Hà Nội: Bí ẩn thương vụ gỗ sưa trị giá triệu đô

Thời sựThứ Bảy, 30/10/2010 08:53:00 +07:00

(VTC News) - Số gỗ sưa được cắt ra từ một cây sưa có tuổi đời hàng trăm năm. Tuy nhiên, điều khiến các cụ cao niên trong thôn đau đầu là tìm chỗ chứa 20,5 tỷ.

(VTC News) – Số gỗ sưa 2,6 m3 được cắt ra từ một cây sưa cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tại thôn Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội). Giá ban đầu được phát ra là 28 tỷ đồng, sau nhiều lần “cò kè” của giới lái buôn, thương vụ hoàn tất với giá: 20,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều khiến các cụ cao niên trong thôn đau đầu lại là việc tìm chỗ chứa số tiền 20,5 tỷ đồng.

Vết cưa lưu lại tại cây sưa cổ thụ trong khuôn viên chùa Phụ Chính 

Bán gỗ sưa lấy giá triệu đô để trả nợ

Chiều 29/10 phóng viên có mặt tại thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính (Chương Mỹ, Hà Nội). Hai cây sưa cổ thụ cao hàng chục mét tỏa bóng trong khuôn viên chùa Phụ Chính. Đáng chú ý, cây sưa sát cổng chính của chùa còn lưu hai vết cưa cắt. Điều này trái với lời khai ban đầu của một số cá nhân có liên quan tại cơ quan công an rằng số gỗ sưa bị bán là các cành cây gãy rụng được thu gom sau một trận mưa lớn.

Chân tướng sự việc càng đáng ngờ hơn bởi độ "khủng" của hai nhánh gỗ sưa bị đốn hạ. Nhánh thứ nhất cách gốc khoảng 2,5 m có đường kính hơn 40cm. Nhánh thứ hai cách gốc khoảng 1,5m, có đường kính lên tới hơn 60cm. Các nhánh cây này hoàn toàn không có dấu vết bị mục nát.

Lý giải phần nào, ông Vũ Văn Xuyện, trưởng thôn Phụ Chính xã Hòa Chính (Chương Mỹ, Hà Nội), người trực tiếp tham gia vào thương vụ triệu đô này kể lại: mọi chuyện bắt đầu từ cuối tháng 7 khi tập thể lãnh đạo thôn nhận được đơn của các cụ cao niên trong làng nêu vấn đề, công trình xây dựng đình Phụ Chính còn nợ hơn 1 tỷ. Nhiều công trình khác của thôn cần tu sửa mà chính quyền địa phương không cấp kinh phí. Ban lãnh đạo thôn họp và đi đến thống nhất cho khai thác cành già, có sâu, nguy cơ gãy rụng.

Sau đó, thôn đã thành lập "Ban khai thác gỗ sưa" với 22 thành viên. Trong đó có 4 vị thường trực, xây dựng kế hoạch đốn hạ sưa để trả nợ.

“Chúng tôi đã làm văn bản báo cáo lãnh đạo UBND xã Hòa Chính nhưng chờ đợi đến hơn một tháng mà xã không có trả lời. Giữa tháng 9, sau một trận mưa lớn, mộ số cành bị gãy, công việc khai thác gỗ sưa được gấp rút tiến hành”, ông Xuyện cho biết.

“Thâm niên” bán gỗ sưa

Ban đầu, lãnh đạo thôn chỉ cắt một cành đã có dấu hiệu bị mục. Sau đó, tập thể "Ban khai thác gỗ sưa" quyết định đốn thêm một cành khác cho cây sưa… đỡ xấu.

Ngay trong sáng 13/9, khi việc đốn hạ cây sưa được tiến hành, thôn Phụ Chính đã đón gần chục đoàn xe ô tô của giới lái buôn gỗ chầu chực dưới gốc cây sưa để đặt giá. 22 thành viên trong "Ban khai thác gỗ sưa" thôn Phụ Chính quyết định ra giá 26 tỷ cho 2,6 m3 gỗ. Nhưng tuyệt nhiên không thấy ai hỏi mua.

Sau nhiều lần họp bàn, "Ban khai thác gỗ sưa" quyết định hạ giá xuống 23 tỷ. Đến 6/10, người trả giá cao nhất là 20 tỷ, thấp nhất là 12 tỷ. Đến ngày 23/9, tập thể Ban này tiếp tục họp và đưa ra giá chốt: 21 tỷ đồng.

“Đến ngày 15/10, anh Nguyễn Văn Thái ở Đông Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh đồng ý mua lô gỗ sưa với giá 20,5 tỷ đồng. Mọi thủ tục phía cơ quan chức năng, anh Thái đảm nhận.

Ngày anh Thái giao tiền đặt cọc là 1 tỷ đồng, cả thôn chả ai dám đứng ra đếm tiền vì thấy nhiều quá. Quả thực chúng tôi rất ngỡ ngàng với mức giá… trên trời này. Năm trước thôn cũng bán một súc gỗ sưa với giá 2 triệu/kg. Vụ này, giá gỗ đã lên tới gần 8 triệu/kg”, ông Xuyện nhẩm tính.

Đau đầu tìm chỗ chứa 20,5 tỷ

Tuy nhiên, việc khó khăn nhất lúc này với các cụ cao niên trong thôn Phụ Chính là không biết chứa số tiền 20,5 tỷ đồng vào chỗ nào. Sau nhiều lần bàn bạc, tập thể trong thôn quyết định phương thức chuyển tiền vào tài khoản anh Đinh Công Nhận (con trai ông Đinh Công Thường, Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Phụ Chính) tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Hà Nội.

Sau đó, 20,5 tỷ được chia đều ra 10 sổ tiết kiệm mang tên 10 cụ cao niên trong thôn. Các cá nhân này phải làm văn bản xác nhận đây là số tiền thôn gửi nhờ và không được phép rút ra dù chỉ một đồng, nếu không được sự đồng ý của thôn.

Tuy nhiên, sau khi thương vụ buôn bán gỗ sưa bị cơ quan công an phát hiện, điều tra, các cá nhân đứng tên sổ tiết kiệm lập tức mang trả lại lãnh đạo thôn. Lúc này, lãnh đạo thôn Phụ Chính lại đứng ra mua két sắt, để trong chùa Phụ Chính và cắt cử 22 thành viên uy tín trong làng, thay phiên nhau trông giữ ngày đêm.

Ông Xuyện cùng nhiều người khác trong “Ban khai thác gỗ sưa” thôn Phụ Chính khẳng định không hề hay biết gỗ sưa thuộc nhóm gỗ 1A, pháp luật cấm buôn bán.

"Chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm"

Ông Lê Văn Bảy 
Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Lê Văn Bảy – chủ tịch UBND xã Hòa Chính thừa nhận bản thân ông và lãnh đạo xã đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, để xảy ra sự việc đốn hạ cây sưa ngay đối diện trụ sở làm việc. Ông Bảy cho biết, đầu tháng 9 ông Xuyện đã đề nghị lãnh đạo UBND xã xác nhận và đồng ý cho thôn thu gom các cành cây sưa bị gãy rụng. Ông Bảy đề nghị thôn phải có văn bản mang ra để ủy ban có cơ sở báo cáo lên huyện.

Bất ngờ, ngay trong sáng 13/9, công việc đốn hạ sưa được tiến hành. “Ban đầu các cụ báo miệng là thu gom các cành sưa gãy rụng nhưng nhìn thấy hai súc gỗ đã chặt hạ mà tôi giật mình. Cành gì mà to thế. Đó là một phần thân cây chứ không phải là cành. Ngay khi sự việc xảy ra, lãnh đạo xã đã họp khẩn cấp và yêu cầu dừng chặt hạ, đưa gỗ sưa vào cất tại Nhà văn hóa xã, chờ chỉ đạo cấp trên”, ông Bảy nói.

Ít ngày sau, tổ công tác Hạt kiểm lâm huyện Chương Mỹ có mặt tại xã Hòa Chính tiến hành đo đạc số gỗ bị chặt hạ. Vị chủ tịch UBND xã Hòa Chính thêm một lần ngã ngửa khi đọc kết luận của tổ công tác này: số gỗ sưa có nguồn gốc hợp pháp, người dân được toàn quyền sử dụng.

“Mặc dù từ trước tới nay, tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản của cấp trên nào nêu rõ việc gỗ sưa bị cấm buôn bán nhưng tôi hiểu đây là loại gỗ rất quý và phải bảo vệ. Nếu xác nhận như thế thì nguy hiểm quá!”, ông Bảy cho biết.

Đến chiều 29/10, công an huyện Chương Mỹ vẫn tiếp tục điều tra làm rõ vụ mua bán gỗ sưa lớn kỷ lục này.

Phúc Hưng
Bình luận
vtcnews.vn