Góc nhìn kinh tế từ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thời sựThứ Bảy, 17/09/2016 17:58:00 +07:00

Mang đến Bắc Kinh trong chuyến thăm lần này, Việt Nam đang cho thấy một tư duy phát triển năng động kể từ sau Đại hội Đảng XII: Tăng cường hợp tác thực chất, mở rộng thị trường, không chỉ với Trung Quốc mà còn cả với các nước ASEAN.

Quan hệ truyền thống Việt Nam - Trung Quốc là quan hệ gần gũi giữa hai quốc gia láng giềng.

Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, có thể nói cả Việt Nam và Trung Quốc chưa lúc nào ngừng có những động thái để củng cố, mở rộng quan hệ này, trong đó tập trung vào mở rộng về quy mô và tính chất, nỗ lực thu hẹp những khác biệt để tương xứng với tầm mức quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện mà hai nước đã nhất trí đạt tới.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên sau Đại hội Đảng lần thứ XII của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính là bước cụ thể hóa thêm cho nhận định này.

thutuong2

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng đón Thủ tướng tại sân bay. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nếu tinh ý sẽ thấy, trong chuyến thăm lần này, điểm đến đầu tiên được đoàn Thủ tướng lựa chọn không phải là các cuộc tiếp kiến xã giao theo đúng thông lệ với giới nguyên thủ, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc tại Trung Nam Hải, mà lại là thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, nơi diễn ra Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 13. 

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam hẳn có lí do khi bắt đầu chuyến hoạt động tại một địa điểm xa trung tâm đến như vậy (Quảng Tây là địa phương gần giáp với cực Nam Trung Quốc).

Mang đến Bắc Kinh trong chuyến thăm lần này, bên cạnh các cuộc đối thoại, trao đổi giữa hai bên nhằm củng cố tình hữu nghị, Việt Nam đang cho thấy một tư duy phát triển năng động kể từ sau Đại hội Đảng XII: Tăng cường hợp tác thực chất, mở rộng thị trường, không chỉ với Trung Quốc mà còn cả với các nước ASEAN.

thutuong2

 Toàn cảnh buổi hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Thống Nhất)

Nằm trong chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác của Việt Nam, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Trung Quốc bên cạnh những đặc trưng lâu đời, cần có những nâng cấp để phù hợp với lợi ích của hai nước.

Nói về mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, thành tựu thường được các nhà phân tích nhắc đến nhiều hơn cả nằm ở phương diện chính trị-ngoại giao, khi hai quốc gia không ngừng củng cố, đạt những bước phát triển nhanh chóng, tăng cường lòng tin chính trị thông qua các cuộc tiếp xúc thường xuyên từ cấp nguyên thủ quốc gia cho tới hoạt động ngoại giao nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một mặt hợp tác khác có thể nói cũng không thể bỏ qua khi nhìn nhận mối quan hệ này, đó là trên lĩnh vực kinh tế thương mại. Theo dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt - Trung đã tăng hơn 1.800 lần, từ 32 triệu USD (1991) lên gần 60 tỉ USD (2015).

Từ năm 2004, Trung Quốc vẫn giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là một trong những đối tác quan trọng của Trung Quốc ở ASEAN. Ai cũng hiểu, giữa kinh tế và chính trị có mối quan hệ tương tác lẫn nhau.

Những thành quả về hợp tác chính trị cho phép hai quốc gia kích hoạt các chính sách đầu tư, xuất nhập khẩu, thực hiện các dự án lớn với nhau. Và ngược lại, vị thế đầy tiềm năng trong thu hút đầu tư đảm bảo cho Việt Nam một nền tảng vững chắc trong các hoạt động đối ngoại với Trung Quốc. Đó là lí do sự kiện Việt Nam giữ vai trò chủ đạo tại Hội chợ CAEXPO 2016 có ý nghĩa đặc biệt trên lĩnh vực ngoại giao kinh tế.

Nếu chỉ nhìn nhận cảm tính qua các con số thống kê, hẳn sẽ có những băn khoăn trước câu hỏi Việt Nam, một nền kinh tế chưa phải là lớn trong khu vực, sẽ dùng kinh tế để “ngoại giao” ra sao với Trung Quốc. Nhưng vị thế của một quốc gia không thể chỉ đánh giá qua các con số, mà phải nhìn cả từ tiềm năng và tư duy phát triển của quốc gia đó.

thu

 Hợp tác kinh tế Việt Trung

Là “Quốc gia danh dự” của sự kiện CAEXPO, Việt Nam còn gánh trọng trách cùng nước chủ nhà Trung Quốc đồng chủ trì trong một loạt hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa Việt Nam đem đến hội chợ nhiều doanh nghiệp nhất (137 doanh nghiệp đại diện cho 19 tỉnh), với nhiều gian hàng nhất (237 gian hàng).

Từ chỗ nhập siêu của Trung Quốc, Việt Nam đang ngày càng thu hẹp chênh lệch trong cán cân thương mại với nước này và đang có kế hoạch tiến sâu vào thị trường Trung Quốc rộng lớn, với bàn đạp là các tỉnh và khu vực biên giới như Vân Nam, Quảng Tây.

Sự góp mặt của Thủ tướng Việt Nam tại một sự kiện mà doanh nghiệp Việt chiếm vị trí chủ đạo, không gì khác hơn là một màn “chào sân” ấn tượng gửi đến các doanh nghiệp không chỉ của Trung Quốc, Hồng Kông mà cả ASEAN, cho thấy dấu hiệu tích cực rằng Việt Nam đã sẵn sàng cùng các tên tuổi lớn trong khu vực tham gia vào sân chơi lớn trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, với rất nhiều ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: nông lâm thủy sản và thực phẩm chế biến, điện-điện tử và điện gia dụng, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm và thiết bị y tế, vật liệu xây dựng, đầu tư, du lịch và dịch vụ thương mại.

Là một quốc gia có nền kinh tế tương đối non trẻ, mới chỉ dần ổn định và phát triển 30 năm gần đây, lẽ dĩ nhiên Việt Nam còn cần cải thiện một vài yếu tố để phù hợp với những quy chuẩn của thế giới, đặc biệt là các quy chuẩn khắt khe về chất lượng lao động, công nghệ, kỹ thuật, kiểm định chất lượng sản phẩm… mà WTO hay các hiệp định thương mại song phương, đa phương quy định.

Song, về môi trường đầu tư, Việt Nam chưa bao giờ là một điểm đến tồi, khi dành sẵn cho các nhà đầu tư nhiều ưu đãi khi có nhu cầu đầu tư, triển khai các dự án tại đây. Hiện có hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 21.000 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Yếu tố quyết định ở đây là ổn định chính trị và những cam kết gắn bó chặt chẽ với lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài.

Về hai mặt này, có thể nói Việt Nam đang đảm bảo tốt. Các hợp đồng thương mại trị giá 10 tỷ USD được ký kết trong chuyến thăm với đối tác Hồng Kông là thành quả mới nhất từ chính sách thu hút đầu tư hiệu quả của Việt Nam, khi mở ra cơ hội để các bên cùng có lợi, bao gồm nhà đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam và xa hơn là thị trường rộng lớn các quốc gia ASEAN với trên 600 triệu dân.

Video: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhận chức lần hai

Hải Tùng
Bình luận
vtcnews.vn