Giải cứu hàng tấn khoai môn, chàng shipper cụt 2 tay mở hướng cho khoai bản xuống phố

Thời sựChủ Nhật, 03/02/2019 16:35:00 +07:00

Dù không có 2 bàn tay, nhưng chàng trai người dân tộc Dao đỏ đã giúp bà con quê hương bán được hàng tấn khoai môn, mở ra hướng đi mới để khoai bản xuống phố.

Ý tưởng táo bạo trở thành hiện thực

Vào một buổi chiều trở lạnh giữa tháng 1, tôi gặp Lý Minh Khang (tên thật là Lý Láo Lở, 32 tuổi, người dân tộc Dao đỏ, quê xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai) khi anh vừa giao được hơn 1 tạ khoai môn đến tay khách hàng.

Nhìn chàng trai 8X thân hình gầy gò, bị mất 2 tay ít ai nghĩ rằng anh lại là một shipper (người giao hàng-PV) thực thụ, hàng ngày lái xe 100km rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội để ship khoai môn ngon, sạch của bà con dân bản đến tay người dân Thủ đô.

Khang tâm sự, quê anh là một xã nghèo ở giáp biên giới, người dân sống bằng nghề làm ruộng. Khi trồng được củ khoai, củ sắn, bắp ngô…, họ đều chờ thương lái ở Trung Quốc đến thu mua. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6 vừa qua, một số hộ dân trồng khoai môn nhưng không có ai thu mua nên phải để trong nhà dùng dần.

IMG_0692

 Khang lái xe đi giao khoai môn cho khách. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trong một lần tình cờ Khang thấy trên mạng xã hội có người rao bán khoai môn với giá 35 nghìn đồng/kg, Khang chợt nảy ra ý tưởng: “Quê mình cũng có khoai môn sạch nhưng không có đầu ra, buộc người dân toàn bớt để ăn. Vậy sao mình không mang xuống Hà Nội, bán giúp bà con và cũng tạo thêm việc làm cho bản thân?”.

Ý tưởng vừa lóe lên là Khang bắt tay vào làm việc ngay, anh liên hệ với những hộ dân trồng khoai môn và thu gom để chở xe tải xuống Hà Nội. 

Anh đăng bán khoai môn sạch trên trang facebook cá nhân, vào các hội nhóm giao lưu, trao đổi, tư vấn về sản phẩm khoai môn thơm ngon, giá cả phải chăng của quê hương.

Cứ thế, một đồn mười, mười đồn trăm, khách hàng đến với anh ngày càng nhiều. Mỗi kg khoai về đến Hà Nội, cộng tất cả các chi phí có giá khoảng 20 nghìn đồng, Khang bán với giá 25 nghìn đồng (giá thị trường khoảng 25 – 30 nghìn đồng/kg).

Thiếu đi đôi bàn tay nhưng Khang làm mọi việc chẳng khác gì người bình thường. Để có thể lái xe, Khang tự chế cho mình 2 thiết bị để gắn vào tay lái giúp Khang điều khiển xe dễ dàng, thuần thục. Mỗi khi có khách hàng gọi điện, nhắn tin, Khang thao tác trả lời họ một cách nhanh chóng.

“Một ngày tôi đi giao được khoảng 25-30 đơn hàng, đi không dưới 100km. Trong khoảng 2 tuần qua, tôi bán được gần 2 tấn khoai. Giờ chỉ còn khoảng hơn 1 tấn nữa nhưng nhiều người đã đặt hết hàng”, Khang tâm sự.

IMG_0694

 "Tôi có thể làm mọi việc như người bình thường, trừ việc cầm dao chặt thái thực phẩm vì cần phải có lực mạnh thì mới chặt được", Khang tâm sự.

Một ngày làm việc của Khang thường bắt đầu từ 6h30 sáng và đến tối mịt anh mới trở về nhà. Lúc về, Khang lại chuẩn bị sắp đơn hàng cho khách để sáng sớm mai đi ship.

Vốn am hiểu về những mặt hàng thực phẩm nên Khang cho biết, sau khi bán giúp bà con hơn 3,5 tấn khoai, anh sẽ tiếp tục đi làm shipper để tích cóp mở một quầy buôn bán thực phẩm sạch phục vụ người dân Hà Nội.

“Khi có vốn, tôi sẽ về quê thu mua và hướng dẫn người dân chế biến thực phẩm sạch, để mang lên bán ở Hà Nội. Khi đó, mọi người có thể an tâm về chất lượng và giá thành hợp lý của sản phẩm tôi cung cấp”, anh Khang chia sẻ

Là một người thường xuyên đặt hàng mua khoai môn của Khang, chị Phạm Thu Hương (ở Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy khoai môn ăn rất ngon và bở nên hay mua của Khang. Bên cạnh đó, tôi còn rất khâm phục nghị lực và ý chí vươn lên của anh ấy trong cuộc sống".

IMG_0702 3

Dù không còn đôi bàn tay nhưng Khang có thể nghe điện thoại, nhắn tin một cách thành thạo và tự tin giao tiếp với mọi người.

Vượt qua biến cố của cuộc đời để trưởng thành

Khang sinh ra và lớn lên vốn lành lặn như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng đến năm học lớp 8 thì tai họa ập xuống khiến cậu bé 14 tuổi gục ngã.

29/12/2003, cái ngày nghiệt ngã mà Lý Minh Khang không bao giờ quên. Hôm đó, Khang đang cùng các bạn chuẩn bị cho một sự kiện cuối năm của trường. Lúc đang bê một cây tuýp sắt để dựng sân khấu, Khang bị điện cao thế phóng trúng khiến Khang bất tỉnh.

“Khi tỉnh dậy tại bệnh viện, tôi không thấy đau đớn gì cả, nhìn xuống hai bàn tay mình bị biến mất, tôi sửng sốt, khóc nghẹn. Rồi những tháng ngày sau đó là sự ngại ngùng, tủi hổ mặc cảm khi giao tiếp”, Khang Nhớ lại.

Khang tâm sự, phải mất 3 năm để vượt qua nỗi đau ấy, sau đó anh trở lại với thầy cô, bạn bè. Học xong cấp 3 được 2 năm, Khang thi đỗ vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khiến mọi người càng khâm phục ý chí, nghị lực chàng trai tàn tật.

IMG_0750 4

Vượt qua nỗi bất hạnh của cuộc sống, Khang luôn nỗ lực hết mình để vươn lên bằng đôi bàn tay tật nguyền.

Sau khi tốt nghiệp ra trường vào năm 2016 với tấm bằng loại Khá, Khang không xin được việc làm nên quyết định đi làm shipper cùng một người bạn cho một cửa hàng thực phẩm. 

Dù không xin được công việc theo đúng ngành học, nhưng Khang vẫn thấy vui vì công việc này tuy vất vả nhưng khá thoải mái, được tiếp xúc với nhiều người, thu nhập cũng đủ để anh trang trải cuộc sống và thực hiện những dự định lớn lao trong nay mai.

IMG_0761 5

 Với vóc dáng nhỏ bé, lại thiếu đi đôi tay nhưng Khang luôn khiến mọi người khâm phục vì ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai) cho biết, Khang mồ côi mẹ từ nhỏ, bố lấy vợ hai và mới mất năm ngoái. Tuy hoàn cảnh khó khăn lại cụt 2 tay nhưng chàng trai người Dao đỏ nổi tiếng khắp bản làng bởi ý chị và nghị lực sống phi thường.

"Khang đã vượt qua được sự mặc cảm khi bị mất đi đôi tay, rồi thi đậu, tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội. Tôi quả thực rất khâm phục ý chí, nghị lực của Khang", ông Củi cho hay.

Nói về việc việc Khang giúp bà con giải cứu hàng tấn khoai môn trong thời gian qua, vị chủ tịch xã cho hay ông rất vui vì Khang đã mở ra hướng đi mới cho các hộ dân trồng khoai môn ở địa phương.

"Do số lượng khoai môn ít nên không có thương lái thu mua, người dân chỉ biết để trong nhà ăn dần. Khang đã thu gom và giúp bán cho bà con nơi đây khiến mọi người cũng phấn khởi khi có thêm tiền để sắm Tết. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này trong vụ tới và cùng Khang tìm kiếm đầu ra để dân bản canh tác ổn định", ông Củi chia sẻ.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn