Nguyên Phó ban Tổ chức T.Ư: Ứng viên lãnh đạo phải có chương trình hành động báo cáo trước dân

Thời sựThứ Hai, 12/10/2015 04:00:00 +07:00

Nguyên Phó ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng nói những ứng viên cho vị trí lãnh đạo cần có chương trình hành động cụ thể báo cáo trước dân

(VTC News) – Nguyên Phó ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng nói những ứng viên cho vị trí lãnh đạo cần có chương trình hành động cụ thể báo cáo trước dân, cán bộ đảng viên.

Góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội 12, ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương trả lời VTC News về công tác cán bộ.
ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương về công tác cán bộ
Ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương trao đổi về công tác cán bộ (Ảnh: VOV)

- Là người có nhiều năm làm công tác cán bộ, ông đánh giá thấy rằng Dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XII có những điểm mới như thế nào?

Dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XII có những điểm mới nhất định. Về nguyên tắc, chúng ta vẫn giữ được sự kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề cập đến nhiều vấn đề mới. Nếu như, đại hội XI đề ra đến trước năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại thì trong dự thảo báo cáo chính trị lần này đã nhìn thẳng vào thực tế để đề ra mục tiêu phù hợp hơn. Mục tiêu đó là: phấn đấu để trở thành một nước công nghiệp hiện đại (không nói cụ thể thời điểm). Mục tiêu thay đổi là do nhiều chỉ tiêu chưa đạt được.

Riêng công tác xây dựng Đảng, nếu như các văn kiện trước chỉ nói đến việc tăng cường xây dựng về chính trị, tư tưởng và tổ chức thì lần này đã nhấn mạnh thêm việc xây dựng đạo đức cách mạng, vì thực tế tình hình có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng đã phức tạp hơn trước.

Trong đó, công tác cán bộ có vị trí quyết định đối với vấn đề xây dựng Đảng. Cần phải đảm bảo đội ngũ lãnh đạo kế cận vừa có đức lại vừa có tài. Đội ngũ cán bộ cần phải được kế cận xứng đáng.

Việc quy định trong cơ cấu đội ngũ cán bộ phải có hơn 10% ở độ tuổi trẻ cũng là một yêu cầu quan trọng.

- Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng 12 cũng chỉ ra 4 nguy cơ mà Đảng ta tiếp tục phải đối mặt thì theo ông đâu là nguy cơ lớn nhất?

Tôi cho rằng nguy cơ lớn nhất đối với Đảng đó chính là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.

Từ đó làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó là nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì thế cần phải đổi mới cơ chế chính sách, quản lý xã hội để bắt kịp với sự phát triển của thời đại.

- Hiện nay, nhiều ý kiến băn khoăn về việc hàng loạt con lãnh đạo cấp cao của nhà nước, của các thành phố lớn được bổ nhiệm, giữ các chức vụ quan trọng?


Một người mới chỉ 30 tuổi mà đã được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư của một tỉnh thì tôi cũng thấy không có vấn đề gì lớn. Phải có những Giám đốc Sở ở tuổi 30 thì sau này mới có những Phó Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch tỉnh ở tuổi 40.

Tuy nhiên, cần thấy rằng, con của người dân bình thường thì ít khi được giữ những chức vụ quan trọng như vậy khi mới 30 tuổi.

Hiện nay, có thực tế hàng chục con em cán bộ Trung ương, cán bộ tỉnh được cử đi học nước ngoài bằng tiền ngân sách. Ngoài ra, cũng có những người được các quỹ nước ngoài đầu tư cấp học bổng cho đi học.

Những bạn trẻ này sau khi đi học thì về nước “làm quan” ở những cơ quan của trung ương, của tỉnh luôn mà không phải trải qua việc rèn luyện trong quân đội, trong các cơ sở kinh doanh, các cơ sở ở địa phương.

Con của những vị cán bộ này được ưu đãi nhiều hơn so với bình thường. Đó là điều khiến chúng ta đáng phải suy nghĩ.

- Việc này phải chăng chính là điều khiến dư luận dậy sóng, thưa ông?

Đây là mặt yếu trong công tác tổ chức cán bộ. Những bạn trẻ này chưa được phấn đấu, thử thách, rèn luyện trong khó khăn để thể hiện năng lực của mình. Rõ ràng, con em lãnh đạo thì được ưu đãi nhiều hơn con em những người dân bình thường.

Tuy vậy, chúng ta cũng cần thời gian để xem những cán bộ trẻ này thể hiện như thế nào. Nếu họ làm tốt trên cương vị đó thì chúng ta hoan nghênh.

- Làm sao có thể có những đánh giá khách quan để lựa chọn được chính xác người tài, thưa ông?

Công tác cán bộ phải thật công khai, minh bạch.
Người lãnh đạo khi muốn chọn đội ngũ kế cận thì phải dựa vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, dựa vào quần chúng nhân dân nơi những cán bộ ấy đang sinh sống.

Chúng ta cần phải hỏi ý kiến trực tiếp những người đảng viên, nhân dân nơi đó xem vị cán bộ đang được chuẩn bị bổ nhiệm có đủ năng lực, đạo đức hay không. Người đó liệu có phải là người quan tâm đến số phận của những người dân nghèo không, hoặc có chan hòa với người dân xung quanh không.

Tôi tin rằng, những người đảng viên, những người dân nơi địa phương đó họ biết tường tận về quan hệ xã hội của những cán bộ đó.

Tôi đề nghị trước khi bổ nhiệm lãnh đạo các cấp thì cần xin ý kiến của những tỏ chức xã hội như đại diện tổ dân phố, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ nơi người đó sinh sống.

Hiện nay, thực tế vẫn còn tâm lý cả nể trong việc bổ nhiệm cán bộ ở các địa phương.

- Trong trường hợp 2 ứng viên có cùng trình độ thì sẽ lựa chọn con em của quan chức hay con em của người dân bình thường cho vị trí lãnh đạo, thưa ông?

Tôi cho rằng, công tác cán bộ phải công bằng và khách quan. Nếu tôi là người được quyết định tôi sẽ chọn một thanh niên vươn lên từ nghèo khó hơn là một người có cuộc sống dư giả. Những người vươn lên từ nghèo khó thì họ có ý chí phấn đấu cao hơn rất nhiều người có được sống trong sung sướng.

Tôi cho rằng, người cán bộ trẻ phải có môi trường xã hội để thể hiện mình. Họ phải được rèn luyện, cống hiến trong môi trường thực tế từ cơ sở. Không phải là cứ học xong ở nước ngoài thì về cho làm lãnh đạo ngay.
Công tác cán bộ rất quan trọng với sự nghiệp phát triển của cả đất nước (Ảnh minh họa)
Công tác cán bộ rất quan trọng với sự nghiệp phát triển của cả đất nước (Ảnh minh họa) 

- Thời gian qua, một số cán bộ vừa bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố, bắt giữ. Chất lượng cán bộ “có vấn đề”, có nghĩa là công tác cán bộ cũng “có vấn đề” phải không thưa ông?

Trong công tác cán bộ thì khó nhất là việc đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của người đó.

Từ việc đánh giá khách quan thì mới có thể bỏ phiếu cho người cán bộ đó một cách chính xác nhất.

Nhiều cán bộ hiện nay khi làm xong cả khóa cũng không để lại được một dấu ấn quan trọng nào. Họ chọn cách im lặng để được yên ổn và “hạ cánh an toàn” đến khi về hưu.

- Phải chăng chúng ta đang thiếu thông tin để đánh giá cán bộ khiến những khuyết điểm của họ bị che lấp?

Đúng vậy. Việc không đánh giá được cán bộ một cách chính xác cũng do chúng ta đang thiếu thông tin về cán bộ đó. Hiện nay, nhiều cán bộ chưa khai thật trong các bản kê khai tài sản cá nhân.

Chỉ những tài sản nhỏ mới được kê khai, trong khi đó tài sản lớn lại bị ẩn đi nên không bị lộ. Với những tài sản lớn thì một số cán bộ đã chuyển cho vợ, con, cháu đứng tên.

Vì thế, không làm rõ được mức độ giàu có của người cán bộ đó. Nhưng nhân dân thì họ biết rất rõ.

- Ông có đề xuất cơ chế nào giám sát việc này?

Tôi cho rằng chúng ta phải hoàn thiện cơ chế chống tham nhũng như các nước phát triển.

Trước hết, mọi giao dịch tài chính đều phải thực hiện qua ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để kiểm soát tài sản của vợ, con, cháu cán bộ.


Không dễ gì mà con cháu cán bộ lại có thể giàu bất thường như thế. Vì thế, ngoài việc kiểm tra tài sản cán bộ thì tài sản của vợ, con, cháu cán bộ cũng cần phải được kiểm tra, làm rõ.

Hiện nay, chỉ khi có đơn từ khiếu kiện thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra mới vào cuộc.

- Lâu nay công tác cán bộ ở ta vẫn được xem là bí mật. Điều này có mâu thuẫn với nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch?

Công tác cán bộ phải dân chủ, công khai và khách quan. Khi bổ nhiệm cán bộ phải lấy phiếu tín nhiệm và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Hiện nay, nếu ở những nơi chưa có những quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của nhân dân thì tôi đề nghị phải bổ sung.

Tôi cũng đề nghị cần có danh sách nhất định các ứng viên được giới thiệu nhiều hơn là số lượng cần bầu, để bảo đảm tính dân chủ trong việc lựa chọn và bầu cử.

Sau đó, những người này phải được lấy ý kiến của nhân dân tại địa phương đó. Nếu chỉ cần có 1-2 ý kiến mà phản đối gay gắt thì các cơ quan lãnh đạo cũng phải xem xét việc bổ nhiệm xem đã đúng người hay chưa.

- Theo ông, các ứng viên có cần báo cáo chương trình hành động công khai như một lời hứa trước nhân dân?

Những ứng viên cho vị trí lãnh đạo cũng phải có chương trình hành động cụ thể để báo cáo trước nhân dân, cán bộ đảng viên trong cơ quan đó để nhân dân cũng có thể biết người đó dự định sẽ làm gì trong nhiệm kỳ của mình.

Từ đó, nhân dân, đảng viên có thể giám sát việc thực hiện lời hứa của người cán bộ.

- Một số cán bộ nguyên là lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước tỏ ra nản lòng, không muốn góp ý. Họ cho rằng đã góp ý rất nhiều nhưng vẫn không có gì thay đổi. Ông nghĩ gì về điều này?

Tôi cho rằng phát biểu đó có phần bi quan. Nếu vẫn chưa có sự thay đổi thì là một người dân có trách nhiệm với đất nước vẫn phải nói. Miễn là anh nói đúng, có lý lẽ thuyết phục và đưa ra được các lập luận có căn cứ.

Nhiều người tuy nói ít nhưng có uy tín trong xã hội thì vẫn được coi trọng.

Tôi cũng nhấn mạnh là phải tránh phát biểu không đúng lúc, không đúng chỗ. Những vấn đề đưa ra phải có căn cứ.

- Có ý kiến cho rằng trong Đảng có những người có trách nhiệm sợ những ý kiến trái chiều, những ý kiến phản biện. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi cho rằng, là một người cán bộ lãnh đạo sáng suốt thì cần phải lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, không sợ những người nói những ý kiến trái chiều hoặc phản biện. Vì các ý kiến đó sẽ giúp cho cán bộ lãnh đạo thấy rõ hơn tình hình và các biện pháp giải quyết tình hình yếu kém ở ngành, hoặc địa phương đó.

- Ông kỳ vọng gì về việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo tại đại hội Đảng các cấp đang diễn ra?

Tôi cho rằng, các bộ, ngành trung ương, các địa phương muốn phát triển được thì đợt này phải lựa chọn được người lãnh đạo anh minh, dám nghĩ, dám làm, quyết liệt với công việc.

Đó phải là người lãnh đạo có đức, có tài, có trí tuệ và năng lực thực tiễn, có bản lĩnh trước công việc được giao, nhất là những công việc khó khăn, mới mẻ.

Nếu chưa tìm ra được một tập thể mạnh và “minh chủ” thì đất nước rất khó phát triển.

-Xin cảm ơn ông

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn