Hai người chết khi chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 6

Thời sựThứ Hai, 11/11/2019 10:37:00 +07:00

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đến nay có 2 người chết do chằng chống nhà cửa trước khi bão số 6 đổ bộ.

Sáng 11/11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức họp đánh giá thiệt hại và nguy cơ sau bão số 6.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, sơ bộ đánh giá ban đầu thiệt hại do bão số 6 gây ra không lớn. Tuy nhiên, có 2 người chết do bị tai nạn trong lúc chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 6. Trong đó, 1 người ở Phú Yên bị điện giật và 1 người ở Bình Định bị trượt chân ngã thiệt mạng.

Mất điện cục bộ xảy ra ở tỉnh Phú Yên, đến nay, vẫn còn 44/112 xã bị mất điện. Tại Bình Định, 250m bờ sông, suối bị sạt lở; 3 tàu cá bị hư hỏng, hiện đang được các tàu bạn lai dắt về bờ (dự kiến 3 - 4 ngày tới mới vào đến bờ). 

Tại thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hoà), có 100m kênh mương bị hư hỏng; 40m đường giao thông bị sạt lở; 350ha lúa, hoa màu bị ngập; thiệt hại 10 bè nuôi trồng thủy hải sản; đặc biệt 2 thuyền bị chìm do đứt dây neo.

Tuy nhiên, thống kê thiệt hại trên mới chỉ là ban đầu. Theo đánh giá của Văn phòng Thường trực Trung ương về Phòng, chống thiên tai, mưa lớn trong 2 ngày tới sẽ khiến thiệt hại còn có khả năng lớn hơn. 

bao so 6

  Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức họp đánh giá thiệt hại và nguy cơ sau bão số 6.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, sáng nay (11/11), áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 6 tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

Hồi 7h, vị trí tâm vùng áp thấp ở trên khu vực phía Nam của Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Trong 6h tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và tan dần.

Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9. Nơi có gió giật cấp 9 đo được ở Tuy Hòa (Phú Yên) và An Nhơn (Bình Định). Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-250mm, một số nơi có lượng mưa cao hơn như Sông Hinh (Phú Yên) 335mm, Hòa Sơn (Khánh Hòa), 226mm, Ea M doan (Đắc Lắk) 325mm, M Drak (Đắc Lắk) 306mm.

Từ nay đến 12/11, các tỉnh/thành từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa vừa, có nơi mưa to (lượng mưa phổ biến 30-60mm/24 giờ, có nơi trên 80mm/24 giờ); riêng Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 70-120mm/24 giờ có nơi trên 150mm/24 giờ).

Tình hình mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp ở các tỉnh Trung Bộ còn diễn biến phức tạp.

Video: Nhìn lại trận đại hồng thủy 20 năm trước ở miền Trung

Trương Huyền
Bình luận
vtcnews.vn