Một năm sau chỉ đạo của Thủ tướng, tồn đọng của các trạm BOT vẫn 'dậm chân tại chỗ'

Thời sựThứ Sáu, 21/12/2018 07:45:00 +07:00

Đã quá hạn Thủ tướng chỉ đạo phải có phương án xử lý tồn đọng của các dự án BOT giao thông nhưng đến nay, tình hình vẫn "án binh bất động".

Ngày 8/11/2018, Thủ tướng triệu tập và chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan nhằm "xử lý vướng mắc đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT". 

0

Đã quá hạn tròn 1 tháng Thủ tướng chỉ đạo phải có phương án xử lý tồn đọng của các dự án BOT giao thông. Đến nay, tình hình vẫn "án binh bất động". 

Tại cuộc họp nêu trên, thường trực Chính phủ đồng ý với kết quả rà soát, đánh giá các tồn tại, bất cập đối với các trạm thu phí của các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT…

Để giải quyết các tồn đọng, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án nêu trên, hoàn thành trước ngày 20/11/2018.

Ngoài ra Thủ tướng cũng chỉ đạo các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình trong việc chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án BOT có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu; chỉ đạo không để xẩy ra mất an toàn giao thông và an ninh trật tự; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những đối tượng quấy phá tại các trạm thu phí.

Sau đó, ngày 23/11/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chủ trì cuộc họp về việc xử lý vướng mắc tại trạm thu phí của các Dự án BOT giao thông.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, đã quá hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng tròn 1 tháng, các vướng mắc để giải quyết các vấn đề về các dự án BOT vẫn đang “dậm chân tại chỗ”, chưa có tiến triển gì.

Các dự án BOT đang vướng mắc

Dự án BOT gây chấn động nhất là BOT Tuyến tránh Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) với việc người dân trả tiền lẻ, rửa xe tại cửa thu phí… Dự án đã ngừng thu phí, Chính phủ nhiều lần họp bàn nhưng chưa có quyết định cuối cùng. 

1

Dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới đang gặp nhiều khó khăn. 

Dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới (bao gồm việc nâng cấp một phần QL 3 cũ và làm mới tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng), theo hợp đồng, được thu phí cả trên tuyến cũ và tuyến mới. Tuy nhiên, dự án mới được thu 1 trạm, nhà đầu tư nhiều lần kêu cứu do khó khăn về tài chính do nguồn thu đạt quá thấp so với phương án tài chính ban đầu.

Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (doanh nghiệp dự án) cho biết, hiện nay, doanh nghiệp dự án đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và có khả năng lâm vào tình trạng vỡ nợ khi chưa có nguồn thu từ dự án nhưng vẫn phải duy trì hoạt động bộ máy, quản lý bảo trì và trả lãi ngân hàng từ tháng 1/2017. 

2 3

Chủ đầu tư hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam là Hải Vân và Đèo Cả vừa rồi phải lên tiếng đòi trả dự án cho Nhà nước vì gặp khó khăn. 

“Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp đang phải bỏ ra khoảng 16 tỷ đồng trả lãi ngân hàng, tổng chi phí từ đầu năm 2017 đến nay khoảng gần 200 tỷ đồng”, ông Đức cho biết.

Một số dự án khác hoàn thành từ lâu nhưng không được thu phí hoặc thu phí giữa chừng phải dừng như BOT QL 10 đoạn La Uyên – Tân Đệ (Thái Bình); Dự án QL 21B Mỹ Lộc (Nam Định), BOT QL 26 từ Khánh Hoà đi Đắk Lắk.

Các dự án BOT đang thu phí cũng gặp vướng mắc so với hợp đồng. Đơn cử, BOT Đèo Cả đứng trước nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ 2 tỷ tiền điện và hai hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam là Hải Vân và Đèo Cả. Chủ đầu tư vừa rồi phải lên tiếng đòi trả dự án cho Nhà nước.

Nóng trong mấy ngày qua là trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài được cho là đặt “nhầm chỗ” đang bị các lái xe phản ứng dữ dội, buộc phải “xả trạm”. TP Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT di dời trạm thu phí BOT này đi nơi khác nhưng chưa có ý kiến trả lời.

Đến bao giờ tháo được “ngòi nổ”?

Công lớn của BOT là góp phần quan trọng trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông hiện đại.

Bên cạnh đó, không ít những thiếu sót như: Hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, thu phí trên đường độc đạo, người dân không có quyền lựa chọn, làm đường một nơi thu phí một nơi…

Từ đó đã này sinh việc lái xe phản đối, tụ tập đông người khiến hàng loạt dự án phải dừng thu phí, không được tăng phí theo hợp đồng đã ký.

Việc các trạm thu phí buộc phải tháo barie, ngừng thu phí như BOT Mỹ Lộc, Tân Đệ (của Tasco), Cai Lậy...để xem xét và tìm ra giải pháp tháo gỡ là cần thiết. Ngoài hệ lụy đối với chủ đầu tư, suy cho cùng, hậu quả của việc BOT không được thu phí, “chết lâm sàng” lại thuộc về người dân cũng cần phải xem xét. Vì càng để dừng thu lâu, giảm một chút phí xuống sau đó lại cho tăng thời gian thu lên để bù vào, càng khiến người dân bức xúc.

Cần phải giải quyết căn cơ bằng cách xem lại các điều khoản hợp đồng đã ký, kiểm toán lại dự án để có con số và thời gian thu phí phù hợp, đảm bảo “khoan thư sức dân”. Và, cũng cần phải thẳng thắn nhận trách nhiệm, sai phải khắc phục, sai vị trí cần đưa về đúng vị trí... đó mới là cách giải quyết căn cơ.

Trước đó, để giải quyết vấn đề này, ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về các dự án BOT. Trong đó, yêu cầu Chỉnh phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương quyết toán các dự án đã hoàn thành để xác định phương án tài chính và thời gian thu giá sử dụng dịch vụ chính thức.

Thực hiện Nghị quyết này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT bằng nhiều cuộc họp, văn bản, thông báo, tuy nhiên việc thực hiện chỉ đạo này còn chậm, không có chuyển biến. 

Trong khi đó, một siêu dự án BOT mới là cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang được Bộ GTVT “chào hàng” và dự kiến năm 2019 sẽ triển khai. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của cao tốc Bắc – Nam hiện nay chính là vấn đề thu hút vốn đầu tư.

Việc giải quyết những BOT thiếu sót trong quá khứ, trong đó những hệ lụy phát sinh từ rủi ro chính sách là điều cần làm sớm và dứt điểm, để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư cao tốc Bắc – Nam.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn