Nhiều người trẻ ở Việt Nam đang mắc bệnh ‘nghiện’ và ‘ngáo’ Facebook

Thời sựThứ Bảy, 08/07/2017 17:47:00 +07:00

Các tín đồ Facebook có thể không nhắn tin, gọi điện, gặp gỡ bạn bè, người thân trong một ngày, nhưng không thể không lướt Facebook trong vài tiếng.

Video: Các dấu hiệu chứng tỏ bạn là 'con nghiện' facebook

“3 cùng” với Facebook

Nếu như đối với cán bộ dân vận hay bộ đội, nguyên tắc “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) là nguyên tắc “nằm lòng” khi tiếp xúc với đồng bào thì với nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay, nguyên tắc “3 cùng” cũng đang được sử dụng triệt để với mạng xã hội facebook.

Ăn cùng facebook, ngủ cùng facebook, giờ làm việc cũng để sẵn facebook, thậm chí nửa đêm thức giấc cũng “chộp” ngay điện thoại để mở facebook xem có ai comment, like, hoặc cập nhật tin tức mới nhất của bạn bè… đó là thói quen của rất nhiều người hiện nay.

Các tín đồ facebook này có thể không nhắn tin, gọi điện, gặp gỡ bạn bè, người thân trong một ngày, nhưng không thể không lướt facebook trong vài tiếng. facebook có sức hút mãnh liệt đến mức nhiều người bị lệ thuộc vào mạng xã hội này, hay nói cách khác là “nghiện facebook”. Thứ gây nghiện ấy vô tình dẫn người chơi tiến gần đến lối sống tự kỷ, nhất là ở giới trẻ.

facebook2

Tình yêu thời bùng nổ facebook.

Khác với những trò giải trí trên mạng trước đây, facebook có sức công phá mãnh liệt với tất cả đối tượng, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi. Đến độ, ở mối quan hệ mới gặp lần đầu, người ta không chỉ hỏi nhau tên tuổi, số điện thoại nữa mà hỏi nick facebook. Thậm chí cả tên thật cũng bị lãng quên sau một thời gian giao lưu kết bạn trên facebook.

Sợi dây liên kết họ với mọi người xung quanh đang được thay thế bằng đường truyền mạng Internet. Người chơi vô tình kéo mình vào hội chứng cô đơn ngay cả khi sở hữu 5.000 friends facebook. Ngỡ rằng mối quan hệ bạn bè trở nên khăng khít từ mạng xã hội ấy nhưng không, chỉ cần bước ra khỏi thế giới mạng, sẽ chỉ còn lại là những khuôn mặt người lạnh lẽo.

Họ cũng chẳng có nhu cầu nói chuyện với nhau, có việc gì cũng đã trao đổi hết qua facebook. Gặp nhau chỉ là để thông tin như: “Tớ vừa đăng lên tường của cậu. Vô trả lời nhé!”, hoặc: “Post hình rồi, lên xem!”. Về điểm này, facebook đã cao tay đến mức hoán đổi từ vị trí gián tiếp kết nối trở thành trực tiếp.

Có những người “tay bắt mặt mừng” trên facebook, khiến người khác nhầm tưởng họ là những tri kỷ khăng khít với nhau, nhưng khi ra ngoài có dịp gặp nhau lại lạnh tanh, chẳng biết nói chuyện gì. Thậm chí còn thấy ngượng ngượng vì tại sao mình có thể dùng những câu từ thân thiết, tình cảm đến thế!

Chưa kể những người có thói quen cập nhật hình ảnh, họ ngại gặp bạn bè facebook ở ngoài đời chỉ vì hình ảnh thật không được “bắt mắt” như những tấm hình được chọn lựa thật kỹ trước khi post lên facebook.

Không ít người cũng ngập tràn trong hạnh phúc với những mối quan hệ ảo như thế. Và cũng không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm để biết nó ảo đến mức nào, để nhận ra không gì có thể thay thế được tình thân. Khi ta yếu đuối, cần một bàn tay siết chặt hơn là những cái like vô cảm. Những comments làm sao có thể thay thế được bờ vai khi nước mắt rơi… Đó mới chính là những người bạn thật sự cần thiết trong cuộc sống.

Yêu nhờ facebook, chia tay vì facebook

Cách đây mấy năm, cư dân mạng từng chứng kiến một đám cưới có một không hai của hai bạn trẻ sau một thời gian dài yêu nhau qua... facebook.

Một cô gái thích viết, một chàng trai thích đọc, nàng ở Sài Gòn, chàng ở Hà Nội, cách nhau gần 2.000 km. Họ quen nhau qua mạng, chơi trò làm người yêu giả trên facebook, rồi hẹn gặp nhau nơi miền Nam đầy nắng, để rồi yêu nhau và gắn bó suốt hai năm trời mặc cho gia đình phản đối. Chỉ nghe thế thôi chắc bạn cũng sẽ hình dung được đây là một chuyện tình nhiều bất ngờ và cũng không thiếu trắc trở.

Từ một trò chơi yêu giả trên facebook, họ trở thành người yêu thật. Hai năm qua dù chỉ gặp nhau được 3 lần, kẻ Bắc người Nam nhưng họ vẫn đang vun đắp tình yêu của mình.

bao1

Năm 2014, cư dân mạng đã xôn xao với "mối tình như mơ" của cặp đôi bằng tuổi Bùi Huyền và Đức Bình (cùng SN 1990). Dù kẻ Bắc người Nam nhưng nhờ facebook mà họ đã tìm thấy một nửa cuộc đời của mình.

Nhưng thực tế thì những chuyện tình “đẹp như mơ” như cặp đôi trên không nhiều. Nhiều người cho rằng đã gặp phải những rắc rối về tình yêu và hôn nhân mà khởi nguồn đều liên quan đến facebook.

Anh Nguyễn Văn Hà, nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội chia sẻ về mối tình trên facebook: “Vợ chồng mình quen nhau trên facebook rồi lấy nhau nên cũng có chút “khác người”. Ở trên facebook sôi nổi bao nhiêu thì bên ngoài lạnh bấy nhiêu. Có khi cả ngày chẳng nói với nhau câu nào, chỉ trao đổi qua facebook.

Ngày cuối tuần, hai vợ chồng cũng đứa ôm cái laptop rồi comment qua lại. Mình cảm giác như trên đó tụi mình nói chuyện với nhau thoải mái hơn cả bên ngoài. Có những hôm hai vợ chồng giận nhau căng thẳng lắm, anh ấy lên tường post câu xin lỗi, thế là hòa. Chứ ở ngoài sức mấy mà tình hình nhẹ đi được”.

Kém may mắn hơn, Tuấn Anh, sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thì buồn rầu tâm sự vừa bị người yêu đòi chia tay cũng vì... Facebook.

Nguyên nhân trong một lần đi chơi cùng nhóm bạn trong lớp, Tuấn Anh có đứng chụp ảnh chung với một bạn gái trong lớp với “tư thế tình tứ”. Mọi chuyện nếu chỉ vậy thì không có gì, nhưng bức ảnh này ngay sau đó được các bạn trong nhóm tung lên mạng, chia sẻ kèm theo những bình luận bên dưới. Tất nhiên, những hình ảnh và bình luận này không qua được mắt người yêu Tuấn Anh, khi cô nàng vẫn theo dõi Facebook của Tuấn Anh mỗi ngày.

Quá sức chịu đựng, bạn gái Tuấn Anh đòi chia tay, dù cho anh chàng đã hết lời giải thích. “Đợi một thời gian nữa khi vụ việc nguôi ngoai em sẽ giải thích và làm hòa với cô ấy. Giờ thì em khóa tài khoản Facebook rồi”, Tuấn Anh nói.

“Ảo tưởng sức mạnh”

Nói đi thì cũng nói lại. Thực tế thì trang cá nhân Facebook không chỉ là nơi giải trí đơn thuần mà trở thành ngôi nhà, ở đó, tên tuổi của chủ nhân chính là thương hiệu gắn với hình ảnh thật ngoài đời. Facebook vượt ra khỏi thế giới ảo, nó không khác gì một xã hội thu nhỏ mà ở đó, tất cả tính cách, kiến thức, quan niệm sống… ít nhiều đều thể hiện trên ấy.

Vì thế mà ở một số lĩnh vực, nhà tuyển dụng ngoài việc tìm hiểu ứng cử viên qua hồ sơ, họ còn xem trang cá nhân Facebook trước khi quyết định tuyển chọn nhân sự. Tuy nhiên mức độ thật của thế giới Facebook đến mức nào thì cần phải xem xét lại.

Những người tuyển dụng có kinh nghiệm không bao giờ dám tuyển những người có Facebook quá “bận rộn”. Bởi hơn ai hết họ hiểu nếu suốt ngày lên mạng xã hội kể lể đang làm cái này cái kia, việc lu bù tối mặt tối mày, chính là người... không bận gì cả!

luaquafacebook 3

 Thông qua mạng Facebook, nhiều đối tượng tội phạm đã tán tỉnh, hẹn hò, dụ dỗ nhiều cô gái trẻ để lừa bán sang Trung Quốc. Trong ảnh là em Hồng Thị Can (SN 1999, ngụ thôn Noh Prong, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), một trong những cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc. Đến ngày trở về, em vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời khắc hãi hùng đó.

Thời gian qua, nhiều người trẻ, trong đó có cả những người nổi tiếng đã gây "bão" với những phát ngôn “ảo tưởng sức mạnh”, huyễn hoặc bản thân. Trước hiện tượng này, nhiều người tỏ ra bức xúc nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là trò đùa vì thích chơi trội của một bộ phận giới trẻ.

Nhưng không thể phủ nhận là có một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay đang ảo tưởng với cái gọi là “thương hiệu cá nhân” thể hiện bằng số fan trên Facebook.

“Thương hiệu cá nhân” đó không phải được xây dựng bằng thế giới thực mà được tạo dựng từ “thế giới ảo” và thế là dùng tất cả năng lượng, thời gian để tô vẽ cho “thế giới ảo” của mình trên mạng xã hội.

Đây là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ không tập trung cho công việc. Họ cà phê, “tám” chuyện Facebook, lo việc bao đồng, “đứng núi này trông núi nọ”, hoặc quá bận rộn cho “cuộc sống ảo” mà quên mất mọi người thân thiết xung quanh.

Đã qua rồi cái thời viết thư tay, chat yahoo có webcam, skype để nhìn thấy nhau khi cách xa nhau vài nghìn km, Facebook xuất hiện đã đẩy lùi tất cả ứng dụng đó. Bất ngờ hơn, Facebook thay thế luôn việc giao tiếp, gặp gỡ, chuyện trò…

Dân “nghiện Facebook” lười nói hơn lười viết. Facebook trở thành kênh liên lạc quen thuộc của rất nhiều bạn trẻ. Đôi khi nhắn tin không trả lời, gọi điện không bắt máy nhưng chỉ cần gọi trên Facebook là xuất hiện ngay.

Là người trong cuộc, người viết cũng không khỏi ngỡ ngàng khi những buổi nói chuyện, hẹn hò tán gẫu của bạn bè ngày càng thưa thớt. Hay cụ thể hơn, có người bạn thân gắn bó lâu năm như “hình với bóng”, trước đây gặp nhau là ríu rít chuyện trò, giờ thì khác, mỗi người cầm một iPhone? Nếu thế thì gặp nhau để làm gì nhỉ?

Khi nghe kể về chuyện này, một tiến sĩ tâm lý học ở ĐHQG Hà Nội đã cười và nói: “Bây giờ nhiều người "nghiện" và "ngáo" Facebook lắm, không riêng gì giới trẻ đâu. Ngay như gia đình tôi, buổi tối về ăn cơm, bà vợ tôi cũng cứ dán mắt vào cái điện thoại để đếm... like. Có ảnh bát canh thôi bà ấy cũng chụp để đăng lên khoe với mọi người. Tôi là tiến sĩ tâm lý thật, nhưng với bà vợ mình thì tôi cũng không biết phải tư vấn như thế nào để có thể thuyết phục bà ấy đừng nghiện Facebook nữa”.

>>> Đọc thêm: Tiến sĩ Văn học Đoàn Hương: '50% người trên facebook là vô công rồi nghề'

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn