Nghẹn ngào lời xin cô bé 3 tuổi: “Ba đau. Mổ. Giúp con"

Thời sựThứ Ba, 25/05/2010 06:24:00 +07:00

(VTC News) – Cô bé còi cọc mới 3 tuổi đã phải cùng bác ruột đi các nơi gõ cửa trình bày: “Ba đau. Mổ. Giúp con!”, xin tiền giúp cha chữa bệnh hiểm nghèo.

(VTC News) – Trong những ngày đầu tháng 5, có một cô bé còi cọc mới 3 tuổi đã phải cùng bác đi các nơi gõ cửa trình bày, xin tiền hỗ trợ để giúp người cha đang đối mặt với căn bệnh tim đến giai đoạn nguy cấp. Cháu chỉ nói được: “Ba. Ba đau. Mổ. Giúp con!”.


Cháu là Hồ Thị Kim Thoa (SN 2007), trú tổ 3, thôn Hiền Lương, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Bé Thoa lớn lên còi cọc như cây củi khô nhờ chút sữa, nước cháo và những tấm lòng hảo tâm trong xóm nghèo Hiền Lương.

“Ba. Ba đau. Mổ. Giúp con!”


Nhìn bé Thoa ở nhà không ai nghĩ cháu đã lên ba. Thoa còi cọc, đen đủi, bé xíu, chỉ nặng hơn 9kg nên trông em chưa bằng đưa trẻ 1 tuổi. Chỉ có khuôn mặt bé là già dặn với mái tóc cứng xơ, vàng úa như râu ngô. Cái gì đối với cháu cũng lạ lẫm, từ chiếc bánh ngọt cho đến hộp sữa mà chúng tôi mua cho cháu…

Bé Thoa đã lên 3, nhưng cái gì đối với cháu cũng lạ lẫm. 3 tuổi, cháu bập bẹ: "Ba, Ba đau, Mổ, Giúp con...!"

Gần ba tuổi mà cháu mới nói bập bẹ tiếng một theo lời bác ruột: “Ba. Ba đau. Mổ. Giúp cháu!”. Theo phiếu khám bệnh của các bác sỹ tại bệnh viện Trung ương Huế, anh Hùng (bố cháu Thoa) năm nay 34 tuổi, bị hẹp hở van tim 2 lá, van chủ và suy tim nặng độ 3. GS.TS Bùi Đức Phú, bệnh viện Trung ương Huế chỉ định cần phẫu thuật ngay với chi phí lên đến 80 triệu đồng.

Trong cái nắng gió Lào 38-39 độ C đang thiêu cháy mảnh đất miền Trung cát trắng khô cằn, chúng tôi tìm đến thôn nghèo Hiền Lương, nơi anh Hồ Văn Hùng mang bạo bệnh cùng mẹ già, con thơ đang sống trong sự đùm bọc của bà con chòm xóm.

Anh Hùng sống cùng mẹ già năm nay 81 tuổi và con thơ trong căn nhà lợp ngói, dột nát với tài sản đáng giá nhất là chiếc tủ gỗ cũ kỹ cùng chiếc xe đạp rỉ sắt. Mùa hè ở đây nóng đến không thở được và mùa lụt thì nước ngập lên trên cửa sổ, cả 3 người trong nhà phải di tản sang hàng xóm ở nhờ. Trên bức tường vẫn còn hằn in những ngấn nước của các trận lụt qua các năm.

Men theo con ngõ nhỏ đầy những gai tre và cát trắng, chúng tôi bắt gặp bé Thoa quấn quýt cùng bà nội là cụ Nguyễn Thị Hạn (81 tuổi) và vài người hàng xóm. Bé nhận ra người lạ xấu hổ chạy nấp sau chiếc xe bò gần đó.

Bệnh án của anh Trần Văn Hùng cùng chỉ định phẫu thuật của
Bệnh viện TƯ Huế với kinh phí lên đến 80 triệu đồng
 

Cụ Hạn thấp bé, dáng đi đã còng, hai mắt mờ đục với khuôn mặt khắc khổ vừa bế cháu vừa nói: “Nắng nóng quá, em nó (Hùng) không thở được nên bắt xe đò đi lên Đắk Lắk (nhà chú của Hùng) tránh nắng và nhân tiện xin tiền chữa bệnh được 2-3 hôm nay. Ở nhà chỉ có tui và con gái hắn thôi. Khổ lắm!”, rồi cụ Hạn khóc suốt dọc con ngõ nhỏ dần về ngôi nhà tuyềnh toàng ấy.

Trong hơi thở đứt quãng, khó nhọc qua điện thoại, chúng tôi cũng cảm nhận được anh Hùng đang rất mệt. Anh Hùng kể lại câu chuyện của mình.

Cũng như mọi thanh niên khác, Hùng lớn lên, yêu rồi cưới chị Nguyễn Thị Liễu, 22 tuổi, quê xã Quế Phú, (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Mặc dù không được học hành cao, nhưng họ cũng có nghề nghiệp để sinh sống. Anh Hùng có nghề sữa điện, quạt, radio… Chị Liễu phụ cô nghề tráng bánh tráng. Cảnh nghèo, nhưng tình yêu của họ đẹp đẽ như bao đôi trai gái tuổi cập kê.

Biết tin chị Liễu có thai, anh Hùng càng làm việc nhiều hơn với mong muốn vợ, con có cuộc sống đỡ khổ. Nhưng căn bệnh tim khiến anh Hùng thường xuyên bị ngất xỉu mỗi khi làm việc quá sức. Càng làm việc nhiều, tình trạng bệnh của anh Hùng càng xấu đi. Thấy vậy, cả nhà gom góp tiền bạc đưa anh Hùng đi khám bệnh tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và được giới thiệu ra điều trị tại bệnh viện TƯ Huế. Tại đây, bệnh viện kết luận anh bị bệnh tim bẩm sinh, phải mổ với chi phí lên đến 80 triệu đồng.

Anh Trần Văn Hùng và cơn mệt bất thường đang tá túc tại nhà
người thân tại Đắk Lắk để trốn cái nắng nóng gió Lào miền Trung

Ngày bé Thoa chào đời, những tưởng bé sẽ là sợi chỉ gắn bó anh Hùng và chị Liễu cùng vượt qua khó khăn bệnh tật nhưng niềm vui được làm cha của anh Hùng chưa được bao lâu thì bi kịch gia đình ập đến.

Theo tục lệ của người miền Trung “con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng”, nên khi sinh xong, vợ anh Hùng được đưa về nhà mẹ đẻ tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách đó khoảng 30km.

“Em còn nhớ như in cái ngày định mệnh đấy anh ạ, một ngày cuối tháng 12/2007 khi bé Thoa được hơn 20 ngày tuổi. Thương nhớ con, em và mẹ lại lên thăm. Nhưng hỡi ôi! Khi em và mẹ bồng bé Thoa ra ngoài hiên thì cả nhà Liễu đóng cửa lại, không cho vào và đuổi đi. Van xin được bế cháu vào cho con bú kiểu gì nhà vợ cũng không cho. Chờ gần 5 giờ đồng hồ trong cái gió lạnh thấu xương của trời đông giáp Tết, bé Thoa tím tái, đói khát...”, kể đến đây, giọng anh Hùng nghẹn lại vì nước mắt: “Em không muốn nói nhiều về người vợ vô tình, đoạn nghĩa đó. Chỉ cầu mong sao có tiền chữa trị khỏi bệnh để rồi nuôi con, báo hiếu với mẹ già. Chứ bệnh tật thế này, chết không chết, sống cũng không ra sống, nhìn mẹ già, con côi mà lòng em như xát muối”.

“Lá vàng” khóc “lá xanh”


“Khi biết tin Hùng bị bệnh nặng, chữa trị phải tốn nhiều tiền, cả gia đình đã trấn an vợ chồng nó. An ủi con dâu yên tâm sinh nở, chuyện đâu còn có đó, còn có chị em, bà con chòm xóm. Nhưng không ngờ vợ nó lại đoạn nghĩa vợ chồng, dứt tình máu mủ bỏ con”, cụ Hạn  ôm bé Thoa vào lòng khóc bật thành tiếng

Ngôi nhà tuyềnh toàng cuối thôn Hiền Lương, nơi anh Hùng cùng mẹ già và con nhỏ sống trong sự đùm bọc của bà con chòm xóm.

Cũng như bao phụ nữ khác ở làng quê nghèo này, cụ lấy chồng, sinh được 13 người con, nhưng chỉ nuôi được 9 người. Do hoàn cảnh quá nghèo khó, 5/9 người con khi đến tuổi trưởng thành đi Tây Nguyên làm kinh tế mới, rồi lấy vợ, lấy chồng, làm thuê nơi đất khách quê người, nghèo khó quá nên cũng ít khi về quê. Còn 4 người con ở lại quê thì mỗi nhà mỗi cảnh, nghèo khó túng quẫn với nghề nông làm kế sinh nhai. Cụ Hạn ở với anh Hùng, là con trai út lại bệnh tật, nên lao động chính đổ lên vai bà. Năm 2000, chồng cụ mất vì bệnh ung thư, gánh nặng nuôi con, nuôi cháu lại vào một tay cụ.

Trong suốt câu chuyện, không lúc nào cụ Hạn không khóc, chốc chốc lại ôm lấy cháu nấc nghẹn. Cụ kể tiếp: “Biết chắc gia đình nhà ngoại từ bỏ bé Thoa, hai mẹ con tôi nước mắt lưng tròng, bồng bế, dắt díu nhau đem cháu về nhà nuôi nấng. Khi vừa về đến nhà, hay hung tin, bà con hàng xóm đến rất đông, ai cũng khóc và xót thương cho hoàn cảnh của con bé. Rồi kẻ ít, người nhiều từ vài ngàn cho đến hai ba chục ngàn, gom góp cho bé Thoa tiền mua sữa. Rồi bà con chòm xóm có tấm áo cũ, cái khăn... cũng mang cho, mong sao nó sống được và lớn thành người. Thiếu sữa, nên nó còi cọc thế này đây. Gần ba tuổi mà chỉ có nhiêu đó, nói từng chữ một lại không rõ tiếng”.

“Sau đó, tôi và cha con Thoa có lên lại nhà Liễu, nhưng gia đình Liễu nói không biết Liễu đi đâu và bặt tin từ đó đến nay”, giọng cụ Hạn run run, nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo.

Thấy có người lạ đến nhà, hàng xóm cụ Hạn cũng đến chia sẻ. Bác Nguyễn Đình Long, trú xóm trên, thôn Hiền Lương, xã Bình Giang cho biết: “Thằng Hùng hiền lành lắm, chăm chỉ và chịu khó làm lụng. Nhưng do bị bệnh tim nên chẳng làm gì nặng được. Trước kia còn làm việc nhẹ, nhưng sau thời điểm vợ mang thai, cố làm quá sức nên nay chẳng làm được gì. Đến trông con bé, đuổi theo nó cũng không nổi”.

Con trai mang bạo bệnh, cháu con thơ dại, gánh nặng nuôi con, nuôi cháu một lần nữa đè lên tấm lưng còng của cụ Hạn khiến cụ quá sức.

Trước có cái nghề sửa đồ điện như quạt, radio… nhưng nay chẳng ai sửa chữa gì, nên tất cả gánh nặng lại đổ lên lưng cụ Hạn, cụ thì ngày một già yếu. Mấy sào ruộng phải nhờ những người con rể làm giúp lấy lúa  ăn không thì chẳng biết bấu víu vào đâu. Hàng ngày thì trông vào mảnh vườn với mớ rau, trái bí... bán kiếm tiền”.

Ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ Tịch xã Bình Giang xác nhận: “Chuyện đau lòng của anh Trần Văn Hùng là có thật. Nhà thuộc diện nghèo của xã, mẹ già, con thơ, bản thân mang bạo bệnh không có điều kiện chạy chữa. Rất mong các tấm lòng hảo tâm quan tâm cứu giúp hoàn cảnh gia đình bé Thoa, anh Hùng, cụ Hạn”.

Trước hoàn cảnh ngặt nghèo của cha con cháu Thoa, qua bài viết, báo điện tử VTC News rất mong bạn đọc và các mạnh thường quân cùng giúp đỡ giúp gia đình anh Hùng vượt qua giai đoạn khốn khó.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ:
Trần Văn Hùng, trú tổ 3, thôn Hiền Lương, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Hoặc thông qua Trung tâm Truyền thông VTC:
Tài khoản 0651100107008- Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội

Bửu Lân

Mong ước lớn nhất của anh Hùng là được chữa bệnh để có thể tiếp tục chăm sóc con gái còn quá bé nhỏ, theo bạn, điều mà gia đình anh Hùng cần làm nhất trong lúc này là gì? Bạn biết thêm những hoàn cảnh đáng thương nào khác hãy chia sẻ với VTC News bằng cách bấm vào dòng Viết thảo luận cho bài báo dưới đây. Gõ tiếng Việt có đấu để được đăng tải. Trân trọng!
Bình luận
vtcnews.vn