Những kẻ 'cơ hội chính trị' chui sâu, leo cao sẽ 'phá hủy cả trật tự quản lý'

Thời sựThứ Ba, 06/11/2018 10:22:00 +07:00

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) làm rõ thêm ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định kiên quyết chặn đứng những kẻ 'cơ hội chính trị' vào Trung ương khoá tới.

Sáng 4/11, tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị dứt khoát không đưa vào quy hoạch những kẻ cơ hội chính trị

Trả lời PV VTC News về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định, việc quy hoạch cán bộ trong các tổ chức Đảng và Nhà nước cần phải tập trung làm trước, tập trung làm gọn, làm rõ. 

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đồng tình với quan điểm dứt khoát không đưa vào quy hoạch những cán bộ có biểu hiện suy thoái về chính trị, có quan điểm lệch lạc, tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là những kẻ cơ hội chính trị.

le-thanh-van-hanh-lang 3

 Đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

- Công tác quy hoạch cán bộ được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục xác định như một nội dung quan trọng và phải làm sớm, thưa ông?

Có thể nói một trong những vấn đề quan trọng nhất của xây dựng Đảng đó là công tác cán bộ. Đây là chủ thể phản ánh chất lượng về tổ chức, hoạt động của các tổ chức Đảng nói chung và của toàn Đảng nói riêng.

Bác Hồ từng cho rằng mọi việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng.

Để chuẩn bị cho một thế hệ lãnh đạo mới, để chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ cốt cán cho kỳ tiếp theo, việc khởi động, chuẩn bị cho công tác cán bộ bây giờ là cần thiết. Đây chỉ là một bước khởi động thành lập ban chỉ đạo công tác chuẩn bị. 

Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, ngoài việc nhắc lại có tính chất nhất quán quan điểm của Đảng ta trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở các cấp, Tổng Bí thư còn quán triệt quan điểm, nhấn mạnh tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ tới.

Đây là vấn đề quan điểm chỉ đạo cần chủ ý, cần tập trung vào công tác cán bộ nhiệm kỳ tới.

- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, trước đây là làm quy hoạch cho nhiều khóa, nhưng lần này làm quy hoạch cho chính khóa sắp tới. Điểm mới này thể hiện điều gì, thưa ông?

Tôi cho rằng quan điểm chỉ đạo rất chính xác.

Chúng ta phải biết được nhu cầu, bức xúc trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận ngay từ khóa này bức bách như thế nào. Hơn nữa, trọng tâm phải chọn ra được đội ngũ cán bộ chất lượng có đủ tầm, tư duy chiến lược, có đủ phẩm chất để giới thiệu vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Đây là một việc rất quan trọng bởi Tổng Bí thư là người hơn ai hết nhìn thấy được thực trạng cán bộ hiện nay. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng biết được vấn đề cán bộ là vấn đề vô cùng hệ trọng, phải tập trung làm trước, tập trung làm gọn, làm rõ cho khóa kế cận này.

Nói như vậy để thấy rằng, phải chỉnh đốn, xốc lại đội hình.

- Công tác tổ chức cán bộ được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rất coi trọng còn thể hiện điều gì, thưa ông?

Có thể dụng ý của Tổng Bí thư là nhắc nhở thực trạng cán bộ hiện nay. Bên cạnh những mặt tích cực, công tác cán bộ còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

Ngoài ra, tôi cho rằng điều này thể hiện sự lo lắng trong việc chuẩn bị một đội ngũ chiến lược nhằm thực hiện những công việc lớn lao trong thời gian tới.

- Thưa ông, trong Hội nghị này, Tổng Bí thư cũng đề nghị là dứt khoát không đưa vào quy hoạch những cán bộ có biểu hiện suy thoái về chính trị, có quan điểm lệch lạc, tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là những kẻ cơ hội chính trị?

Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư là cách nói khái quát hàm chứa rất nhiều yêu cầu đã được đề cập trong những văn kiện của Đảng gần đây khi thực hiện công cuộc chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn về cán bộ.

Có thể tìm thấy trong các văn kiện ấy mà nội dung đề cập đến những tiêu chuẩn của cán bộ được nêu ra. Cụ thể, trong cả quy định về tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược ở Hội nghị Trung ương 7.

Nhìn vào những quy định có tính chất ngăn chặn răn đe những cán bộ có tình trạng suy thoái biến chất, rõ ràng tiêu chuẩn của cán bộ các cấp lãnh đạo của Đảng đòi hỏi ngày càng cao.

Nhìn lại những cái biểu hiện về thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, chúng ta phải biết rằng những đòi hỏi của tiêu chuẩn cán bộ rất khác với trước. 27 biểu hiện suy thoái tự diễn biến ấy đòi hỏi cán bộ các cấp phải khác.

Cán bộ không được vi phạm, không được bước qua lằn ranh cấm đoán mà Đảng đặt ra, liên quan đến phẩm chất, tư cách đạo đức của người cán bộ Đảng viên.

Rõ ràng, nhiều văn bản gần đây, nhất là Quy chế 08 về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, đều hướng tới hoàn thiện tiêu chuẩn của cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Và càng ở cấp cao thì tính hoàn thiện về tiêu chuẩn càng cao.

- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng có nhắc tới việc không để lọt những kẻ cơ hội chính trị vào Ban Chấp hành Trung ương khóa tới. Vậy phải chăng các khóa trước đã từng xảy ra những trường hợp để lọt những kẻ cơ hội chính trị?

Về việc này, Tổng Bí thư không chỉ nói tới khóa trước mà ở khóa này. Việc kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cho thấy số lượng cán bộ vi phạm, bị xử lý trong nhiệm kỳ khóa XII này là lớn so với các khóa trước.

Điều này thể hiện hai mặt. Một mặt là kỷ luật của Đảng siết chặt hơn, xử lý nghiêm minh hơn. Nhưng mặt khác thể hiện sự tha hóa về phẩm chất đạo đức của cán bộ lãnh đạo không chỉ là ở cấp dưới mà cả cấp chiến lược, cấp cao. Diễn biến phức tạp và có cả minh chứng cụ thể. Đây là một điều rất đáng lo lắng.

Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng, chăm lo về công tác tổ chức và nhân sự đã nhiều lần đề cập vấn đề này. Rõ ràng, đấy là những cảnh báo có thật, không phải có tính chất chung chung và xa nữa.

Đã đến lúc chúng ta phải nhận diện thực tế và dũng cảm nhận ra sự thật ấy để bước qua bằng quyết tâm nỗ lực cao trong việc chuẩn bị công tác nhân sự.

- Những kẻ cơ hội chính trị mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đang nhắc tới cần được hiểu thế nào, thưa ông?

Cơ hội chính trị được hiểu theo cả nghĩa rộng và hẹp.

Tôi cho rằng “cơ hội chính trị” ở đây là ở tầm học thuyết, ở tầm vận dụng các tư tưởng, các quan điểm trá hình. Nếu như không tỉnh táo nhận diện, có thể những kẻ đó sẽ lợi dụng đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng để trà trộn, đan xen quan điểm, diễn biến, quan điểm tự diễn biến hay cải lương để chuyển hóa mục tiêu đã xác định. Hiểu theo nghĩa rộng là như vậy.

Hiểu theo nghĩa hẹp, “cơ hội chính trị” ở đây là những kẻ lợi dụng cơ chế sơ hở, lợi dụng sự thiên vị sẵn có trong mỗi con người khi tương tác đạo đức, sinh hoạt với nhau để chiếm cảm tình, để chui sâu leo cao. Rồi lợi dụng cả sơ hở về tiêu chuẩn, về quy chỉnh để chui sâu leo cao.

Nói vậy để thấy, “cơ hội chính trị” không chỉ bao hàm về mặt chính trị tư tưởng mà còn cả về mặt tổ chức và phẩm chất cán bộ. Tổng Bí thư muốn hàm ý cảnh báo số cán bộ lợi dụng sơ hở của công tác, quy trình, tiêu chuẩn cán bộ để chui sâu, leo cao vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng.

- Những kẻ "cơ hội chính trị" chui sâu, leo cao tại các cơ quan của Đảng và Nhà nước sẽ có nguy hại như thế nào, thưa ông?

Những kẻ "cơ hội chính trị" chui sâu, leo cao tại các cơ quan của Đảng và Nhà nước sẽ rất nguy hiểm. Tôi nhớ Tagore - nhà thơ, nhà triết học Ấn Độ đã nói rằng: “Đào tạo một người phụ nữ, chúng ta có một gia đình; đào tạo một người thầy, chúng ta có một thế hệ. Nhưng đào tạo được một chính trị gia, chúng ta có một chế độ, chế độ chính trị xã hội”.

Vậy nên, rõ ràng đào tạo một chính trị gia vô cùng quan trọng. Nó ảnh hưởng đến sự chi phối của hệ thống. Nếu như chức vụ của họ càng cao, thì sẽ ảnh hưởng đến tồn vong của đảng cầm quyền, của một chế độ xã hội, của một chế độ Nhà nước.

 
le thanh van

le thanh van

Việc chui sâu leo cao của những kẻ "cơ hội chính trị" mà lại nắm giữ những vị trí, trọng trách trong bộ máy Đảng và Nhà nước sẽ gây nguy hiểm theo cấp độ càng ngày càng cao.

Đại biểu Lê Thanh Vân

Cho nên, việc chui sâu leo cao của những kẻ "cơ hội chính trị" mà lại nắm giữ những vị trí, trọng trách trong bộ máy Đảng và Nhà nước sẽ gây nguy hiểm theo cấp độ càng ngày càng cao.

Cấp độ thấp có thể sẽ phá hủy niềm tin, kỷ cương, trật tự của Đảng và Nhà nước. Cấp độ cao hơn có thể phá hủy cả trật tự quản lý ở một giới hạn lớn đó là tỉnh thành. Cao hơn quốc gia thì quá nguy hiểm. Cho nên, công tác cán bộ hết sức quan trọng chính ở chỗ này.

Đây chính là rường cột chủ chốt để duy trì trật tự lãnh đạo quản lý, duy trì ảnh hưởng, uy tín danh dự của đảng cầm quyền và cả trật tự pháp luật, trật tự quản lý nhà nước.

-  Ai là người đưa những kẻ cơ hội chính trị này vào cơ cấu, thưa ông?

Có hai vấn đề. Thứ nhất là sơ hở của các quy định về quy trình tuyển chọn, lựa chọn cán bộ. Từ khâu quy hoạch cho đến lựa chọn nhân sự để đưa vào quy hoạch. Sau đó đến đề bạt, cất nhắc, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển những con người cụ thể sẽ không tránh khỏi những sơ hở trong quy trình. Hơn nữa, quy trình này có thể bị lợi dụng.

- Vậy ai là người lợi dụng, thưa ông?

Chính là con người, không phải là quy trình. Những con người biến chất, lấy lòng tham thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Họ nhìn vào những quy trình hiện có, lạm dụng nó, biến dạng nó để hợp thức hóa quy trình. Họ lợi dụng kẽ hở của các quy định để đưa những người không đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch, vào đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng rồi luân chuyển nhiều vòng quay của công tác cán bộ, quy trình cán bộ “chui sâu leo cao”.

Nói vậy để thấy nhân tố quan trọng vẫn là con người. Đầu tiên là các cơ quan tham mưu về tổ chức, những người có tâm không sáng, nhận diện không đầy đủ rất dễ rơi vào tình trạng này.

Thứ hai là người đứng đầu. Người đứng đầu muốn xây dựng phe cánh, lòng tham, ham của lạ rồi muốn đưa ê-kíp vây cánh, đặc biệt đưa huyết thống của mình vào nắm giữ quyền lực, chi phối về tổ chức để giành lấy việc độc tôn trong việc sắp xếp nhân sự.

Thứ ba, đó là việc tập thể cấp ủy, Đảng, chính quyền thiếu trách nhiệm buông bỏ những quy tắc chặt chẽ, dễ dàng thỏa hiệp, thông qua danh sách cá nhân một tập thể nhân sự nào đó.

Một mặt hài lòng với người đứng đầu, mặt khác ngầm bắt tay dưới gầm bàn để chia sẻ lợi ích. Điều này rất nguy hiểm.

- Cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ 2021-2026 phải có các tiêu chuẩn thế nào, thưa ông?

Đầu tiên là trí tuệ phải thực sự tiêu biểu.

Thứ hai là năng lực vận hành chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo phải ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra.

Thứ ba, phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị phải tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê Nin, với tư tưởng Hồ Chí Minh, với Nghị quyết của Đại hội Đảng, với các cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Về mặt Nhà nước, người cán bộ đó phải trung thành với Hiến pháp, với Luật pháp. 

Lần này, việc xây dựng cán bộ ở thời kỳ mới vừa đòi hỏi cao, vừa ngang tầm nhưng không quá xa với thực tiễn. Nó gắn với đòi hỏi mà xã hội và sự vận động của thế giới, của khu vực đang đặt ra. Ở đây, tôi muốn nói tiêu chuẩn cán bộ ở trong hàng ngũ tinh hoa của Đảng, đó là tư duy chiến lược.

- Tư duy chiến lược mà ông đang nói tới là gì?

Tư duy chiến lược ở đây không đồng nghĩa với sự sáo mòn của lý luận, sao chép lại những diễn đạt về tư duy sáo rỗng. Mà ở đây, lý luận phải cập nhật, gắn bó với quy luật vận động phát triển của tự nhiên xã hội nó diễn ra hàng ngày,

Trong quản lý, nếu như trước đây chúng ta chú trọng đến việc thay đổi phương pháp quản lý, thay đổi hoạt động quản lý thì ngày nay không chỉ đòi hỏi điều đó, mà cả việc nâng cao năng lực quản lý sự thay đổi nữa. Bởi sự thay đổi diễn ra hàng ngày.

Tôi nghĩ rằng, thế hệ cán bộ mới phải đáp ứng được yêu cầu, nhận diện được không chỉ các quy luật vận động của tự nhiên xã hội, mà còn phải thích ứng được với biến đổi của tự nhiên xã hội.

Để cập nhật con đường đi không thay đổi, nhưng có thể thay đổi những giải pháp cụ thể để thích nghi, hướng tới thực hiện mục tiêu trên con đường đó.

- Tại sao trong Hội nghị này, Tổng Bí thư lại nhấn mạnh vào tầm quan trọng của lý luận trong công tác đào tạo cán bộ?

Từ trước khi xây dựng các tiêu chí cán bộ, thường chúng ta vẫn đặt ra các tiểu chuẩn ấy, từ cao đến thấp. Nhưng lần này, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh vì tính cấp bách trong vấn đề xây dựng không chỉ ở tổ chức Đảng mà hạt nhân của nó là nhân sự.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đặc biệt đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng, vì là một đảng cầm quyền nhưng lại không có tư duy chiến lược trong mỗi thành phần cấu thành lực lượng cầm quyền ấy. Tư duy lý luận là tư duy dẫn đường, là hướng đạo dẫn dắt xã hội.

Lý luận là sự nhận biết các quy luật vận động của tự nhiên và xã hội, khuynh hướng vận động của xã hội, của Nhà nước, của cá nhân. Đi theo con đường nào mà con đường ấy phải phục vụ lợi ích tối ưu nhất cho xã hội, cho cá nhân, cho nhân dân. Lợi ích của Đảng với Nhân dân phải là một, nên phải có lý luận soi đường.

Bác Hồ có câu: “Thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng. Lý luận không có thực tiễn là lý luận suông”. Lý luận suông ở đây là lý luận không sát với thực tiễn. Không phù hợp với thực tiễn, không dẫn dắt được thực tiễn phát triển. Đòi hỏi đó là đòi hỏi tối quan trọng của tư duy chiến lược.

Đòi hỏi quan trọng nhất ở cán bộ chiến lược ở các cấp chính là tư duy chiến lược, mà thể hiện ở đây là tư duy có tính quy luật, nhận diện được quy luật, không sáo rỗng, không sáo mòn, phải diễn đạt trong thế động.

Mỗi cán bộ lãnh đạo không chỉ nắm được lý luận căn bản chủ thuyết lãnh đạo mà còn phải biết vận dụng nó, ứng xử nó trong từng hoàn cảnh cụ thể. Con đường đi không thay đổi, nhưng cách thức bứt phá, tạo lực chính là năng lực cá nhân trong việc phát triển lý luận và vận dụng lý luận đó vào thực tiễn.

- Theo ông công tác phân loại cán bộ cần phải được thực hiện như thế nào?

Cái quan trọng nhất trong công tác cán bộ đó là phân loại cán bộ theo năng lực, tầm nhìn.

Cũng như ta dùng gỗ. “Dụng nhân như dụng mộc” chính là gỗ nào dùng vào việc gì. Con người ai có năng lực gì thì dùng vào việc đấy.

Ví dụ, cán bộ chính trị là năng lực hoạch định đường lối, nghĩa là phải có tầm nhìn chiến lược, nhìn thấu quy luật vận động của tự nhiên và xã hội để định ra những đường hướng phát triển.

Lãnh đạo là cầm đường nên phải biết đường lối phát triển của đất nước. Phải xác định rõ tiêu chí cho từng loại cán bộ để sắp xếp vào từng cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Một người làm khoa học giỏi nhưng chưa hẳn đã trở thành chính trị gia, một người làm doanh nghiệp tốt chưa hẳn đã trở thành một nhà quản lý. Điều này, tùy thuộc vào sự nhận diện của tổ chức, đặc biệt là nhận diện nhân sự của người đứng đầu. Người này phải có tầm nhìn.

Có câu chuyện Lê Hoàn ngày xưa đi đánh ở Đông Bắc. Dọc đường ông phát hiện ra 5 thanh niên tuấn tú đang cưỡi ngựa bắn cung đi qua doanh trại. Ông mời vào trong doanh trại. Điều đầu tiên ông hỏi là binh pháp. Năm anh trả lời rất trôi chảy. Sau đó, ông mới yêu cầu cưỡi ngựa, bắn cung, sử dụng thương đao, cung kiếm nhuần nhuyễn, tác chiến rất bài bản. Sau đó, ông giao thử cho năm anh chỉ huy ở một đội quân vừa phải. Họ thắng trận. Đó là 5 anh em họ Vương, trong đó có một nữ giả trai. Họ đều rất trẻ.

Người xưa tuyển người đơn giản như vậy. Như Bác Hồ tuyển người tưởng như đơn giản nhưng chính là kết hợp Thiên Tuệ Minh, Thiên Tâm Minh và Thiên Nhãn Minh.

Chỉ người tài mới nhận diện được người tài thôi. Đấy là một sự thật trong lịch sử. Bác Hồ là người tài nên mới quy tụ được tài năng xung quanh Bác.

Tôi hy vọng với  những lo toan thật sự cấp thiết về công tác cán bộ cho nhiệm kỳ tới, ta sẽ có những vị minh chủ ở từng nơi. Để làm sao với cái tâm trong sáng, với nhiệt huyết vì sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, vì đất nước mà chọn người tài.

Hiền tài bao gồm tài và đức. Tôi mong rằng Đại hội XIII phải chọn ra những người hiền tài xứng đáng để giữ cương vị chủ chốt của Đảng, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo nhân dân thực hiện sứ mệnh mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

Video: Dùng tiền hối lộ là chạy chức hay tham nhũng?

Phạm Thịnh - Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn