Phiên chợ độc nhất vô nhị ở Việt Nam, phụ nữ bế heo như bế con

Thời sựThứ Bảy, 09/02/2019 11:05:00 +07:00

Dĩ nhiên, tới chợ heo thì người ta mua bán heo, ấy nhưng ở chợ heo Bà Rén của tỉnh Quảng Nam, heo lại được bán theo thể thức chẳng giống bất cứ địa phương nào trên dải đất hình chữ S.

Đi chợ…bồng “Trư Bát Giới”

2h cuối năm, trời se lạnh và màn sương sớm vẫn còn giăng phủ khắp lối thành phố bên bờ sông Hàn – Đà Nẵng. Gà còn chưa kịp cất tiếng gáy, bạn đã đánh tiếng rủ rê: “Đi chợ heo không? Chợ Bà Rén ở Quảng Nam”.

Mơ màng, tôi thắc mắc: “Chợ bán heo thì có chi đâu mà vui?”. Bạn lại khẳng định chắc nịch: “Rất thú vị, năm mới con Heo mà không đi và biết chợ bồng Trư Bát Giới thì quá dở”.

IMG_7876

Chợ heo Bà Rén - ngôi chợ độc lạ ở Việt Nam. 

Và chỉ sau lời kích thích mang tính khơi gợi sự tò mò này chừng 35 phút, tôi đã theo chân người bạn đặt chân đến chợ heo Bà Rén. Ngôi chợ nằm nép mình bên khúc sông hiền hòa uốn một đường vòng cung xuyên qua lũy tre làng.

Chợ tọa lạc ngay bên quốc lộ 1 (thuộc địa phận xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, Quảng Nam).

Đúng 3h, một tốp phụ nữ chạy xe đạp hò nhau í ới tới chợ. Nối gót chân những người này, từng đoàn xe tải trọng lớn vận chuyển heo cũng “cập bến”, báo hiệu chợ heo ngày mới sắp sửa diễn ra.

Hàng trăm chiếc rọ chứa đầy ắp heo nhanh chóng được “cánh mày râu” khuân đến đặt chật ních không gian giữa ngôi chợ rộng chừng 500 mét vuông.

ba 1 5

Ở chợ Bà Rén, heo sẽ được chị em phụ nữ bồng lên cân. 

“Thế còn những người phụ nữ có mặt sớm bửng ở đây làm gì?" – tôi thấy khó hiểu. Một chị trạc tuổi 40 thấy tôi ngơ ngác, bèn đánh tiếng giải đáp: “Đàn ông họ vác rọ heo, còn đàn bà bồng heo”.

Dứt câu, người phụ nữ giới thiệu ngắn gọn tên Lan tiến lại gần chiếc rọ đựng heo “choi” (heo đang trong giai đoạn trưởng thành – PV) và nhấc bổng chú heo nặng khoảng 30kg chỉ trong nháy mắt.

Lạ thay, trước đó khi còn ở trong rọ, chú heo này rống lên từng tiếng liên hồi vang cả đất trời như phẫn uất. Ấy vậy mà khi nằm gọn vào lòng chị Lan, chú heo bỗng im thiêm thiếp.

Thêm vài bước chân, chị Lan đã đứng ngay ngắn cùng con heo trên bàn cân. Kim chiếc cân dừng lại ở ngấp nghé con số 80. “Tôi nặng đúng 50kg, điều này có nghĩa con heo có trọng lượng gần 30kg. Căn cứ vào kết quả trên, bên bán lẫn bên mua sẽ chốt số cân của con heo và quy ra giá. Từ xưa đến nay, chợ heo hoạt động theo thể thức bồng heo lên cân và những người phụ nữ khỏe mạnh, mát tay sẽ được “chọn mặt gửi vàng” để hành nghề bồng heo”, chị Lan chia sẻ.

1

Chợ heo Bà Rén được hình thành từ những năm 70 của thế kỷ trước. 

Khi chợ heo đang tràn ngập bầu không khí chộn rộn, vui tươi của ngày cận Tết thì ở một góc nhỏ của ngôi chợ độc đáo này, bà Nguyễn Thị Phi  (67 tuổi) đang lui cui bày biện nước nôi, bánh trái.

40 năm trước, bà Phi là một trong những người bồng heo có tiếng ở chợ. Xuôi theo dòng chảy của thời gian, sức khỏe không còn sung mãn, chân tay bắt đầu chậm chạp, bà Phi dựng quán nước. Nhờ vậy, ngày ngày người phụ nữ một đời mưu sinh nhờ chợ heo vẫn được hòa mình vào nhịp điệu bồng heo ở chợ.

Đảo mắt một vòng quanh chợ, bà Phi chậm rãi kể: “Chợ bắt đầu hình thành từ năm 1970. Ngót nghét nửa thế kỷ trôi qua, chợ vẫn giữ nếp bán mua bằng hình thức cả người và heo cùng lên bàn cân. Do đó, nói chợ heo nghe có vẻ bình thường nhưng chợ mà bồng heo như ở chợ này thì quả là độc đáo”.

Nghề của chị em

Ngoài chị Lan, hiện tại ở chợ heo Bà Rén còn có cả chục người hành nghề bồng “Trư Bát Giới”. Và dường như, cái nghề bồng heo, cưng nựng như ôm con chỉ dành riêng cho những chị em phụ nữ.

Hôm nay, heo được các thương lái địa phương thu gom về chợ xấp xỉ 4 nghìn con. Đồng nghĩa, trung bình mỗi chị em phụ nữ hành nghề bồng heo sẽ cân cùng 400 chú heo.

2 3

Nghề bồng heo thường dành cho chị em phụ nữ. 

Là người cuối cùng ôm chú heo duy nhất còn lại trong rọ lên cân, chị Nguyễn Thị Hạnh (48 tuổi) lộ rõ sự đuối sức thể hiện trên gương mặt. 400 lượt bồng heo với quãng đường dù giới hạn trong phạm vi chục bước chân nhưng việc di chuyển liên tục cũng đã khiến chị Hạnh cũng như những chị em khác thấm mệt.

Đưa tay quệt vội dòng mồ hôi đang chảy ròng, chị Hạnh nở nụ cười tươi rói chia sẻ: “Cuối năm, lượng heo tập trung về chợ tương đối lớn so với thường nhật. Dù vất vả hơn nhưng thấy vui, bởi càng bồng nhiều heo thì tiền công của mình sẽ càng nhiều. Hy vọng, năm con heo, chị em hành nghề bồng heo như tụi tui sẽ gặp thật nhiều may mắn”.

Chỉ chờ chị Hạnh cân chú heo cuối cùng của phiên chợ, nhóm phụ nữ ngồi quây quần bên ấm trà nóng hổi của bà Phi và đón nhận thành quả sau một buổi lao động.

Lúc này, cô Lợi (người được giao nhiệm vụ nhận tiền công cho cả chục chị em từ thương lái thuê bồng heo) chia đều xấp tiền lẻ đang cầm trên tay.

“10 chị em bồng cùng số lượng heo, do đó số tiền sẽ được chia đều. Với mỗi chú heo nhỏ, thương lái sẽ trả tiền bồng 500 đồng, heo lớn là 1.000 đồng. Những ngày số lượng heo nhiều như hôm nay, mỗi chị em sẽ được nhận tiền công khoảng 200 nghìn đồng. Thu nhập dù không cao nhưng cũng đủ để mọi người trang trải miếng ăn và lo cho các con ăn học”, cô Lợi cho hay.

IMG_7976 4

Những ngày cận Tết, số lượng heo tập trung về đây lên tới 4-5 nghìn con. 

10h, trời bắt đầu ngả sang trưa. Thương lái từ khắp mọi nơi cũng đã hiện diện ở chợ heo Bà Rén và vận chuyển heo do thương lái địa phương thu mua để đưa đi tiêu thụ.

Xe chở heo chầm chậm lăn bánh rời khỏi chợ, tôi hướng mắt sang nhóm chị em bồng heo. Và hết thảy họ cũng đang đổ ánh nhìn vọng theo những chú heo mà mình đã bồng bế, cưng nựng trong sớm nay.

Dù hình ảnh ấy lặp đi lặp lại theo chu kỳ, thế nhưng với chị em hành nghề bồng heo, đó là thói quen, là kỷ niệm sau cuối với những chú heo đã đi qua đời mình.

Dòng nước ở khúc sông dưới chân cầu Bà Rén vẫn êm đềm chảy mải miết về phía hạ nguồn. Hiển nhiên, thời gian cũng sẽ trôi dần theo vần xoay của tạo hóa. Và có lẽ, cái nghề bồng heo cũng sẽ trường tồn ở ngôi chợ độc nhất vô nhị trên dải đất hình chữ S.

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn