy ra thì người đứng đầu Bộ phải chịu trách nhiệm. Vì pháp luật hiện hành về tổ chức, bộ máy… đã quy định rất rõ trách nhiệm của ông Bộ trưởng được làm gì, thẩm quyền ra sao, chịu trách nhiệm gì chứ không phải không có.

Ngoài ra còn rất nhiều cuộc họp nữa. Họp chính phủ đưa ra phê bình được không, và không thực hiện thì ra họp Trung ương lại phê bình tiếp. Hàng năm còn có cuộc xin ý kiến phê bình Ban cán sự đảng các Bộ ngành nữa.

Chẳng hạn năm 2018, Bộ Chính trị sẽ thực hiện phê bình, tự phê bình thực hiện Nghị quyết Trung 4, khoá XII, nếu như bộ ngành đó không thực hiện nghiêm túc việc trả trụ sở cũ thì kiểm điểm Ban can sự Đảng của đơn vị đó được không? Được quá đi chứ!

Cơ chế, quy định để xử lý trách nhiệm có hết rồi, vấn đề bây giờ có dám làm, có chịu làm hay không thôi. 

- TP.HCM, Hà Nội cũng kêu rất nhiều chuyện này. Đặc biệt lãnh đạo Hà Nội cho biết, 10 năm nay bao nhiêu bộ ngành chuyển đi nhưng TP không thu hồi được m2 đất nào, trong khi đã bố trí rất nhiều quỹ đất cho các bộ ngành xây trụ sở mới… Ông nghĩ sao về câu chuyện này?

Như tôi đã nói cần quyết tâm làm, mạnh dạn làm. Tôi đề nghị Thành phố công bố, công khai bộ ngành nào không chịu trả trụ sở bằng kênh chính thức. Thậm chí có thể nêu trên phương tiện truyền thông… Mình được quyền làm cái đó, nhân dân ủng hộ và còn có áp lực của dư luận nữa…

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn