Kịch bản biến đổi khí hậu bỏ quên mưa đá?

Thời sựThứ Năm, 02/05/2013 07:49:00 +07:00

(VTC News) - Theo kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật, mực nước biển dâng từ 57-73cm, riêng khu vực Cà Mau và Kiên Giang có mực nước biển dâng cao hơn.

(VTC News) - Theo kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật, mực nước biển dâng từ 57-73cm, riêng khu vực Cà Mau và Kiên Giang có mực nước biển dâng cao hơn các khu vực khác.


Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) dễ nhận thấy nhất là sức nóng vào mùa hè, hay thời tiết lạnh giá vào mùa đông đã trở nên cực đoan, khiến người Hà Nội sinh hoạt ngày một khó khăn; canh tác, chăn nuôi cũng dễ thất bại...


PGS. TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường khẳng định, mặc dù không thể lượng hóa thành con số cụ thể, song chắc chắn rằng, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang ngày một nặng nề hơn.

Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương thì trong 5 năm qua (2008-2012), thiệt hại do thiên tai về tài sản ước tính gần 74.000 tỷ đồng, tăng trên 19.300 tỷ đồng so với 5 năm trước. Tỷ lệ thiệt hại về tài sản so với tổng sản phẩm quốc nội thời kỳ 2008-2012 là 1,48% GDP/năm, trong đó tỷ lệ tương ứng của năm thấp nhất (2011) là 0,94% GDP, năm cao nhất (2009) là 2, 47% GDP.

Trong khi đó, những nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, tốc độ của biến đổi khí hậu cũng đang nhanh hơn. Việc phát thải khí nhà kính nhiều hơn, khiến nhiệt độ tăng nhanh là nguyên nhân khiến tốc độ biến đổi khí hậu nhanh hơn so với dự báo, ông Thục lý giải.

biến đổi khí hậu
Trong 5 năm qua (2008-2012), thiệt hại do thiên tai về tài sản ước tính gần 74.000 tỷ đồng, tăng trên 19.300 tỷ đồng so với 5 năm trước (Ảnh: Internet) 

Kịch bản biến đổi khí hậu chưa đề cập tới mưa đá


Mưa đá trong thời gian vừa qua gây rất nhiều bức xúc trong dân chúng. Một số tỉnh phía Bắc hay xảy ra mưa đá như Lào Cai, thậm chí Nghệ An, Hà Tĩnh cũng có mưa đá. Ngồi ở Hà Nội thì sẽ khó tưởng tượng mưa đá có tác hại như thế nào, nhưng nếu đến những nơi xảy ra mưa đá sẽ thấy thậm chí có những cục đá to như cái bát rơi xuống, đi kèm với đó là gió to nên tác động rất lớn.

Nhà cửa tốc hết mái, còn hoa màu thì tan nát hết. Mưa đá không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn gây hại tới tính mạng của con người. Rất khó trả lời chuyện mưa đá có phải do biến đổi khí hậu gây ra hay không bởi vì chưa có nghiên cứu nào trên thế giới nói rõ mưa đá trong thời gian vừa qua là do biến đổi khí hậu gây ra.

mưa đá
Mưa đá không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn gây hại tới tính mạng của con người 

Trong kịch bản biến đổi khí hậu, chúng tôi cũng đã đề cập tới các hiện tượng thiên tai như giông, tố, lốc…và mưa đá thì không ghi nhưng nó thuộc các hiện tượng khí hậu cực đoan đi kèm. Theo phân tích của tôi, khi nhiệt độ gia tăng sẽ làm cho mức độ bất ổn định, lượng hơi nước trong khí quyển tăng lên. Tất cả mọi thứ đảo lộn thì nhiều khả năng mưa đá sẽ xảy ra.


Tuy nhiên, theo ông Trương Đức Trí – Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, hiện tại chỉ mới có 43 trên tổng số 65 tỉnh thành phố ban hành kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu.

Dự báo sai là do nhân lực kém?

Nói về việc thu thập nhân tài làm công tác dự báo, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Phạm Văn Đức cho rằng phải thông qua cái đầu của con người mới có thể đưa ra những thông tin dự báo tốt.

“Việc thu thập nhân tài làm công tác dự báo là bài toán cực khó giải cho ngành khí tượng thủy văn. Hiện nay, thu nhập của những người làm ở lĩnh vực khí tượng thủy văn gần như thấp nhất trong xã hội nếu tính trung bình theo từng cấp độ trình độ từ sơ cấp, trung cấp tới đại học và trên đại học.

 

Cần phải từng bước nâng cấp trình độ của các cán bộ, chuyên gia làm trong ngành khí tượng thủy văn để chất lượng các bản tin dự báo được nâng lên theo.

Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Phạm Văn Đức
 
Trong thời đại kinh tế này, rất khó để thu hút những học sinh giỏi theo học ngành khí tượng thủy văn.

Một dẫn chứng dễ nhận thấy là khung điểm chuẩn của khoa khí tượng thủy văn tại nhiều trường ở Việt Nam thường là điểm thấp nhất của các trường, thậm chí nhiều khi chỉ ở mức điểm sàn. Với đầu vào như vậy, chúng ta thấy ngay gặp vấn đề về đào tạo con người.


Còn để thu hút các nhà khoa học đã nổi tiếng rồi ở những lĩnh vực khác vào làm trong ngành khí tượng thủy văn, đúng là rất cần, nhưng các giáo sư về toán, lý cũng phải học về khí tượng thủy văn thì mới làm khí tượng thủy văn được.

Nếu không, họ chỉ có thể trợ giúp giải các bài toán về khí tượng thủy văn mà các chuyên gia khí tượng thủy văn đặt ra đầu bài. Tiền là một phần, nhưng con người để “tiêu hóa” hết những đầu tư mới còn quan trọng hơn.

Cần phải từng bước nâng cấp trình độ của các cán bộ, chuyên gia làm trong ngành khí tượng thủy văn để chất lượng các bản tin dự báo được nâng lên theo”, ông Đức nói.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cập nhật chi tiết năm 2012 được Bộ Tài nguyên và Môi trường mới công bố, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tăng 2-3°C trên phần lớn diện tích cả nước, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với các nơi khác. Đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm tăng từ 2-7%, khu vực Tây Nguyên có mức tăng thấp hơn.

Về nước biển dâng, vào cuối thế kỷ 21, ở ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng từ 57-73cm, khu vực Cà Mau và Kiên Giang có mực nước biển tăng cao hơn so với các khu vực khác.



Minh Quân


Bình luận
vtcnews.vn