Miền Tây Nghệ An: Người dân ùn ùn vào bản tìm nước sạch

Thời sựThứ Năm, 21/09/2017 19:35:00 +07:00

Sau nhiều trận mưa lũ, nhất là bão số số 10 vừa qua, người dân miền Tây Nghệ An thiếu nước sạch để sinh hoạt trầm trọng, vì các khe suối đục ngầu hoặc khô hạn, đường ống dẫn nước bị lũ cuốn, hư hỏng.

Có mặt tại xã Huồi Tụ (huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An), buổi sáng tinh sương đã có từng nhóm người dân rủ nhau rời bản đi sâu vào trong rừng tìm đến khe suối có nguồn nước trong để lấy về sinh hoạt.

IMG_7949

Sáng sớm, các em học sinh trường THCS Huồi Tụ đã dậy tranh thủ đi lấy nước 

Một số người dân phản ánh, do đường ống bị nước lũ cuốn mất trong mấy đợt mưa bão vừa qua nên bà con phải đi cả ngày trời mới xách được can nước sạch về nhà.

Video: Nỗ lực khắc phục cơn bão số 10 của dân miền Trung

Khó khăn nhất là một số giáo viên, học sinh trường THCS Huồi Tụ. Ngoài thời gian dạy và học, giáo viên và học sinh ở đây phải tranh thủ đi cõng nước về dùng.

Em Vừ Y Zếnh, người dân tộc Mông cho biết, các em học sinh ở đây đã phải chia phiên nhau đi lấy nước sạch về khu nội trú của mình. Vốn dĩ ở nơi này bình thường nước đã khan hiếm, dịp này liên tục bị mưa lũ nên hệ thống đường ống dẫn nước về khu nội trú nhiều lần bị hỏng.

IMG_7837

Rất đông bà con bản làng ở trung tâm xã Keng Đu phải dùng chung bể nước dẫn từ khe suối xuống 

Được biết, hầu hết bà con sống dọc tuyến biên giới từ khu vực Phà Đánh đi qua Huồi Tụ vào Mường Lống điều kiện nước sinh hoạt gặp khó khăn quanh năm. Muốn có nước sạch sinh hoạt, bà con phải bỏ ra số tiền không nhỏ để lắp đặt đường ống dẫn nước thủ công từ các khe suối về trung tâm của bản.

IMG_2356 11

Nhiều bể nước sinh hoạt của đồng bào miền Tây Nghệ An bỏ hoang sau mùa mưa lũ 

Do địa hình dốc nên hầu như năm nào, bà con cũng gặp phải cảnh lũ ống, lũ quét chồng lên nhau hành hoành. Mỗi trận lũ về kiểu gì hệ thống ống dẫn nước sạch, các tua pin phát điện mini từ các con khe, con suối nhỏ về bản cũng bị cuốn phăng, gây hư hỏng nặng nề.

IMG_7937 3

Các em học sinh chia phiên nhau đi lấy nước về sinh hoạt 

Một thầy giáo có thâm niên gần hai mươi năm cắm bản ở Kỳ Sơn tâm sự, để giúp bản làng cũng như các khu nội trú trường học, chính quyền địa phương cũng đã đầu tư xây dựng cho một hệ thống bể chứa nước sinh hoạt nhưng do địa hình phức tạp nên các bể nước thường xuyên bị khô.

Đáng chú ý, sau nhiều đợt mưa lũ vừa qua xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, nhiều hệ thống ống dẫn nước bị hỏng, nhiều khe suối bị đục, khô hạn nên việc khan hiếm nước sạch cũng là điều dễ hiểu.

IMG_7955 5

Sáng sớm, chỗ nào cũng thấy người dân, học sinh đi lấy nước  

Một giáo viên ở xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) chia sẽ, nhiều khi không có nước, cả 3- 4 thầy cô nội trú dùng chung 1 can nước sạch để đánh răng rửa mặt. Muốn có nước sinh hoạt chung, các giáo viên cũng như các em học sinh phải cắt cử thay phiên nhau vào khe suối lấy nước mang về.

IMG_7830 6

Vừa trông em các bé người dân tộc Khơ Mú vừa tranh thủ đi cỏng nước về nhà

Thầy Nguyễn Đình Hùng, Phó hiệu trưởng trường THCS Huồi Tụ chia sẻ, biết là khó khăn về nước sinh hoạt nhưng do đặc thù của địa hình miền núi đành phải chấp nhận.

“Nhiều khi thấy các em học sinh phải vất vã đi cõng nước sạch về để dùng rất thương, nhưng ở đây, giáo viên, học sinh ai cũng đều chung cảnh ngộ như nhau. Mặc dù “khát nước sạch”, nhưng không vì thế mà để các em phải thiếu cái chữ”, thầy Hùng tâm sự.

IMG_7733 12

Do địa hình dốc nên đồng bào Kỳ Sơn luôn đối mặt khô hạn 

Xuôi theo QL7A về xuôi, hai bên thượng nguồn sông Lam đoạn qua huyện Tương Dương và Con Cuông, nhiều khe suối đổ ra đều có nước đục ngầu. Đó đây người người đi tìm nước sạch. Dọc tuyến đường liên xã của huyện Tương Dương và Kỳ Sơn luôn thấp thoáng bóng dáng sặc sỡ người dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông... đi cõng nước về nhà.

ts 7

Các khe suối từng có nước chảy róc rách, sau lũ đã tan hoang và bị khô hạn 

 Anh Vy Văn Hà, một người dân xã Thạch Gíam (huyện Tương Dương) cho biết, sau cơn bão số 10 vừa qua, khu vực này liên tục mưa nên rất khó để tìm nguồn nước sạch để sinh hoạt. Để có nước sạch về dùng, hầu hết các hộ gia đình ở đây phải tìm vào các khe suối ở xa hơn, hoặc tìm cách lắng nước đục lại để có nước trong, sau đó hứng vào can nhựa mang về.

IMG_2371 10

Người dân Mỹ Lý, Kỳ Sơn không còn cách nào khác phải ra sông Nậm Nơn để lấy nước sinh hoạt 

Theo quan sát của PV VTC News, sau bão lũ vừa qua, một số nơi đường ống bị trôi và gãy đứt từng quảng, muốn làm lại bà con phải dùng ống tre nứa làm theo kiểu dã chiến để dẫn nước về. Nhiều nơi không thể làm đường ống được thì bà con lại phải dùng can nhựa rất vất vã vào rừng tìm nước sạch cỏng về để dùng.

IMG_7833 8

Các bà mẹ già vẫn phải tranh thủ đi lấy nước sạch về dùng 

Một cán bộ UBND huyện Tương Dương cho biết, ở miền núi Nghệ An hiện nay bà con vẫn còn chăn nuôi gia súc gia cầm theo tập quán thả rông, hoặc nhốt dưới sàn nhà nên một số nơi xảy ra ô nhiễm nguồn nước từ việc chăn nuôi kiểu này.

Các lòng hồ thủy điện ở đây bị ô nhiễm một phần cũng do lượng rác thải, phân gia súc, gia cầm gây ra.

IMG_2252 9

Để láy nước sạch, trẻ em trong vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương phải dùng cát để lóng cợn  

Để giúp bà con có nước sạch sinh hoạt sau mùa bão lũ, huyện Tương Dương đã chỉ đạo các cơ sở xã huy động lực lượng giúp bà con các khu dân cư, bản làng, trường học lắp lại các hệ thống ống dẫn nước từ khe suối về các điểm trung tâm.

PHAN SÁNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn