Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM đang 'mắc cạn' thế nào?

Thời sựThứ Hai, 04/06/2018 09:46:00 +07:00

Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực thành phố dự kiến hoàn thành ngày 30/4 nhưng mới thực hiện được 72% khối lượng đã phải dừng lại.

Dự án do Tập đoàn Trung Nam là chủ đầu tư. Theo báo cáo của đơn vị này, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng dừng thi công do chưa hoàn thành một số thủ tục cần thiết để Ngân hàng Nhà nước thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Trong quan điểm của chủ đầu tư là TP.HCM cần ký báo cáo thanh toán giải ngân theo biểu mới của phụ lục hợp đồng thì thành phố lại cho rằng không có trách nhiệm về việc này.

Chạy hết tốc lực rồi...

Theo hợp đồng ký kết giữa UBND TP.HCM và Tập đoàn Trung Nam hồi tháng 6/2016, dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công (6/2019). UBND TP.HCM sẽ thanh toán 16% giá trị hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT bằng quỹ đất và 84% bằng tiền.

Đầu năm 2017, trong chuyến khảo sát công trình này, Bí thư Thành ủy TP.HCM thời điểm đó là ông Đinh La Thăng ra "tối hậu thư" rút ngắn thời gian thi công dự án xuống còn 22 tháng. Lãnh đạo thành phố nói rằng việc này nhằm sớm giải quyết tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn.

“Cái khó nhất là giải phóng mặt bằng đã làm xong, cái khó thứ hai là tiền - cũng được Thủ tướng và các bộ ngành giải quyết. Cho nên nhà đầu tư cần rà soát để rút ngắn tiến độ thi công, phải hoàn thành dự án sớm hơn nhưng phải đảm bảo chất lượng", ông Thăng yêu cầu.

Chủ đầu tư và các sở ngành đều cam kết hoàn thành trước ngày 30/4/2018.

cong_ngan_trieu_1_zing

 Theo hợp đồng, dự án chống ngập sẽ được thanh toán 16% giá trị hợp đồng BT bằng quỹ đất và 84% bằng tiền. Ảnh: Lê Quân.

Trên tinh thần đó, công trình đã chạy hết tốc lực để kịp tiến độ rút ngắn. Đến cuối tháng 1 năm nay, dự án chống ngập này đạt 68% khối lượng xây dựng với tổng khối lượng thép đạt 80% (gần 63.000 tấn), bêtông đã hoàn thành 68% (hơn 320.000 m3). Tiến độ dự án nhanh hơn 8 tháng so với hợp đồng BT đã ký kết. Tại 6 cống kiểm soát triều, các công trình chính để lắp đặt cửa van gần hoàn thiện, sắp tới sẽ lắp đặt các cửa van.

Tuy nhiên, nhà đầu tư đang phải chờ các quận huyện giao mặt bằng hai bên bờ kênh để thi công công trình phụ trợ, lắp đặt hệ thống kỹ thuật, vận hành cửa van và xây bờ kè. Trong khi theo cam kết, các địa phương phải giao mặt bằng từ tháng 7/2017.

Dự án thi công đến chậm dần cho đến ngày 27/4, đại diện Trung Nam xác nhận đã tạm dừng thi công dự án khi đạt được 72% khối lượng công việc.

Chủ đầu tư ngồi chờ, thành phố không chịu trách nhiệm

Giải thích việc tạm dừng thi công dự án, nhà đầu tư này cho biết Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án, vì UBND TP. HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện cấp vốn.

Việc dừng thi công là căn cứ trên hợp đồng giữa Trung Nam ký với UBND TP. Theo đó, khi gặp các vấn đề phát sinh thì chủ đầu tư sẽ thông báo cho thành phố, trong trường hợp này là ngân hàng không giải ngân vốn để tiếp tục thi công các hạng mục tiếp theo.

Việc tạm dừng thi công dự án cũng được cho là nhằm giải quyết dứt điểm các thủ tục giữa nhà đầu tư BIDV và UBND TP.HCM.

cong_ngan_trieu_20_zing

 Dự án mới hoàn thành xong 72% khối lượng công việc. Ảnh: Lê Quân.

Theo chủ đầu tư, trong quá trình thực hiện dự án, phía tập đoàn đã cung cấp đầy đủ và nhanh chóng toàn bộ hồ sơ và thủ tục cần thiết liên quan đến vốn giải ngân, gửi cho thành phố.

Tuy nhiên đến nay, UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án theo biểu Phụ lục 02A tại Quyết định số 2240/QĐ-NHNN để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Việc chậm xác nhận từ phía UBND TP.HCM đã xảy ra từ tháng 9/2017. Do đó, nhà tài trợ BIDV đã công bố tạm dừng tái cấp vốn cho dự án, chủ đầu tư không đủ vốn tiếp tục thực hiện thi công.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi họp khẩn, yêu cầu Sở Tài chính phối hợp cùng các sở, ngành liên quan trong vòng 1 tuần phải xử lý xong các thủ tục giải ngân cho dự án. Tuy nhiên đã gần nửa tháng, phía chủ đầu tư vẫn chưa nhận được phản hồi từ Sở Tài chính.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết thành phố sẽ không chịu trách nhiệm. Đây là dự án triển khai theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) nên khi công trình hoàn thành thì thành phố mới nghiệm thu, có kết quả thành phố mới thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng cam kết trong hợp đồng.

"Chủ đầu tư vay vốn từ ngân hàng nên yêu cầu thành phố xác nhận về mặt khối lượng để hoàn tất giải ngân. Thành phố biết cái gì, kiểm tra xong phần nào thì đã xác nhận phần đó. Vướng mắc thủ tục đơn vị phải chịu trách nhiệm”, ông Tuyến nói.

Trong khi đó, đại diện Trung Nam cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, phía tập đoàn đã cung cấp đầy đủ và nhanh chóng toàn bộ hồ sơ và thủ tục cần thiết liên quan đến vốn giải ngân, gửi thành phố nhưng chưa được phản hồi.

Ngoài ra, chủ đầu tư cho biết đến nay quỹ đất thanh toán theo hợp đồng vẫn chưa được thống nhất. Vì thế, phía Trung Nam chưa có đất thế chấp để được đơn vị tài trợ vốn là Ngân hàng BIDV giải ngân. Đơn vị này đã nhiều lần có văn bản gửi UBND TP. HCM xem xét tháo gỡ và vẫn đang chờ đợi.

Dự án chống ngập có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu nằm trong 7 Chương trình đột phá được Đại hội Đảng bộ TP. HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 thông qua. Tiến độ thực hiện theo hợp đồng BT giữa UBND TP. HCM và Tập đoàn Trung Nam là 36 tháng (từ năm 2016 - 2019). Tuy nhiên sau đó được lãnh đạo thành phố chỉ đạo rút ngắn tiến độ xuống còn 22 tháng (đến ngày 30/4/2018).

Quy mô dự án bao gồm 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40m - 160m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định; cùng hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh dài 7,8km đê - kè, bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê với khẩu độ từ 1 - 10 m.

Bên cạnh 7 hạng mục chính là xây dựng các nhà quản lý cho dự án, kết hợp với hệ thống SCADA và quan trắc ở nhiều khu vực thuộc dự án.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn