Những sự kiện năm Ngọ hào hùng trong lịch sử dân tộc

Thời sựThứ Bảy, 01/02/2014 07:40:00 +07:00

(VTC News) - Trong  lịch sử dân tộc ta, có nhiều năm Ngọ ghi những mốc son chói lọi bằng những chiến thắng chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước.

1. Năm 550 (Canh Ngọ): Triệu Quang phục (Triệu Việt Vương) đánh bại quân nhà Lương xâm lược
Từ sau khi nhà nước Vạn Xuân được thành lập, chính quyền phương Bắc không ngừng tìm cánh đánh phá và thống trị. 
Những năm Ngọ vẻ vang trong lịch sử dân tộc
Với âm mưu bành trướng, năm 550 vua Lương cho Trần Bá Tiên giữ chức Thứ sử Giao Châu, để tiếp tục đàn áp nghĩa quân. Nhưng lúc này ở Trung Quốc có loạn Hầu Cảnh (548-552) vua Lương phải gọi gấp Bá Tiên đem quân về nước để cứu chúa. Ở Giao Châu chỉ còn Dương Sàn chỉ huy cuộc đánh dẹp Triệu Việt Vương. 
Nhân cơ hội ấy, tháng giêng năm Canh Ngọ, Triệu Quang Phục đem quân phản công, đánh bại quân nhà Lương, giết Dương Sàn, lấy được thành Long Biên, giành lại quyền tự chủ trên toàn đất nước, xây dựng lại nhà nước Vạn Xuân.
2. Năm 766 (Bính Ngọ): Phùng Hưng dấy binh khởi nghĩa
Phùng Hưng, người ở quận Đường Lâm (nay là Phú Thọ, Sơn Tây) đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, chỉ trong vòng mấy tháng đã tiến đánh chiếm phủ Đô hộ của quan đô hộ nhà Đường là Cao Chính Bình, khiến Cao Chính Bình lo sợ lâm bệnh mà chết. 
Những năm Ngọ vẻ vang trong lịch sử dân tộc
Phùng Hưng chiếm giữ phủ thành, dựng nền tự chủ. Đến năm 791 thì mất. Nhân dân ái mộ, lập đền thờ và tôn danh hiệu là Bố Cái Đại Vương, (nghĩa là tôn Phùng Hưng là Cha, Mẹ) để ghi nhớ công lao đánh giặc cứu dân của Ngài.
3. Năm 970 (Canh Ngọ): Triều Đinh phát hành đồng tiền đúc
Triều Đinh thực hiện cải cách tài chính và cho đúc tiền đồng, là tiền tệ xưa nhất ở Việt Nam, gọi là tiền đồng Thái Bình. 

Những năm Ngọ vẻ vang trong lịch sử dân tộc
Nhà Đinh là triều đại đầu tiên đặt nền móng cho việc phát hành tiền tệ. Đồng tiền Thái Bình được đúc bằng đồng, hình tròn, lỗ vuông, có thể xâu thành chuỗi. Một mặt đúc bốn chữ "Thái Bình Hưng Bảo", mặt sau có đúc chữ "Đinh".
4. Năm 1042 (Nhâm Ngọ): Vua Lý Thái Tông ban hành Hình thư
Vua Lý Thái Tông (1028-1054) đã ban hành Bộ hình thư, đây là bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam; mở đầu trang mới trong lịch sử pháp quyền nước ta. 
Từ nội dung của bộ luật đó mà sau này vào niên hiệu Hồng Đức, vua nhà Lê là Lê Thánh Tông làm cơ sở để cho biên soạn và ban hành bộ luật định thời Lê sơ mà ta quen gọi là bộ Luật Hồng Đức.
5. Năm 1054 (Giáp Ngọ): Triều Lý đổi tên nước là Đại Việt
Lấy niên hiệu là Long Thụy Thái Bình, sau khi lên ngôi vua, Lý Thánh Tông (tức Thái tử Nhật Tôn) đã đổi Quốc hiệu là Đại Việt thể hiện niềm tự hào và tự tôn của dân tộc. 
Vua Lý Thánh Tông là một ông vua nhân từ nên được trăm họ mến phục trong đời ngài làm vua ít có giặc giã nhiễu loạn, Lý Thánh Tông có nhiều công lao khai hóa sự nghiệp văn học như lập văn miếu, lập tượng Chu Công, Khổng Tử và 72 vị tiền hiền của đất nước để tôn thờ. Nước ta có Văn Miếu thờ Khổng Tử và các chư hiền kể từ đây.
6. Năm 1258 (Mậu Ngọ): Nhà Trần đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ nhất
Tướng nhà Nguyên là Ngột Lương Hợp Thai huy động khoảng 3 vạn kỵ, bộ binh cùng nhiều tướng giỏi chia làm hai đạo quân theo đường sông Hồng tiến đánh Đại Việt.
Trước sức mạnh của quân xâm lược Vua, quan nhà Trần thực hiện kế lui binh, rút khỏi kinh thành Thăng long về đóng quân ở vùng Thiên Mạc (Hưng Yên) để bảo toàn lực lượng bộ chỉ huy, đợi thời cơ phản công. 
Được ít lâu quân Nguyên Mông không quen thông thổ và khí hậu, lương thảo lại không được tiếp tế kịp, người, ngựa ốm đau bệnh tật và mệt mỏi; chớp lấy thời cơ, mùa xuân năm Mậu Ngọ (1258), vua Trần Thánh Tông trao cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuân chức tiết chế Quốc Công thống lĩnh ba quân cùng với Thái sư Trần Thủ Độ tiến đánh quân Nguyên Mông ở Đông bộ Đầu. 
Những năm Ngọ vẻ vang trong lịch sử dân tộc
Dưới sự chỉ huy tài ba của Hưng đạo Đại Vương và tinh thần chiến đấu dũng mạnh của quan, quân nhà Trần, Quân Nguyên Mông thua chạy về đến trại Quy Hóa lại bị chủ trại ở đấy chiêu tập dân binh đổ ra đón đánh, Quân Nguyên Mông đại bại phải rút chạy về Vân Nam.
Như vậy chỉ chưa đầy 1 tháng, đội quân xâm lược thiện chiến Nguyên Mông đã phải thất bại thảm hại trước mưu lược của Hưng Đạo Vương và sức mạnh tinh thần chống giặc phương Bắc của quân, dân thời Trần.
Chiến thắng Đông Bộ đầu là một chiến thắng vẻ vang của quân dân ta.  Là trận thắng mở đầu có ý nghĩa to lớn để sau này Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và vua quan nhà Trần hai lần tổ chức đánh thắng quân Nguyên vào năm 1287 và 1289, Đánh bại ý đồ xâm lược nước ta của quân Nguyên Mông.
7. Năm 1426 (Bính Ngọ): Chiến thắng vang dội Tốt Động – Chúc Động
Vào tháng 10, khi nhận thấy quân Minh ở cả Nghệ An và ở ngoài Đông Đô không còn bao nhiêu, Bình Định Vương (Lê Lợi) bèn sai tướng Lý Triện, Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Đỗ Bỉ tiến đánh vùng Quốc Oai, Quảng Oai, Gia Hưng, Quy Hóa, Đà Giang, Tam Đái (Bạch Hạc), Tuyên Quang để chặn đường viện binh của quân Minh từ Vân Nam sang.
Những năm Ngọ vẻ vang trong lịch sử dân tộc
Quân Minh vừa đến Tốt Động thì bị phục binh của quân ta bốn mặt đổ ra đánh chém. Quan Thượng Thư là Trần Hiệp, Nội quan là Lý Lượng cùng 50.000 quân lính nhà Minh phải bỏ mạng, hơn 10.000 tên bị bắt sống. Quân ta còn thu được rất nhiều khí giới, voi, ngựa. Tướng giặc Phương Chính và Mã Kỳ hoảng loạn chạy tháo thân về thành Đông Quan cố thủ cùng Vương Thông.
Nguyễn Trãi đã ghi lại chiến thắng này trong Đại cáo bình Ngô như sau: “…Trận Tốt Động như gió mạnh gãy cành cây, Trần Hiệp, Lý Lượng như dưới hố cọp sa, Vương Thông, Mã Kỳ như vạc sôi cá nhảy…”
8. Năm 1786 (Bính Ngọ): Nghĩa quân Tây Sơn lật đổ chính quyền phong kiến Lê - Trịnh
Sau khi đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm và đuổi Nguyễn Ánh khỏi đất Gia Định, Nguyễn Huệ được Nguyễn Nhạc giao nhiệm vụ chỉ huy quân Tây Sơn tiến đánh quân Trịnh ở Phú Xuân.
Những năm Ngọ vẻ vang trong lịch sử dân tộc
Sau khi thắng lợi ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ cho người về Quy Nhơn báo tin thắng trận, đồng thời chuẩn bị lực lượng, cử Nguyễn Lữ ở lại trấn giữ Thuận Hoá, còn ông thì tiến quân ra Đàng ngoài.
Quân đội Tây Sơn dưới sự tổng chỉ huy của Nguyễn Huệ lần lượt đánh bại các đạo quân Trịnh do các tướng Trịnh Tự Quyền, Đinh Tiết Nhượng, Đỗ Thế Dẫn chỉ huy ở Sơn Nam rồi thẳng tiến đến Thăng Long, sau khi đã đánh tan quân Trịnh ở Thanh Trì. Chúa Trịnh bấy giờ là Trịnh Khải thua trận, trốn chạy lên vùng Sơn Tây, bị nhân dân bắt nộp cho Nguyễn Huệ. 
Ngày 21/7/1786, Nguyễn Huệ kéo quân vào Thăng Long, lật đổ chính quyền họ Trịnh, một trong hai tập đoàn phong kiến đã chia cắt đất nước hàng mấy trăm năm.
9.  Năm 1858 (Mậu Ngọ): Liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng vào thành Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta
Năm 1857, vua Tự Đức vẫn duy trì chính sách cấm đạo nghiệt ngã; tư bản phương Tây mượn cớ đó bèn đẩy mạnh việc vũ trang xâm lược nước ta. Giữa năm 1858, chiến hạm Pháp và chiến hạm Tây Ban Nha đến hội quân tại Hải Nam để chuẩn bị xâm lược Việt Nam. 
Những năm Ngọ vẻ vang trong lịch sử dân tộc
Có tới 13 chiếc thuyền của liên quân Pháp – Tây Ban Nha trang bị vũ khí hiện đại, trong đó có tàu chở tới 50 đại bác dàn trận ở cửa biển Đà Nẵng.
Mờ sáng ngày 1/9/1858, quân Pháp ngang ngược gửi tối hậu thư đòi triều đình phải trả lời. Sau đó, chúng ngang nhiên nã đại bác vào, bắn phá hệ thống đồn lũy của quân đội nhà Nguyễn, vây đánh hai thành An Hải và Điện Hải, chiếm bán đảo Sơn Trà, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.
Mặc cho thái độ do dự của nhà Nguyễn, nhân dân ta ngay từ đầu đã anh dũng chống trả quyết liệt các cuộc tấn công của quân xâm lược để bảo vệ Tổ quốc.
10. Năm 1930 (Canh Ngọ): Khởi nghĩa Yên Bái
Là cuộc nổi dậy bằng vũ trang nhằm lật đổ chính quyền thuộc địa của Pháp, bắt đầu vào đêm ngày 9 rạng ngày 10/2/1930, nơi nổ súng đầu tiên và quyết liệt nhất là ở Yên Bái sau đó lan rộng sang các tỉnh khác.
Do việc chuẩn bị không chu đáo, có nơi kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ trước giờ hành động, do tương quan lực lượng địch còn mạnh cũng như sự phối hợp tác chiến của nghĩa quân kém hiệu quả nên các cuộc khởi nghĩa nổ ra hầu hết bị nhanh chóng dập tắt. Các lãnh đạo cuộc khởi nghĩa như Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thái Học đều bị bắt.
Khởi nghĩa Yên Bái với những hành động quả cảm của các nghĩa quân Việt Nam Quốc dân đảng đã thể hiện tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc ta, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.
11. Năm 1930 (Canh Ngọ): Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập
Đầu năm 1930 ở nước ta có 3 tổ chức đều tự nhận là cộng sản và đều tìm cách tranh thủ sự thừa nhận của Quốc tế Cộng sản.
Ngày 27/10/1929, Ban chấp hành Quốc tế cộng sản chỉ thị: "Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương".
Tranh vẽ minh họa quang cảnh Hội nghị thành lập Đảng.

Tranh vẽ minh họa quang cảnh Hội nghị thành lập Đảng.

Ngày 3/2/1930 (mùng 5 tết Canh Ngọ), đồng chí Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Vương, thay mặt Quốc tế cộng sản chủ trì hội nghị thống nhất Đảng tại một ngôi nhà nhỏ xóm lao động thuộc Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc); chính cương, sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thảo cùng với Điều lệ đảng được thông qua. Hội nghị cử Ban Trung ương lâm thời đại diện cho 211 đảng viên của toàn Đảng.
Đảng ta ra đời là một bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc vào cuối những năm 20 của thế kỷ này. Cùng năm này hai tổ chức Hội là Hội nông dân và hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam được thành lập.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 80 năm qua, dân tộc ta, nhân dân ta đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa nước nhà bước vào thời kỳ đổi mới thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh, công bằng, văn minh.
12. Năm 1954 (Giáp Ngọ): Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng từ ngày 13/3 đến 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên hầm chỉ huy của địch, đánh dấu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng của quân đội ta.

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên hầm chỉ huy của địch, đánh dấu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng của quân đội ta.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “Đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. 
Đây là chiến thắng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới.
13. Năm 1978 (Mậu Ngọ): Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam
Ngày 30/12/1978, người phát ngôn Bộ ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhắc lại lập trường của Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng thương lượng hòa bình.
Cũng trong năm Mậu Ngọ 1978 Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam kết thúc thắng lợi. Quân tình nguyện Việt Nam giúp lực lượng cách mạng Campuchia đập tan tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt-lengxary.
14. Năm 1990 (Canh Ngọ): Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (khoá VI) và Kỳ họp thứ 8 Quốc Hội khoá 8
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khoá VI họp từ ngày 12 đến ngày 27/3/1990. Hội nghị đã thảo luận và ra Nghị quyết Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
Hội nghị đã phân tích tình hình quốc tế và trong nước, trên cơ sở đó đưa ra quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác quần chúng.
Qua ba năm thực hiện, đường lối đổi mới do Đại hội của Đảng đề ra được nhân dân đồng tình ủng hộ, đem lại kết quả bước đầu quan trọng về nhiều mặt, nhất là về kinh tế. Sinh hoạt dân chủ trong xã hội được mở rộng, sự đổi mới một bước về tổ chức và hoạt động của Đảng, chính quyền và các đoàn thể đã khơi dậy được tính tích cực, sáng tạo của nhân dân.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 8 đã thông qua những nội dung quan trọng: Thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 1990 và quyết định nhiệm vụ kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước 1991; xem xét tình hình chống tham nhũng, chống buôn lậu; cho ý kiến về dự thảo chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1991 – 1995; Thảo luận và thông qua các luật: Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật công ty cổ phần; Sửa đổi một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự và Luật sĩ quan Quân đội nhân dân.

Bình luận
vtcnews.vn