Lũ dữ nhấn chìm Quảng Bình, Hà Tĩnh, dân chuyển quan tài trong biển nước

Thời sựThứ Tư, 16/10/2013 04:20:00 +07:00

(VTC News)-Sau khi càn quét các tỉnh miền Trung, hoàn lưu bão số 11 đang gây ra trận lụt lội kinh hoàng có khả năng không thua kém cơn lũ quét lịch sử năm 2002.

(VTC News) - Sau khi càn quét các tỉnh miền Trung, hoàn lưu bão số 11 đang gây ra trận lụt lội kinh hoàng có khả năng không thua kém cơn lũ quét lịch sử năm 2002, người chết, người mất tích.

Hà Tĩnh: Nước lũ bủa vây khắp nơi, 3 người chết

Địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tỉnh Hà Tĩnh, trong đó các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê… nước lũ đang lên rất nhanh kết hợp lượng mưa lớn liên tục đổ xuống khiến mực nước trên các sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ xấp xỉ báo động 2 và ở mức 12,50m, tại trạm Hòa Duyệt lên trên mức báo động 1 và ở mức 8,20m.

Người dân ở huyện Hương Khê phải sử dụng thuyền để đi lại. Ảnh: CATPHCM
Người dân ở huyện Hương Khê phải sử dụng thuyền để đi lại. Ảnh: CATPHCM

Mưa lớn kéo dài, đặc biệt từ đêm 15 đến sáng 16/10, nước sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi dâng cao, đã khiến cho các xã của huyện Vũ Quang như Đức Lĩnh, Đức Giang, Đức Bồng, Hương Thọ, Ân Phú lũ đang lên nhanh.

Đặc biệt, hai xã vùng thấp trũng, rốn lũ Đức Lĩnh, Đức Giang nhiều thôn xóm đã bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Đường liên xã Ân Phú – Cửa Rào bị chia cắt nhiều đoạn ở Cầu Giồng (Đức Giang), thôn Mỹ Ngọc (Đức Lĩnh). Việc đi lại của người dân 2 xã này rất khó khăn.

Nước lên nhanh, gia súc cũng được khẩn trương sơ tán. Ảnh: LĐ
Nước lên nhanh, gia súc cũng được khẩn trương sơ tán. Ảnh: LĐ 
Tính đến 10h30 ngày 16/10, tại những huyện trên, rất nhiều nhà cửa của dân và công trình công cộng bị sập đổ, hư hỏng nặng; nhiều đoạn đường QL 8A từ thị trấn Tây Sơn lên Cửa khẩu Cầu treo (Hương Sơn) bị ách tắc do sạt lở, nhiều điểm ngập chìm trong nước, nhiều xe ô tô không đi lại được; một số trường học đã bị ngập lụt, trâu bò, lợn gà của người dân cũng theo nước lũ trôi lềnh bềnh trên sông.

Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, ông Võ Văn Phúc cho biết, do lũ quét về nhanh cuốn trôi nhiều ngôi nhà, tài sản. Tại hai xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2, 3 người tử vong.

Tại huyện Vũ Quang, ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên địa bàn có hai người may mắn thoát chết trong gang tấc.

Được biết, do nước lũ cuốn trôi trâu bò, hai người đàn ông bơi theo để vớt lại tài sản bị nước nhấn chìm. Rất may một người bỏ của bơi vào bờ còn một người khác ngồi trên lưng bò xuôi theo dòng nước được người dân cứu kịp thời.
TP Hà Tĩnh chìm trong biển nước
TP Hà Tĩnh chìm trong biển nước. Ảnh: VNN

Tại TP Hà Tĩnh, trước tình hình cấp bách nước nhấn chìm nhiều tuyến phố, các trường học trên địa bàn thông báo cho phụ huynh đến đón con trước 12h trưa.

Tại nhiều tuyến phố, xe máy, xe ô tô chết máy la liệt. Rất nhiều phụ huynh phải để xe ở lại cơ quan lội bộ hàng km để đến trường kịp đón con.

Quảng Bình: 4 người chết, 22 người bị thương, 40% nhà đổ sập hoàn toàn

Tại Quảng Bình, sáng 16/10, ông Đậu Minh Ngọc – Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết lúc 1h sáng cùng ngày, một trận lốc lớn đã quét qua hai thôn Linh Cận Sơn và Hà Sơn (xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch) làm 2 người chết là Mai Phụ và Phan Sơn (đều 50 tuổi, trú thôn Linh Cận Sơn) và 22 người bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Hiện các trường học ven các con sông ở Quảng Bình đang bị ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: GD& TĐ
Hiện các trường học ven các con sông ở Quảng Bình đang bị ngập sâu trong nước lũ. 

Lốc lớn cũng đã làm 40% nhà dân bị sập đổ hoàn toàn và 100% nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Tại thôn Hà Sơn, do mưa lớn kéo dài từ ngày 15/10 nên gây lũ, thôn bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.
Nước lũ dâng cao gần ngập nóc nhà ở Quảng Bình. Ảnh: VNN
Nước lũ dâng cao gần ngập nóc nhà ở Quảng Bình. Ảnh: VNN 
Hiện cơ quan chức năng đang huy động tất cả các lực lượng vào những nơi bị lốc xoáy, lũ chia cắt để di tản người dân, tài sản đến những nơi an toàn, đồng thời giúp dân khắc phục hậu quả.

Hiện các trường học ven các con sông ở Quảng Bình đang bị ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: GD& TĐ
Hiện các trường học ven các con sông ở Quảng Bình đang bị ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: GD& TĐ

Cũng tại Quảng Bình, sáng 16/10, hai cô giáo Nguyễn Thị Lộc (SN 1974, trú xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) và Nguyễn Thị Đinh Hương (SN 1977, trú phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới) trong lúc đến điểm công tác ở Trường tiểu học xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã bị nước cuốn trôi. Hiện công tác tìm kiếm hai cô giáo bị lũ cuốn trôi vẫn đang được tiếp tục.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đang có mặt tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết vào sáng nay: Sau hai ngày mưa lớn, đặc biệt là tối qua và hôm nay, tầm nhìn trong mưa chỉ có mấy chục mét. Quảng Bình đã chìm trong lũ lớn, đặc biệt là các địa phương vùng đầu nguồn sông Son, sông Gianh.
Quan tài người chết ở xã Quảng Sơn đang được thanh niên khẩn cấp di chuyển ra khỏi vùng ngập lũ. Hình từ blog Nguyễn Quang Vinh.
Quan tài người chết ở xã Quảng Sơn đang được thanh niên khẩn cấp di chuyển ra khỏi vùng ngập lũ. Hình từ blog Nguyễn Quang Vinh. 

“Xã Phúc Trạch ngập trắng, xã Quảng Sơn hàng chục nhà sập. Quan tài người chết ở xã Quảng Sơn đang được thanh niên khẩn cấp di chuyển ra khỏi vùng ngập lũ. Tình hình rất nguy cấp”, nhà văn chia sẻ. “Bà con qua cơn bão số 10 chưa kịp hồi sức, nhà cửa vẫn còn tạm bợ, nay dồn thêm cơn lốc và lũ lớn nữa thì không biết sẽ ra sao”.


Nghệ An: Lũ trên các con sông trên báo động 3

Tại Nghệ An, hoàn lưu bão số 11 kết hợp gió mùa đông bắc gây mưa lũ trên nhiều con sông ở tỉnh này. Theo tin mới nhất Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình đang lên nhanh, riêng sông Gianh tại Mai Hoá (huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình) có khả năng xảy ra lũ đặc biệt lớn với 8,5m, tức là trên báo động 3 tới 2 m.

Khu vực ở thị trấn Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, bị ngập lụt nặng trong cơn bão số 10 vừa qua - Ảnh: NLĐ
Khu vực ở thị trấn Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, bị ngập lụt nặng trong cơn bão số 10 vừa qua - Ảnh: NLĐ 
Quảng Nam:25 người bị thương, hơn 3.500 ngôi nhà bị hư hỏng

Tại Quảng Nam, bão số 11 đã gây nhiều thiệt hại cho toàn huyện Đại Lộc, hiện nay, ở nhiều khu vực trong huyện nước lũ vẫn chưa rút. Theo thống kê, bão đã làm 25 người bị thương, hơn 3.500 ngôi nhà và nhiều trụ sở cơ quan bị xiêu vẹo và tốc mái, hư hỏng.

Hiện một số xã của huyện Đại Lộc vẫn ngập trong lũ. Ảnh: Chinhphu.vn
Hiện một số xã của huyện Đại Lộc vẫn ngập trong lũ. Ảnh: Chinhphu.vn

Rất nhiều cây cối, hoa màu của người dân tại vùng rau màu Đại Lộc bị thiệt hại nặng. Theo thống kê, hiện có trên 650 ha chuối vườn bị đổ ngã hoàn toàn; hơn 50 ha rau màu các loại bị hư hại, hơn 1.000 ha cây lâm nghiệp bị đổ gãy.

Gió bão đã làm cho hệ thống thông tin liên lạc ở đây bị gián đoạn, gây khó khăn trong quá trình thông tin liên lạc để chỉ đạo công tác khắc phục bão và phòng chống lũ.

Sáng 16/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm vùng lũ huyện Đại Lộc (Quảng Nam), nơi bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 11.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 11, cộng với mực nước dâng cao sau cơn bão số 10, hàng loạt hồ chứa ở miền Trung đã bắt buộc phải xả lũ.

Để chủ động đối phó và xử lý kịp thời những sự cố do mưa lũ gây ra, sáng 16/10, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đã có công điện khẩn số 79/CĐ-TW, gửi các bộ, ngành; các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Công điện yêu cầu các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở vùng trũng, thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở cao, lũ quét, đặc biệt các khu vực đang có diễn biến sạt lở, tiến hành sơ tán dân để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Phải bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các nơi bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.

Tổ chức kiểm tra hồ, đập trên địa bàn; bố trí lực lượng trực tại các công trình xung yếu, phát hiện và xử lý ngay các sự cố; sẵn sàng triển khai phương án an toàn hạ du trong mọi tình huống. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Diệp Vy (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn