Những cây cầu nghìn tỷ nứt kiểu 'vẫn an toàn' ở Việt Nam

Thời sựThứ Tư, 07/05/2014 04:20:00 +07:00

(VTC News)– Những cây cầu xuất hiện nhiều vết nứt song vẫn được các đơn vị giám định chất lượng công trình đánh giá là an toàn, không ảnh hưởng đến kết cấu cầu.

(VTC News) – Những cây cầu xuất hiện nhiều vết nứt song vẫn được các đơn vị giám định chất lượng công trình đánh giá là an toàn, không ảnh hưởng đến kết cấu cầu.

Cầu Thuận Phước: Nứt chằng chịt không ảnh hưởng đến kết cấu

Ngày 6/5, VTC News đã phản ánh về tình trạng trụ cầu Thuận Phước ở Đà Nẵng xuất hiện nhiều vết nứt chằng chịt, thậm chí thép bên trong bị gỉ lòi ra ngoài.

Ghi nhận tại hiện trường, trên thân trụ dây võng phía tây cầu Thuận Phước - cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam và ụ neo xuất hiện hàng trăm vết nứt chạy dài. Nhiều vị trí, lớp bê tông bảo vệ bị bong vỡ, cốt thép bên trong bị hoen gỉ lộ ra cả bên ngoài.
Cận cảnh một vết nứt trên thân trụ cầu dây võng
Cận cảnh một vết nứt trên thân trụ cầu dây võng  
Chiều 6/5, ông Bùi Hồng Trung, Trưởng Phòng Giám định-Chất lượng công trình GTVT, Sở GTVT Đà Nẵng xác nhận các vị trí các vết nứt, vỡ được ghi nhận tại vị trí trụ tháp phía đông và phía tây cầu.

Tại vị trí tường trang trí có các vết nứt có bề rộng nhỏ hơn 0,2mm. Tuy nhiên, đây chỉ là vết nứt vỡ ở lớp vữa bảo vệ bên ngoài kết cấu bê tông cốt thép của trụ tháp. Vết nứt vỡ này không ảnh hưởng đến khả năng làm việc của kết cấu bê tông.

Các thanh thép gỉ sắt trên thân trụ là các thanh thép neo của ván khuôn thép được nhà thầu sử dụng trong quá trình thi công thân trụ tháp trước đây. Sau khi hoàn thiện, các nhà thầu không tháo đi mà chỉ cắt và để lại trong bê tông dã bị gỉ tại một số vị trí cục bộ gây hư hỏng lớp bảo vệ sau thời gian làm việc, ông Trung cho biết.

Theo vị trưởng phòng giám định chất lượng công trình này, đúng ra các thanh thép này phải được đục bỏ sau khi tháo dỡ ván khuôn. Tuy nhiên đây không phải là kết cấu thép liên quan đến kết cấu chịu lực của thân trụ tháp nên "không ảnh hưởng đến khả năng làm việc và tuổi thọ của kết cấu".

Khẳng định của lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng về độ "an toàn" của các vết nứt ngang dọc trên cầu Thuận Phước
khiến dư luận không khỏi nghi hoặc.

Cầu Thuận Phước được thiết kế và thi công theo công nghệ cầu dây võng bắc qua cửa biển đoạn cuối sông Hàn từ tháng 10/2003. Cầu có chiều dài 1.855 m, toàn dự án là 2.119m.

Là cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam, cầu Thuận Phước được thiết kế với quy mô cầu lớn với bề rộng 18m cho 4 làn xe lưu thông, tải trọng 13 tấn với tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh hơn 1.000 tỷ đồng.

Nứt 3 trụ cầu Vĩnh Tuy: Chuyện bình thường, vẫn an toàn


Trước đó, cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng, phía đầu cầu bên trung tâm Hà Nội nằm ở địa phận phường Vĩnh Tuy, thành phố Hà Nội, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên đã xảy ra tình trạng nứt nhiều trụ cầu chứ không phải chỉ môt trụ.

Sự việc này đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, trụ H22 của cây cầu bắc qua sông Hồng này đã bị nứt rộng hai mặt.
Giữa trụ có một vết nứt chạy dài, điểm nứt tiếp giáp mặt đất có hiện tượng gỉ nước và bê tông bị phồng rộp.

Mặt trụ phía Gia Lâm bị nứt nhiều hơn, vết nứt kéo dọc chính giữa lên nửa thân trụ và chéo từ chân về hướng bắc của trụ. Cạnh đó là nhiều vết nứt ngắn ở chân trụ gần mặt nước.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra vết nứt. Ảnh: Châu Anh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra vết nứt. Ảnh: Châu Anh 
Ngày 19/2, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiểm tra hiện trường, ghi nhận vết nứt dọc trụ H22, rộng 2,3-2,6 mm, dài khoảng 10 m. Nguyên nhân được cơ quan này đưa ra là do co ngót bê tông và vết nứt không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, nên trụ H22 vẫn đảm bảo khai thác an toàn.

Chiều 26/2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng các đơn vị liên quan đã trực tiếp xuống bãi sông Hồng kiểm tra hiện trường trụ cầu Vĩnh Tuy bị nứt.

Báo cáo với Bộ trưởng, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế công trình giao thông vận tải (TEDI), đơn vị khảo sát, thiết kế và giám sát công trình xây dựng cầu Vĩnh Tuy cho biết, vết nứt ở trụ cầu T22 đã xuất hiện chừng hơn 2 năm nay, từ cuối 2010 đã phát hiện.

“Cầu Vĩnh Tuy được thiết kế chịu được động đất cấp 8. Với tải trọng sử dụng thông thường như hiện nay là độ an toàn rất cao, người dân hoàn toàn an tâm khi đi qua cầu”, ông Sơn khẳng định.

Nói thêm về vết nứt trầm trọng ở trụ T22, ông Sơn nhận định, vết nứt không nằm trong vùng có mô men nứt lớn, không nứt ngang, chủ yếu là nứt dọc thân trụ.

“Nguyên nhân gây nứt trụ T22 có thể là trong quá trình thi công, khi đổ những khối bê tông lớn, có sự khác nhau giữa nhiệt độ, kết hợp với co ngót tạo ra vết nứt. Việc này rất khó phát hiện khi thi công cầu mà lúc vận hành mới dần dần lộ ra”, ông Sơn nói.

Sau khi nghe đại diện Sở Giao thông vận tải và đơn vị thiết kế cầu (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải) báo cáo chi tiết, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chủ đầu tư thuê ngay đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá mức độ, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục sự cố.

Ngoài ra cần phải kiểm tra toàn bộ các trụ khác và hệ thống chịu lực của cầu để kịp thời phát hiện sự cố. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Sở GTVT Hà Nội rà soát lại toàn bộ các cây cầu trên địa bàn thành phố.

Ông Dũng cũng yêu cầu chủ đầu tư cho rà soát lại toàn bộ các hạng mục của cầu Vĩnh Tuy để sớm phát hiện những sự cố khác có thể gây mất an toàn. Khi khắc phục xong các nết nứt này phải mời các nhà khoa học đến kiểm tra lại.

» Nứt trụ cầu Vĩnh Tuy: Quan sát bằng mắt, không đáng lo?
» Cầu Rồng trám vết nứt, cầu Vĩnh Tuy chờ kiểm định
» Cầu Vĩnh Tuy nứt bình thường, không quá lo?

Diệp Vy (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn