Phó Chủ tịch Quốc hội: 'Dân có quyền kiện quan’ là bước tiến quan trọng

Thời sựThứ Năm, 12/03/2015 04:02:00 +07:00

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quy định dân có quyền kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, cơ quan nhà nước là một bước tiến quan trọng

(VTC News) - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quy định dân có quyền kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, cơ quan nhà nước là một bước tiến rất quan trọng.

Ngày 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến lần đầu dự án Luật tố tụng hành chính (TTHC) sửa đổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định xử khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, cấp tỉnh phải do TAND trên một cấp giải quyết để đảm bảo khách quan. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng điều này lại trái với yêu cầu cải cách tư pháp, thậm chí trái Hiến pháp.

Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao  

Đại diện TAND Tối cao đề xuất, dự thảo Luật quy định giao TAND cấp tỉnh giải quyết theo trình tự sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.


Đồng tình với việc này, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, trong tình hình hiện nay huyện xét xử huyện là không khả thi.

“Tôi đồng tình quy định như dự thảo. Và để bảo đảm tính thống nhất, đối với cấp tỉnh cũng cần giao TAND cấp cao giải quyết”, ông Khánh nói.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cũng đồng tình với quan điểm trong dự thảo luật nêu ra.
Phân tích thêm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng việc xét xử phải trên một cấp đối với các quyết định hành chính cấp dưới để không bị ràng buộc, nể nang và bảo đảm tính khách quan.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lại cho rằng đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật.

Ông Hiện cho rằng, quy định này vừa không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện, vừa không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán TAND huyện trong giải quyết sơ thẩm án hành chính. Còn nếu quy định TAND cấp cao giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính thì lại trái Hiến pháp.


Vì vậy, nên quy định “trong trường hợp cần thiết, tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện”, ông Hiện đề xuất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu 

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền bày tỏbăn khoăn khi quyền, nghĩa vụ của người dân khi tiến hành khởi kiện vụán hành chính chưa được quy định rõ.

Bên cạnh đó, ông Hiền cho rằng cử tri rất quan tâm đó là hiệu lực của các bản án hành chính. Vì vậy theoông Hiền cần phải có cơ chế quy định chế tài để xử lý, bảo đảm bản ánhành chính tuyên rồi phải có hiệu lực pháp luật thi hành nghiêm minh.

 

Trước đây chúng ta không cho “dân kiện quan” thì này quy định “dân có quyền kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính” của cán bộ, cơ quan nhà nước là một bước tiến rất quan trọng

Ông Uông Chu Lưu
 
Làm rõ vấn đề này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết việc thi hành án thực tế còn nợ nhiều nên cần có quy định trong luật này để đảm bảo thi hành án hành chính.


Ngoài ra cần bổ sung thẩm phán thi hành án để theo dõi quá trình, kiểm soát thi hành án theo tinh thần cải cách tư pháp. Cùng với đó, thực hiện cơ chế công khai với báo chí, đưa ra HĐND giám sát, theo dõi thi hành án.

Thảo luận về nội dung này, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, về mặt nguyên tắc, các đối tượng bị áp dụng các biện pháp thông qua xử lý hành chính thì phải có nghĩa vụ chấp hành.

“Tôi đề nghị nên giao cho cơ quan theo nguyên tắc tòa án xét xử trên cấp. Giao cho HĐND có quyền xem xét, bãi bỏ các văn bản trái pháp luật của UBND, người đứng đầu UBND”, ông Khánh nêu ý kiến.

Kết luận tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: "Trước đây chúng ta không cho “dân kiện quan” thì này quy định “dân có quyền kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính” của cán bộ, cơ quan nhà nước là một bước tiến rất quan trọng".

Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo luật cần phải tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền của mình theo quy định của Hiến pháp. 

“Những vấn đề có còn có ý kiến khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết”, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn