Phương án nào cho việc xử lý tài sản bất minh?

Thời sựThứ Bảy, 11/08/2018 07:41:00 +07:00

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp bàn, cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong việc lựa chọn phương án khả thi khi xử lý tài sản bất minh trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Chiều 10/8, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Ngoài phương án đánh thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính như dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp 5, cơ quan liên quan đề xuất thêm phương án 3.

toan-canh-2

Toàn cảnh phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ ra rằng, theo phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Phương án này cũng thể hiện được nhiều ưu điểm rõ rệt; đồng thời, bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ ra rằng, ưu điểm của phương án này là không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự; không mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng dân sự.

cn le thi nga

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo.

Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai. Như vậy, trong quá trình tranh tụng, Tòa án phán quyết về tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tài sản, thu nhập tăng thêm đó thuộc sở hữu của Nhà nước.

Khi kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm không có nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm đề nghị tòa án có thẩm quyền để xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước. Điều kiện là người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với kết luận xác minh tài sản, thu nhập.

Tòa án xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập này theo trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rẳng, các phương án được đề xuất cũng chưa thật sự có căn cứ đầy đủ; đề nghị Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án cần phải quan tâm nhiều đến tính khả thi của dự thảo Luật khi áp dụng trong thực tiễn ở Việt Nam.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ rõ, trên thực tế, người cán bộ có thể có nhiều khoản thu nhập, dự thảo Luật chưa quy định khoản thu nhập thế nào là hợp lý, ở mức nào là hợp lý; Luật quan tâm đến vấn đề kê khai tăng tài sản, nhưng kê khai giảm để nhằm mục đích tẩu tán tài sản thì dự thảo Luật có quy định không? Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần làm rõ vấn đề này.

nguyen van giau 3

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, dự thảo Luật phải xem xét, đánh giá hết các tác động; căn cứ vào các khả năng thực tiễn, căn cứ vào các quy định về quyền tài sản trong Hiến pháp và các quy định của pháp luật hiện hành về quyền tài sản; kết hợp với thực tiễn văn hóa đời sống của người Việt Nam để đảm bảo tính khả thi.

Đánh giá cao ý chí, quyết tâm của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, tuy nhiên chưa thật sự đồng tình với phương án nào trong các phương án cơ quan soạn thảo đưa ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, những quy định của dự thảo Luật phải thật chặt chẽ, đầy đủ căn cứ; không chỉ thực hiện mục tiêu chống tham nhũng mà còn thực hiện mục tiêu ổn định và phát triển đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, kinh nghiệm các nước trên thế giới đều dùng công cụ thuế để kiểm soát và phòng chống tham nhũng, từ kê khai tài sản đến kiểm soát thu nhập.

Do đó, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị cần củng cố hệ thống thuế, đi sâu vào lĩnh vực thuế thu nhập, có cơ quan kiểm tra thuế; kiểm soát thông qua thanh toán không dùng tiền mặt mọi giao dịch, tài sản; còn nếu tài sản được chứng minh là có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng thì tịch thu 100%.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn