Nhà máy cồn bốc mùi thối, dân dựng lều bao vây đêm ngày

Thời sựThứ Ba, 24/09/2019 11:27:00 +07:00

Gần tuần nay, hàng trăm người bỏ công bỏ việc, thay nhau túc trực 24/24 trước cổng nhà máy cồn Đại Tân (Quảng Nam) vì không chịu nổi mùi thối bốc lên từ đây.

Dựng lều phản đối ô nhiễm

Trong chiếc lều bạt dựng tước cổng nhà máy cồn Đại Tân, dân thôn Nam Phước (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lôi lương thực, thực phẩm ra nấu ăn tại chỗ, quyết "bám trận địa" để phản đối hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của nhà máy.

Theo người địa phương, họ phải chịu đựng cảnh sống chung với bầu không khí độc bẩn do nhà máy cồn Đại Tân gây ra suốt gần chục năm.

dung-leu

Người dân dựng lều túc trực 24/24 trước cổng nhà máy cồn Đại Tân. 

Đỉnh điểm, vào khuya 18/9, khi đang yên giấc, người dân sống gần nhà máy tỉnh giấc bởi mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào nhà, vào mũi. Từ người già tới con trẻ, tất cả đổ xô ra đường rồi kéo nhau về phía nhà máy cồn Đại Tân – nơi phát tán mùi lạ.

“Nửa đêm, ai nấy mất giấc ngủ vì mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều năm qua, bà con không còn lạ với hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của nhà máy. Tuy nhiên, mùi hôi mới phát tán gần đây thì cực kỳ khó chịu, tới mức phải buồn nôn”, ông Trương Hùng (65 tuổi, người dân thôn Nam Phước) nói.

Chính thứ mùi hôi lạ này khiến người dân hết sức hoang mang. Bất an vì lo sợ sức khỏe bị đe dọa, ngay trong đêm, nhiều người bỏ nhà bỏ cửa, bao vây nhà máy cồn.

dung-leu (3)

Người dân nấu ăn ngay trước cổng nhà máy cồn Đại Tân. 

Nhắc đến hành động “phong tỏa” lối vào nhà máy, bà Tô Thị Lan (70 tuổi, trú thôn Nam Phước) bức xúc: “Cực chẳng đã, chúng tôi mới đùm đề trẻ con ra thức trắng đêm ở nhà máy. Ngay sáng hôm sau, bà con dựng lều và chặn các xe vận chuyển nguyên liệu cũng như sản phẩm ra vào nhà máy. Từ đó tới nay, người dân trong thôn thay phiên nhau túc trực, nấu ăn tại chỗ với quyết tâm ngăn cản nhà máy hoạt động”.

Ngày 23/9, phóng viên VTC News thực tế quanh các khu dân cư của thôn Nam Phước và một số thôn khác của xã Đại Tân, cũng như con đường dẫn vào nhà máy cồn. Theo ghi nhận, mùi hôi thối phát tán từ nhà máy vẫn chưa chấm dứt.

Bầu không khí tại đây vẫn bị bao trùm bởi ô nhiễm. Người đi qua đây, đặc biệt là các em học sinh, đều phải bịt mũi, che khẩu trang kín mít.

“Một là đóng cửa nhà máy, hai là di dời dân”

Đề cập đến mùi hôi khiến người dân bức xúc, ông Phạm Văn Tĩnh - Phó Giám đốc Nhà máy cồn Đại Tân - cho biết, nguyên nhân là sự cố tràn dầu fusel trong quá trình sản xuất.

dung-leu (1) 3

Cơ quan chức năng niêm phong các cống xả từ hồ sinh thái của nhà máy nhằm ngăn dầu fusel tràn ra môi trường. 

Theo ông Tĩnh, vào đêm xảy ra sự cố, công nhân vận hành để tràn dầu fusel, một dung dịch được chiết xuất từ cồn ethanol, dẫn đến phát tán mùi đặc trưng.

“Nhà máy đã cho cô lập, đóng các cống xả, chặn các vị trí, không cho dầu tràn ra môi trường bên ngoài. Công tác xử lý sự cố rò rỉ dầu fusel đang được tiếp tục triển khai. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi khắc phục được khoảng 90%”, ông Tĩnh nói.

Ngay khi xảy ra sự cố tràn dầu fusel, Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Nam đã đến hiện trường để lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Cảnh sát môi trường huyện Đại Lộc, chính quyền xã Đại Tân đã niêm phong các cống xả từ hồ sinh thái của nhà máy nhằm ngăn chặn tình trạng dầu fusel tràn ra môi trường bên ngoài.

Trong khi chờ cơ quan chức năng công bố kết quả xét nghiệm, đưa ra đánh giá tác hại môi trường sau sự cố tràn dầu, những con người gần chục năm nay "cắn răng" chịu đựng sống ô nhiễm vẫn kiên quyết phản đối hoạt động của nhà máy.

dung-leu (6) 4

Nguyện vọng của người dân là di dời nhà máy hoặc di dời dân. 

“Bà con ở đây ai cũng có nguyện vọng một là đóng cửa nhà máy, hai là bố trí tái định cư để người dân di dời. Gần 10 năm qua, nỗi thống khổ khi phải ngửi mùi hôi thối của bà con đã vượt ngưỡng chịu đựng. Nếu cứ cái đà này, thế hệ con cháu chúng tôi sẽ chết dần chết mòn vì ô nhiễm”, ông Trần Xuân Vương quả quyết.

Trả lời VTC News, một lãnh đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Đại Lộc cho biết, chiều 24/9, các cơ quan chức năng huyện Đại Lộc sẽ có buổi đối thoại với người dân địa phương xoay quanh vấn đề ô nhiễm tại nhà máy cồn Đại Tân.

Nhà máy Ethanol Đại Tân thuộc Công ty Cổ phần Đồng Xanh với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, trong đó hơn 100 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải. Sau khoảng hai năm đi vào hoạt động, tháng 11/2012, nhà máy phải tạm dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ và gặp khó khăn về vốn. Đến tháng 3/2015, Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm mua lại toàn bộ nhà máy này. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy nhiều lần để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường.

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn