Lãnh đạo quản lý bay không dự bình giảng an toàn sau sự cố 'hạ cánh nhầm'

Thời sựThứ Tư, 20/06/2018 16:08:00 +07:00

Sau sự cố máy bay “hạ nhầm vào đường băng chưa khai thác”, ngày 30/5, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức hội nghị bình giảng an toàn hàng không gồm rất nhiều đơn vị liên quan, nhưng lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam không ai tham dự.

Ngày 29/4, một máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines đã hạ nhầm vào đường băng chưa khai thác ở sân bay Cam Ranh khiến hàng trăm hành khách một phen hú vía.

VATM

 Đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: VATM

Theo các chuyên gia hàng không, việc máy bay tiếp đất trên đường băng chưa được khai khác là trạng thái hàng không rất nghiêm trọng và có thể xảy ra hậu quả khôn lường.

Vụ việc nghiêm trọng đến mức, ngày 30/4, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo vụ việc lên Thủ tướng, đồng thời gửi văn bản chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không trong nước… tăng cường kiểm tra công tác không lưu cũng như các tổ lái để hoạt động bay được an toàn tuyệt đối.

Tránh để lặp lại những sự cố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không tương tự, ngày 30/5, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức hội nghị bình giảng về sự cố chuyến bay VN7344 “hạ cánh nhầm”. Nhưng, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) lại không ai tham dự.

Ông Đoàn Hữu Gia, Tổng giám đốc Công ty Quản lý bay Việt Nam, cho biết sau khi nhận văn bản của Cục Hàng không, đã cử các cán bộ thuộc Ban An toàn – An ninh, Công ty Quản lý bay miền Nam, Đài kiểm soát không lưu Cam Ranh tham dự cùng Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đình Công.

“Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đình Công đã không tham dự hội nghị bình giảng do phải tham dự Đại hội công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam”, ông Gia cho biết trong văn bản gửi Cục Hàng không ngày 5/6.

Trong bản giải trình về việc vắng mặt tại hội nghị bình giảng an toàn hàng không sau sự cố, ông Nguyễn Đình Công xác nhận ngày 25/5, được ông Đoàn Hữu Gia cử thay mặt Tổng công ty Quản lý bay dự hội nghị. Nhưng do bận dự phiên họp của Ban chấp hành Công đoàn Giao thông vận tải nên ông Công đã vắng mặt.

Trước đó, ông Công cho hay đã thông báo với ông Ngô Thế Vinh là Trưởng ban An toàn - An ninh để ông Vinh báo cáo với Tổng giám đốc và lãnh đạo Cục Hàng không.

A1 3

 Ông Đoàn Hữu Gia - Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (phải) và ông Nguyễn Văn Thược – Trưởng ban kiểm soát nội bộ Tổng công ty. Ảnh: H.Hưng

Trả lời PV VTC News chiều 19/6, ông Đoàn Hữu Gia khẳng định không nhận được báo cáo của ông Công.

Ông Gia cũng xác nhận hiện đang là người phụ trách về an toàn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Ông Đoàn Hữu Gia sinh năm 1962, là kỹ sư Không lưu, Học viện Hàng không St. Peterburgs, Liên bang Nga. Ông Gia từng giữ các chức vụ Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung và Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trước khi được bổ nhiệm là Tổng giám đốc VATM vào tháng 8/2017.

Thời gian gần đây, có phản ánh cho rằng có sự bất hợp lý về mức lương của kiểm soát viên không lưu tại Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Trong khi, lương của kiểm soát viên có thâm niên 10 năm kinh nghiệm chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng, ngang với một phó phòng “ăn trắng mặc trơn” đi làm hành chính ở công ty thành viên.

Trao đổi với các cơ quan báo chí chiều 19/6, ông Đoàn Hữu Gia cho biết mức lương của mình hiện chỉ là 36 triệu đồng/tháng.

“Lương 30 triệu đồng với Tổng công ty là rất cao, lương Tổng giám đốc của tôi là 36 triệu đồng”, ông Gia nói và cho biết mức lương này phù hợp quy định nhà nước, chính sách xã hội.

Theo Báo cáo tình hình quản trị năm 2016 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, thu nhập của 12 thành viên đảm nhiệm công tác quản lý được tính bao gồm: tiền lương cơ bản, tiền thưởng an toàn hàng không và tiền thưởng 1,5 tháng lương nhờ kết quả hoạt động xuất sắc của doanh nghiệp.

Bình quân mỗi tháng viên chức quản lý nhận số tiền 73,75 triệu đồng, vượt xa kế hoạch 57,16 triệu đồng đề ra trước đó và tăng thêm 34% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng ông Đinh Việt Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên (hiện là Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam) là người nhận mức lương thưởng cao nhất lên đến 82,45 triệu đồng, tương đương xấp xỉ 1 tỷ đồng một năm. Chức vụ kế toán trưởng ghi nhận mức thu nhập cao nhất là 67,7 triệu đồng mỗi tháng.

Trong năm 2016, VATM đã chi 10,1 tỷ đồng tiền lương thưởng cho viên chức quản lý, nhiều hơn gần 1,8 tỷ đồng so với tổng quỹ lương thưởng đề xuất.

Video: Giám đốc tại Thanh Hóa bổ nhiệm hàng loạt lãnh đạo trái quy định

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn