Lùm xùm BOT Cai Lậy: Nếu đối phó kiểu ‘chiến tranh du kích’, dân chưa bao giờ thua

Thời sựChủ Nhật, 03/12/2017 07:12:00 +07:00

Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng, việc doanh nghiệp được hỗ trợ tiền 100 đồng để trả lại tài xế là đối phó kiểu "chiến tranh du kích" và dân thì chưa bao giờ thua.

Để tiếp tục phản đối việc thu phí của trạm BOT Cai Lậy, các tài xế xe tải mua vé 25.000 đồng nhưng đưa nhân viên thu phí 25.100 đồng và nhất quyết đòi trả lại 100 đồng mới chịu cho xe đi.

Để đối phó với cách làm của tài xế, Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tiền mệnh giá 100 đồng để trả lại. Có đủ tiền lẻ 100 đồng, tối 1/12, Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang thu phí trở lại sau gần 20 giờ xả trạm BOT Cai Lậy.

Việc người dân phản ứng bằng cách trả tiền lẻ (hoặc tiền mệnh giá lớn) và doanh nghiệp (được đơn vị nhà nước hỗ trợ) xử lý bằng cách có tiền lẻ đang kéo "cuộc chiến" tại BOT Cai Lậy không có hồi kết.

kxIU5fMRZx-1512221071206 4

Ngày 2/12, BOT Cai Lậy huy động tiền mệnh giá 100 đồng trả lại cho tài xế nhưng vẫn phải xả trạm liên tục.  (Ảnh: Thanh Lâm)

Bình luận về vấn đề này, nhà báo Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: "Đó là cách đối phó với nhau kiểu ngoài chợ, không phải là cách giải quyết vấn đề từ nguồn cơn".

Quan điểm của ông Trần Đăng Tuấn về BOT là nguyên tắc "ăn bánh trả tiền". Có ăn thì trả. Không ăn thì không phải trả. Lẫn lộn giữa nghĩa vụ đóng góp của dân với dịch vụ chung và chuyện dân trả tiền cho dịch vụ có chất lượng cao hơn chính là nguồn cơn mâu thuẫn.

Theo ông Tuấn, khi có hai con đường, một là đường có do dân đóng thuế, hai là đường có do doanh nghiệp bỏ tiền ra, phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng sự lựa chọn của người dân.

"Ăn bánh - hãy trả tiền. Ăn cơm thường - là quyền lợi được đảm bảo sau khi đóng tiền cơm tháng. Lẫn lộn thì dân kêu. Kêu không được người ta tìm cách biểu lộ bất bình gây khó cho thu tiền bằng "mẹo vặt", ông Trần Đăng Tuấn nói.

av1 5

 

Nếu nói về đối phó với nhau kiểu "chiến tranh du kích" thì chắc chắn dân chưa bao giờ thua. 

Nhà báo Trần Đăng Tuấn

"Nếu đối phó lại cũng kiểu tương tự thì càng đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nếu nói về đối phó với nhau kiểu "chiến tranh du kích" thì chắc chắn dân chưa bao giờ thua. Mà "thắng" dân thì lại là cái thua lớn nhất.

Câu chuyện đã đến mức "thua - được" giữa dân và hệ thống quản lý thì không còn là câu chuyện kinh doanh đơn thuần nữa.

Theo cách đó thì dân thiệt, nhà nước thiệt và doanh nghiệp thiệt. Không có win-win, mà chỉ có lost-lost. Cho nên đó không phải là giải pháp. Đó không phải là con đường để có hài hoà xét về góc độ kinh tế, không phải con đường để có đồng thuận xét về góc độ xã hội", nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia thuộc tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) cho rằng: “Nếu làm căng tình trạng sẽ lan rộng ra những BOT lân cận".

Theo ông Đức, tình hình căng thẳng đang diễn ra triền miên giữa BOT Cai Lậy và đội ngũ lái xe qua khu vực BOT chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Có thể thấy, dân phản đối ngày càng gay gắt, nhưng dân không sai luật.

"Ví dụ như việc họ trả tiền lẻ cho thấy họ nghiên cứu rất kỹ về luật. Mức độ căng thẳng không chỉ ở BOT Cai Lậy mà đã lan rộng ra các BOT khác. Bản chất vấn đề ở đây là lực lượng cơ quan chức năng chưa xử lý đúng trọng tâm, trọng điểm.

Tức là họ sai nhưng không sửa từ gốc mà cố níu kéo tài chính. Nên các biện pháp đưa ra chỉ mang tính chất tạm thời", ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, với tình hình “nước sôi lửa bỏng” tại Cai Lậy, một biện pháp hữu hiệu Bộ GTVT cần làm ngay đó là xả trạm. Tất nhiên, đây chỉ là tình thế trước mắt. Trạm BOT Cai Lậy đã đặt sai vị trí và cần phải di dời.

"Đứng trước tình hình này, Bộ GTVT đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Di dời trạm cũng không được mà để thu phí cũng chẳng yên.

Di dời thì phải bồi thường cho nhà đầu tư, đẩy rủi ro cho ngân hàng. Còn tiếp tục thu phí thì đau đầu trước sự phản đối của người dân.

Theo tôi, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là có cuộc đàm phán giữa 3 bên gồm Bộ GTVT, nhà đầu tư và người dân. Trong sự việc này, người dân hoàn toàn không sai. Hơn nữa, chúng ta cần một giải pháp tổng thể giải quyết tất cả các trạm chứ không chỉ là trạm Cai Lậy. Đã sai thì phải sửa, dù sửa rất khó", ông Đức nói.

Trước lo ngại những lùm xùm này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Đức cho rằng: "Khi những lùm xùm này chưa được giải quyết, chủ đầu tư không dám mạo hiểm vào đầu tư. Ngân hàng không dám giải ngân sợ rủi ro, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng kế hoạch phát triển giao thông hạ tầng của Chính phủ". 

Video: Lái xe dùng 'chiêu' mới khi đi qua BOT Cai Lậy

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn