Người dân Hà Giang khắc phục hậu quả sau cơn lũ lịch sử

Thời sựThứ Năm, 25/10/2018 15:19:00 +07:00

Dòng lũ dữ “càn quét” 6 ngôi nhà, đất đá vùi lấp 10 nhà dân khiến cho bao gia đình ở xã nghèo của tỉnh Hà Giang phải sinh sống tạm bợ.

Sau trận lũ ống lịch sử xảy ra vào rạng sáng ngày 22.10, người dân xã Bản Rịa (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) đang phải gồng mình chống chọi hậu quả khắc nghiệt do thiên tai để lại. Giữa đống đổ nát hoang tàn, chỉ còn trơ trọi sỏi đá, những vòng tay nhân ái kịp thời hướng về đồng bào vùng lũ động viên bà con vượt qua đau thương, mất mát, nhanh chóng vực dậy cuộc sống.

Thiệt hại nặng nề sau cơn lũ

Mất hơn một tiếng đồng hồ đi bộ, qua nhiều đoạn đường sạt lở, bùn đất ngập ngang đầu gối, chúng tôi mới tiếp cận được với vùng lũ. Cơn lũ ống đồng loạt vừa đi qua 4 thôn: Bản Thín, Bản Rịa, Bản Măng và Minh Tiến của xã Bản Rịa làm cho miền quê vốn đã nghèo nay lại rơi vào cảnh khốn khó.

Vừa đặt chân đến thôn Bản Rịa, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cơn lũ, chúng tôi cảm nhận sự đau đớn hiện hữu trên từng khuôn mặt, ánh mắt của người dân đó là sự chờ đợi trong vô vọng, nỗi ám ảnh mất đi người thân xen lẫn sự sống còn trong gang tấc đến nghẹt thở.

Dòng lũ dữ “càn quét” theo 6 ngôi nhà, đất đá vùi lấp 10 nhà dân khiến cho bao gia đình phải sinh sống tạm bợ. Những tài sản, vật dụng, hàng chục con gia cầm, gia súc chết ngập trong nước; hơn 65 ha hoa màu, lúa vụ Mùa chưa kịp thu hoạch bị cuốn trôi để lại lớp đá sỏi ngổn ngang thay cho cánh đồng màu mỡ trước kia. Mai đây cuộc sống người dân không biết sẽ đi về đâu?

Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Mã Công Du thuộc xóm 2, thôn Bản Rịa kể lại: “Tầm khoảng 4 giờ sáng, trời bắt đầu mưa to, vợ chồng tôi tỉnh dậy thì thấy nước lũ  lên nhanh bất ngờ cuốn theo những tảng đá lớn làm rung chuyển nhà cửa. Linh tính mách bảo, tôi chỉ kịp hô hoán vợ con chạy thoát thân lên khu vực cao hơn. Chưa đầy 5 phút sau, đất đá phía sau ập vào vùi lấp hết 3 gian nhà, cơ ngơi kinh doanh tạp hóa, tủ lạnh, vật dụng trong gia đình mất sạch.

Vừa cố gắng nhặt lại một vài đồ đạc còn vương bùn đất, trông dáng vẻ tiều tụy, anh Du thốt lên “mất trắng hết rồi các cô ơi”. Ngày đầu tiên sau trận lũ lịch sử, gia đình nhanh chóng nhận được 3 triệu đồng hỗ trợ của huyện; lực lượng công an, dân quân, đoàn thanh niên địa phương kịp thời có mặt giúp đỡ thu dọn lớp đất đá chồng chất”.

hagiang

Người dân Hà Giang khắc phục hậu quả do cơn lũ để lại. 

Khi đặt chân đến lán tạm, nơi đại gia đình và bà con đang làm đám tang cho 2 nạn nhân xấu số (bố con ông Hoàng Văn Sầu), chúng tôi chứng kiến cảnh 2 chiếc quan tài đặt cạnh nhau, một thi thể vẫn chưa tìm thấy, những đứa trẻ ngơ ngác xen lẫn tiếng khóc đến xé lòng, đau thương bao trùm khắp xóm 2, thôn Bản Rịa.

Gạt đi hai hàng nước mắt, chị Hoàng Thị Thành (con gái ông Hoàng Văn Sầu, chị gái nạn nhân mất tích) buồn bã kể lại cho chúng tôi nghe nỗi ám ảnh kinh hoàng mà gia đình vừa mới trải qua: “Nước lũ đến nhanh quá, gia đình chạy tán loạn, bố và em trai không kịp thoát thân, mãi đến chiều tối qua (ngày 22/10), gia đình mới nhận được tin tìm thấy bố.

Hiện giờ, gia cảnh rất khó khăn, mẹ tôi thì già, em trai mất để lại 2 đứa con nhỏ bơ vơ, tội nghiệp”. Còn anh Hoàng Văn Thoát, xóm 2, thôn Bản Rịa, người may mắn thoát chết trong trận lũ ống vừa qua cho hay: “Tôi bị nước lũ cuốn trôi 10m, dạt vào bờ, lúc tỉnh dậy nghe tin gia đình có người mất nên giờ còn rùng mình lắm”.

Rời gia đình nạn nhân, chúng tôi lại tiếp tục men theo con đường đầy đất trơn trượt, vượt qua những vực suối sâu đến với gia đình ông Hoàng Văn Khoa, xóm 2, thôn Bản Rịa.

Trong đống đổ nát, xót lại một vài bộ bát đũa, ấm chén, chăn màn cũ kỹ, ông Khoa rưng rưng bày tỏ: “Khoảng 7 giờ sáng, cả đất, nước từ trên đỉnh đồi xối thẳng vào ngôi nhà, vợ chồng tôi chỉ kịp ôm 2 con nhỏ chạy ra. Bây giờ bà con xung quanh chia sẻ từng bộ quần áo, bát cơm, lực lượng công an huyện vào giúp đỡ tôi cảm động lắm”.

Hầu hết nhân dân Bản Rịa đều cho rằng đợt lũ ống này lớn nhất trong vòng 16 năm qua, cuốn theo những tảng đá lớn, cây cối, làm cho bao ngôi nhà tan hoang, tiêu điều.

Theo báo cáo của UBND xã Bản Rịa, tính đến thời điểm này, lũ ống làm 1 người chết, 1 người mất tích, 2 người bị thương; cuốn trôi hoàn toàn 6 ngôi nhà, 10 ngôi nhà bị hư hỏng nặng.

Mưa lũ làm sập hầu như toàn bộ nhà ăn học sinh, sạt lở nhà lưu trú giáo viên của trường Mầm non; sập tường nhà lưu trú học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS; cuốn trôi 21 tấn xi măng tập kết làm đập tràn qua suối; cuốn trôi 2 con trâu, 20 con lợn, trên 450 con gia cầm, 11 con dê, vùi lấp 65 ha hoa màu, lúa vụ Mùa. Tổng khối lượng đất đá sạt lở toàn xã ước tính khoảng 20.700m3.

Bão lũ đi qua, tình người ở lại

Sau trận mưa lũ, con người, tài sản bị nhấn chìm nhưng không thể dìm mất hy vọng của bà con, trong những ngày khốn khổ nhất, chúng tôi thấy ấm lòng bởi những hình ảnh “nhường cơm sẻ áo”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no của người dân”. Hơn hết, phía tỉnh, huyện, cơ quan phụ trách xã, Hội Chữ thập đỏ các cấp, các ngành đã cùng chung tay hỗ trợ vật chất, tinh thần, chia sẻ khó khăn mất mát với đồng bào vùng lũ xã Bản Rịa.

Đến giờ phút này, những gia đình gặp nạn đã nhận được tổng số gần 200 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ trước mắt và nhiều chăn, màn, áo ấm, gạo, mì tôm, phần quà trao đến tận tay dù ít hay nhiều thật đáng quý. Đặc biệt, đông đảo lực lượng thanh niên, bộ đội, dân quân tự vệ, công an dành thời gian bám bản, cùng góp sức cứu trợ, khắc phục lượng đất đá tràn vào nhà, dựng lại nhà tạm, dọn dẹp vệ sinh giúp đỡ nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Đồng chí Triệu Tài Phong, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quang Bình cho biết: “Huyện đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng với xã Bản Rịa vào cuộc, giải quyết, khắc phục hậu quả mưa bão theo phương châm 4 tại chỗ. Đ

ồng thời, huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, chỉ đạo ngành chức năng rà soát, thống kê toàn bộ diện tích, tài sản, công trình bị thiệt hại. Huyện sẽ xem xét, quy hoạch lại hiện trạng để điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở xác định lại những vùng sạt lở, có nguy cơ cao cần phải di dời.

M.LAN - N.NGÂN
Bình luận
vtcnews.vn