'Nữ tướng cướp 16 tuổi' chém người, cướp xe: Nhân đạo tiêu cực sẽ rất nguy hiểm

Thời sựThứ Bảy, 26/11/2016 09:49:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội là tiến sĩ ngành luật cho rằng, xử lý 2 nữ sinh 16 tuổi cướp xe ở TP.HCM nhân đạo theo hướng tiêu cực sẽ nguy hiểm hơn việc trừng trị một cách nghiêm khắc.

Trao đổi với PV VTC News, tiến sĩ luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội (Quốc hội) bày tỏ sự bức xúc về vụ việc 2 nữ sinh 16 tuổi chặn đầu cướp xe của một phụ nữ mang bầu 7 tháng ở TP.HCM.

luu-binh-nhuong-hanh-lang-2-1732

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội (Quốc hội) 

- Ông nghĩ gì khi biết thông tin về vụ việc 2 thiếu nữ 16 tuổi ở TP.HCM chặn đường, chém một người phụ nữ để cướp xe máy đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua?

Về mặt tâm lý, tôi cho rằng ban đầu, hai nữ sinh 16 tuổi này có thể chỉ là đe dọa để cướp xe máy của người phụ nữ.

Kể cả việc không đâm chém mà chặn đường, thì hành vi như thế đã là hết sức manh động. Trong khi đó, nhóm này trực tiếp đâm người phụ nữ để cướp xe thì càng nguy hiểm.

Vấn đề này đã được Quốc hội xem xét khi giải quyết vấn đề xử lý trách nhiệm trẻ em từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi. Đây là vấn đề nghiêm trọng tồn tại trong xã hội trong thời gian vừa qua.

- Phải chăng đang ngày càng có nhiều nữ sinh phạm tội , thưa ông?

Hiện nay, mạng xã hội đưa rất nhiều thông tin, hình ảnh về việc đánh hội đồng, đánh tàn bạo nhưng hầu hết là do nữ sinh trực tiếp thực hiện. Trong khi đó, các nam sinh lại đứng ngoài cuộc.

Như vậy, hiện nay chúng ta cần báo động xu hướng nữ sinh phạm tội ngày càng nhiều.

img_9280-2014-1414

  2 thiếu nữ dùng dao cướp xe táo tợn bị bắt giữ 

- Nguyên nhân nào khiến xảy ra ngày càng nhiều các vụ việc nữ sinh phạm tội?

Để xảy ra những sự việc này thì có nhiều lý do. Trước hết là việc quản lý của gia đình không nghiêm khắc. Ngoài ra, quá trình học tập, các em này không được dạy bảo đến nơi đến chốn, không lĩnh hội đạo đức xã hội, đạo đức công dân.

Trong khi đó, ra ngoài xã hội, nhiều nữ sinh tụ tập thành nhóm, tiêm nhiễm thói hư tật xấu cho nhau. Các em này bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, game bạo lực. Sau đó, những nữ sinh này lại lên mạng xã hội thể hiện bản thân.

Tất cả những điều đó đều hết sức nguy hiểm.

Đây là lứa tuổi bồng bột, nhưng lại đang chập chững bước vào đời. Vì vậy, nhiều em muốn khẳng định bản thân nhưng theo chiều hướng tiêu cực. Nếu những nữ sinh này không được dạy dỗ chu đáo thì rất dễ dẫn đến bạo lực, rất dễ thành tội phạm.

Đây là vấn đề báo động đến toàn xã hội.

- Điều nguy hiểm nhất trong vụ việc này là như thế nào, thưa ông?

Hai nữ sinh cùng thực hiện là phạm tội có tổ chức. Chắc chắn vụ việc đã được bàn bạc kỹ lưỡng. Rõ ràng đây là những nữ sinh "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Những em này phải có quan hệ sâu sắc với nhau mới đi làm cùng nhau những việc như này.

Việc phạm tội có tổ chức là điều hết sức nguy hiểm. Nếu hành động của các em chỉ là bộc phát, đơn lẻ lại thì lại là vấn đề khác. Tội phạm có tổ chức ở lứa tuổi vị thành niên thì vấn đề càng nghiêm trọng.

- Theo ông, việc xử lý những vi phạm của những nữ sinh này phải như thế nào?

 
Tôi cho rằng, việc xem xét xử lý nghiêm khắc đối với những nữ sinh này cần được đặt ra. Không thể vì nói rằng các em còn nhỏ mà xử lý không nghiêm.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Tôi cho rằng, việc xem xét xử lý nghiêm khắc đối với những nữ sinh này cần được đặt ra. Không thể vì nói rằng các em còn nhỏ mà xử lý không nghiêm.

Các cụ của chúng ta ngày xưa đã nói "yêu thì cho roi cho vọt".

Tôi đặt vấn đề, tại sao những thế hệ trước không vướng vào những việc phạm pháp như như hút chích, chặn đường cướp của.

Trong khi đó, hiện nay nhiều bạn còn rất trẻ nhưng đã thông thạo nhiều trò chơi bạo lực, nghiện hút. Đó là thực trạng rất đáng báo động.

Vì vậy, cả gia đình, nhà trường, xã hội đều phải chịu trách nhiệm trước những hành vi phạm tội do con em của mình gây ra.

- Trong vụ việc này, những nữ sinh phạm tội đều đang ở độ tuổi vị thành niên, theo ông cách xử lý nào là hợp lý?

Ở độ tuổi đó, không có nghĩa là hoàn toàn bồng bột. Lứa tuổi đó, các em hoàn toàn có thể tham gia vào các hoạt động xã hội. Ở lứa tuổi 15, các em đã được tham gia ký kết các hợp đồng lao động và được tham gia vào các hoạt động xã hội. Các em đã được biết các quan hệ xã hội. Lứa tuổi 16 không còn nhỏ bé nữa.

Chúng ta càng xử lý nghiêm khắc thì mới có thể giúp cho các em tiến bộ.

Nếu chúng ta nhân đạo theo hướng tiêu cực thì còn nguy hiểm hơn việc trừng trị một cách nghiêm khắc.

Nếu không trừng trị nghiêm khắc thì rất khó giáo dục các em này. Mục tiêu của sự nghiêm trị là giáo dục, tránh hiện tượng hội ứng lan truyền toàn xã hội.

- Liệu có loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với 2 nữ sinh này?

Đương nhiên chúng ta phải lựa chọn hình thức xử lý cho phù hợp với những nữ sinh này. Các cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên cũng không loại trừ việc xử lý hình sự.

Câu chuyện xử lý hình sự cũng có tính hai mặt. Mặt tích cực là việc xử lý hình sự sẽ giúp giáo dục con người và làm gương cho người khác.

Mặt khác nếu người đó nếu không cải tạo tốt thì cũng sẽ phải chịu hậu quả do những hành vi của mình gây ra. Lúc đó, 2 lần hành động sai thì những con người như thế rất khó cứu vớt.

Vì vậy, tôi cho rằng trong trường hợp này cần hết sức nghiêm khắc.

Video: Nữ sinh đánh bạn, bắt liếm chân bật khóc ở trụ sở công an

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn