Không thể tiếp tục đòi dân hy sinh quyền lợi

Thời sựThứ Tư, 29/05/2013 01:07:00 +07:00

(VTC News) - Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta không thể tiếp tục đòi hỏi dân hy sinh quyền lợi của mình vì bất cứ lý do gì.

(VTC News) - Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta không thể tiếp tục đòi hỏi dân hy sinh quyền lợi của mình vì bất cứ lý do gì.

Dư luận xôn xao chuyện một số người dân Đường Lâm làm đơn xin trả lại danh hiệu Di sản quốc gia làng cổ đầu tiên của Việt Nam cho Nhà nước.

Mới nghe thì thật là khó hiểu, vì có mấy làng ở nước ta có vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý như thế đâu. Tự hào  lắm chứ.

  không chỉ là tự hào, mà còn có lợi nữa. Trong thời buổi  này, có danh hiệu, càng nổi tiếng, càng thu hút được thêm nhiều khách du lịch, là càng có nhiều tiền.

Nghĩa là  khi đã có danh thì cũng dễ có cả lợi, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Sao nhiều người Đường Lâm lại muốn trả lại danh hiệu vinh dự ấy cho Nhà nước?

Nguyên nhân hóa ra không có  gì phức tạp: Bởi vì lợi ích từ việc được phong danh hiệu nói trên lại không rơi vào túi những người dân làng cổ Đường Lâm, những chủ thể đã tạo nên, giữ gìn và bảo vệ chính di tích này suốt hàng ngàn năm qua, mà chủ yếu rơi vào một nhóm người có quyền quản lý và kinh doanh ở đây.

Ngôi nhà ở làng cổ Đường Lâm

Nếu chỉ có vậy thì những người dân làng cổ cũng chưa đến nỗi phải giận dỗi với Nhà nước như  thế. Vấn đề là ở chỗ, từ sau khi làng Đường Lâm được phong là Di sản của quốc gia thì đời sống củanhiều người dân ở  đây lại đi xuống, thậm chí bị khó khăn hơn trước rất nhiều.

Một trong các lý do là, đã là Di sản quốc gia thì người dân không còn được tự do sửa chữa nhà cửa, công trình vệ sinh theo nhu cầu của mình như trước nữa, mà phải xin phép chính quyền với nhiều thủ tục nhiêu khê và chậm trễ, đến nỗi Bí thư thành ủy Hà Nội còn phải thân chinh xin lỗi người dân về “sự cố Đường Lâm”  này.

Không ai nghi ngờ gì về sự đúng đắn của Nhà nước khi phong danh hiệu di tích quốc gia cho làng cổ Đường Lâm, chỉ có điều dáng buồn nhất là chính những người dân ở đây lại đang khổ vì quyết định này.

Câu chuyện trên ở Đường Lâm chỉ là một ví dụ trong muôn vàn sự cố khác nhau (nhiều nhất là trong lĩnh vực đền bù giải tỏa mặt bằng, thu hồi đất đai…) gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Song cùng giống  nhau ở một điểm khiến chúng ta phải suy nghĩ: Có không ít những người dân đã là nạn nhân thiệt thòi của chính những quyết định của các cấp chính quyền, dù cho những quyết định ấy suy cho cùng hoàn toàn là vì sự phát triển cho đất nước.

Rõ ràng là chừng nào những quyết định của chính quyền còn có khả năng gây phương hại cho cuộc sống những người dân nào đó, thì dù các quyết định ấy có vì  mục đích gì đi nữa và dựa trên luật lệ gì đi nữa, cũng sẽ làm cho những người dân đó không ủng hộ, thậm chí còn làm cho họ mâu thuẫn với chính quyền.

Nhiều người cho rằng, vì sự phát triển chung của đất nước thì việc một số người phải hy sinh một số quyền lợi cá nhân cũng là điều dễ  hiểu, và cũng là cần thiết.

Song có lẽ đã đến lúc phải thận trọng với thói quen này, tránh sự lạm dụng để bắt người dân phải hy sinh lợi ích chính đáng của họ.

Thời chiến tranh, khi đắt nước bị xâm lược, chúng ta “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước…”. Ngày nay, mọi người dân Việt Nam và nhất là những chiến sỹ quân đội và công an vẫ luôn sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình để bảo vệ Tổ quốc.

 Lòng yêu nước của người dân việt Nam muôn đời vẫn vậy, đó là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta như Bác Hồ đã tổng kết, không ai có thể nghi ngờ.

Tuy nhiên, đối với việc xây dựng phát triển, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường (nguyên tắc của thị trường là muốn có cái gì thì phải trả giá sòng phẳng) định hướng xã hội chủ nghĩa, sau khi đất nước đã hòa bình thống nhất gần 40 năm, chúng ta không còn có quyền đòi hỏi người dân phải  hy sinh quyền lợi của họ vì bất cứ lý do gì, kể cả là vì sự phát triển đất nước. Đương nhiên là nếu vì lợi ích của chỉ một nhóm người nào đó thì càng không thể hy sinh quyền lợi của bất cứ người dân nào được.

Tại sao vậy?

Vì sự phát triển trong kinh tế thị trường được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất,  là làm thay đổi tình trạng của một đối tượng (ví dụ một ngành, một địa phương, một tổ chức…, hay cả quốc gia) để tạo ra một tình trạng mới tốt hơn (nhiều về số  lượng, cao chất lượng hoặc cả hai…) sau khi đã trả đủ mọi chi phí bù đắp các thiệt hại nếu có do sự thay đổi ấy gây ra.

Vì vậy, mọi quyết định của các cấp thực sự đúng đắn cho sự phát triển của đất nước phải là những quyết định không chỉ tạo ra tình trạng chung tốt hơn trước mà còn phải đảm bảo “không ai bị gạt ra khỏi quá trình phát triển”, không ai bị nghèo đi vì sự phát triển của bất cứ đối tượng nào. Quyết định một phương án phát triển không đủ bù dắp chi phí thiệt hại cho người dân thì không thể là quyết định đúng đắn được.

Phát triển, nói ngắn gọn, là tạo ra cái mới tốt hơn cái cũ, sau khi đã bù đắp đủ mọi chi phí đảm bảo cho không ai  phải sống tồi đi hơn trước.

Trở lại ví dụ ở Đường Lâm, chỉ khi nào người ta trả đủ cho dân Đường Lâm các chi phí bù đắp thiệt hại của họ khi làng cổ được phong Di sản (như chỗ ở chật hẹp không được xây dựng cao to hơn, chịu tiếng ồn khi khách du lịch đến v.v…) thì người dân mới thôi bức xúc.

Không những thế, một cách sòng phẳng, chỉ khi nào những người dân ở đây – những chủ thể tạo dựng và bảo vệ làng cổ, được hưởng phần xứng đáng (tỷ lệ thuận với những phiền hà mà họ phải gánh chịu) từ những lợi ích phát sinh do làng cổ được phong Di sản, thì người dân mới  thực sự ủng hộ và tự hào về việc làng mình được phong Di sản.

Theo chủ trương của Đảng, chúng ta đang làm tất cả để phát triển bền vững đất nước, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Song rất tiếc là, nhiều nơi, quan điểm phát triển bền vững của Đảng đã không được thực hiện nghiêm túc, quan điểm Nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì  nhân dân’ đôi khi cũng bị người ta cố tình quên mất.

Vì thế, không thiếu ví dụ về việc một nơi nào đó hôm nay đã có một hay nhiều công trình to đẹp hơn đươc xây dựng lên, song bên cạnh đó là không ít người dân đã phải sống một cuộc sống tồi tệ hơn trước.

Những người dân “bị gạt ra lề của sự phát triển” này không vui vẻ gì với sự “phát triển” ngay bên cạnh họ. Không ít những người dân này bức xúc, thậm chí thù ghét chính quyền, bởi chính do những quyết định của chính quyền  mà cuộc sống của  họ bị tồi đi. Đây là  nguyên  nhân chính của hàng núi đơn thư kiện tụng của người dân đang tồn đọng trên bàn của các cấp chính quyền từ cơ sở đến Trung ương.

Tình hình trên đòi hỏi các cấp chính quyền đều phải thực hiện triệt để nguyên tắc phát triển bền vững của Đảng trong mọi quyết định của mình.

Theo đó, không chấp nhận bất cứ một phương án phát triển nào không đủ bù đắp thiệt hại gây ra cho người dân khi thực hiện phương án ấy.

Chừng nào không thực hiện nghiêm nguyên tắc này, bức xúc của người dân sẽ còn nảy sinh, và lãnh đạo các cấp sẽ còn phải “xin lỗi’ dài dài, và còn hơn thế nữa...

Sỹ Văn
Bình luận
vtcnews.vn