Kiểm điểm 12 người gây oan sai cho ông Nén: ĐBQH, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN nói gì?

Thời sựThứ Năm, 23/11/2017 11:55:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã lên tiếng trước thông tin nói về việc xem xét kiểm điểm trách nhiệm 12 cá nhân làm oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận).

Vừa qua, việc xem xét kiểm điểm trách nhiệm 12 cá nhân làm oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) đã khiến dư luận quan tâm. 

Trả lời VTC News, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị phải sớm làm rõ trách nhiệm từng cá nhân trong việc gây ra oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén. 

do ngoc thinh

 Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã thành lập Tổ công tác để thực hiện việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan trong việc điều tra, truy tố, xét xử để xảy ra việc oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén. Tuy nhiên, dư luận cho rằng chỉ tổ chức kiểm điểm với các cán bộ đã về hưu thì có phải là hình thức không, thưa ông?

Về mặt Đảng, việc tiến hành kiểm điểm là đúng quy trình. Trên cơ sở kết luận kiểm điểm theo các quy định của Đảng thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể căn cứ vào đó để xác định trách nhiệm theo quy định của luật pháp.

Trong trường hợp về mặt Đảng có những vi phạm nghiêm trọng thì mức độ cao nhất có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân này.

- Nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng, nhân vật chính trong vụ án oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén lại không nằm trong danh sách bị kiểm điểm liệu có hợp lý?

Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận chỉ kiểm điểm những cán bộ mà Thường vụ quản lý. Còn ông Cao Văn Hùng không nằm trong danh sách đó thì các cấp thẩm quyền ở dưới sẽ triển khai việc kiểm điểm chứ không phải ông Cao Văn Hùng không phải chịu trách nhiệm gì.

Không có chuyện các cơ quan nhà nước bỏ sót trách nhiệm của ông Cao Văn Hùng.

- Việc để xảy ra oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén thì đã được kết luận. Tuy nhiên, tại sao đến hiện tại thì Cục điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vẫn chưa đưa ra quyết định truy tố bất kỳ cá nhân nào, thưa ông?

Sau khi đã xác định có trách nhiệm trong việc để xảy ra oan sai, các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bồi thường theo Luật bồi thường trách nhiệm nhà nước thì các cơ quan tố tụng sẽ làm.

Còn việc để chậm hay không, bên nào làm chậm thì bên ấy sẽ phải chịu trách nhiệm.

Cần phải xem lại thời hạn quy định xem có phải chậm đưa ra khởi tố thật hay không. Vấn đề này phải theo thủ tục tố tụng chứ không phải cứ xảy ra oan sai thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Trong vụ việc để xảy ra oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén thì việc xác định trách nhiệm cụ thể của các cán bộ liên quan có bị chậm không, thưa ông?

Tôi nghĩ là sau khi có kết luận oan sai, có việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì các cơ quan Nhà nước phải vào việc một cách khẩn trương.

Không những phải bồi thường thiệt hại cho những người bị làm oan sai mà phải xác định trách nhiệm của những người gây ra oan sai đó.

Tôi cho rằng, trong vụ việc này, khi các cơ quan Nhà nước đã kết luận là có oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén nhưng không triển khai ngay xác định trách nhiệm các cán bộ liên quan như vậy là chậm.

Tôi đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm vào cuộc để xác định trách nhiệm của những người trực tiếp gây ra oan sai sau khi đã tiến hành các thủ tục kết luận oan sai, bồi thường oan sai.

Video: Bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén thế nào?

- Thưa ông, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng rất khó có thể xác định được người gây ra oan sai cố ý hay là vô ý?

Ở đây là làm rõ lỗi cố ý. Tuy nhiên, thậm chí không phải lỗi cố ý thì cũng phải xác định trách nhiệm. Trách nhiệm đến đâu, như thế nào thì cần các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Điều này không thể kết luận vội vàng vì nhiều trường hợp các cơ quan Nhà nước tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục nhưng không biết rõ hậu quả về việc gây thiệt hại cho những người bị oan sai.

- Việc xác định cụ thể trách nhiệm cán bộ gây ra oan sai có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Xác định trách nhiệm gây ra oan sai để đáp ứng đòi hỏi của công lý, sự chờ đợi của dư luận xã hội. Người nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước xã hội.

Người nào gây ra oan sai cũng phải có trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường.

- Rất nhiều vụ việc đã kết luận gây ra oan sai nhưng rất ít cán bộ bị khởi tố, thưa ông?

Việc có khởi tố hay không phải đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Phải đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì mới bị khởi tố.

Ngoài ra, những trường hợp vi phạm khác nhẹ hơn có thể bị xử lý về mặt hành chính.

- Việc bồi thường oan sai hiện nay vẫn lấy từ Ngân sách Nhà nước trong khi các cán bộ liên quan vẫn không phải bồi thường dẫn đến việc “cha chung không ai khóc” thưa ông?

Vấn đề hiện nay xã hội đang đòi hỏi là ai gây ra thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường lại bằng như thế.

Nhưng trước mắt, trong Luật bồi thường Trách nhiệm Nhà nước thì Nhà nước đứng ra tạm ứng còn nhiều người gây ra oan sai phải chịu trách nhiệm và phải trả lại.

Nhưng thực tế, cơ chế đó hiện nay còn rất mờ nhạt. Nhẽ ra những người gây ra oan sai phải chịu trách nhiệm bồi thường không những về danh dự mà còn phải về vật chất.

Việc đó mới đảm bảo công bằng, công lý. Nhưng việc bồi thường trong thực tế là vấn đề khó và phức tạp.

Đòi hỏi của công lý, luật pháp, đòi hỏi của người dân là cán bộ khi gây ra thiệt hại cho người khác thì phải có trách nhiệm tương ứng. Như vậy, nhân dân mới tin vào luật pháp. Từ đó, các cán bộ cũng nâng cao trách nhiệm để hạn chế việc gây ra thiệt hại, gây oan sai cho người khác.

- Tuy nhiên trong trường hợp xác định được trách nhiệm của các cán bộ gây ra oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén nhưng họ không có khả năng tài chính để trả khoản bồi thường đó thì sao, thưa ông?

Khi đó, các cơ quan Nhà nước cần xác định cụ thể những người đó có tiền hay không. Không thể nói là không có đồng tiền nào. Vì anh sống, làm việc thì cũng phải có tiền không ít thì nhiều.

Dù là xác định người gây ra oan sai không có tiền thì vẫn phải xác định trách nhiệm phải trả, bồi thường cho nhà nước.

- Thực tế, cán bộ gây ra oan sai nhưng chưa thấy ai phải bồi thường, thưa ông?

Tôi không đồng tình với thực tế đó. Gây ra oan sai là phải chịu trách nhiệm.

Ví dụ trong vụ gây ra oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén, điều tra viên Cao Văn Hùng gây ra chuyện đó thì phải chịu trách nhiệm bồi thường về vật chất, trả lại cho Nhà nước số tiền mà Nhà nước đã trả cho ông Huỳnh Văn Nén.

Ông Hùng phải chịu trách nhiệm một phần quan trọng trong bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén vì là điều tra viên chính trong vụ việc. Tất nhiên, để xảy ra oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén còn rất nhiều các cá nhân khác.

Những người này đều phải có trách nhiệm bồi thường tiền cho ông Huỳnh Văn Nén mới là đúng.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn