Đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng tốt nhu cầu của công chúng

Thời sựThứ Tư, 19/06/2019 19:23:00 +07:00

Trong kỷ nguyên số bùng nổ hiện nay, báo chí, PT-TH phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại. Sự thay đổi này bao gồm cả việc thay đổi cách quản lý.

Sự khó khăn, thách thức của báo chí truyền thống

Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, thế giới chứng kiến sự phát triển vũ bão của công nghệ số. Từ sự ra đời của internet, đến cuộc cách mạng web 2.0, sự xuất hiện của các thuật ngữ “blog, vlogs, post, forum” (diễn đàn)…; những năm gần đây là các mạng xã hội, các ứng dụng mobile, máy tính bảng, các công cụ nghe nhìn mới... đã đưa loài người bước vào một kỷ nguyên số hoá cao độ, làm thay đổi căn bản tính chất tương tác giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với xã hội. “Cơn sóng thần” số hoá ập vào mọi ngõ ngách của đời sống, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi quan hệ của mọi giới, mọi ngành nghề, mọi người, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; từ sản xuất đến dịch vụ tại hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới.

anh_giao_thong_vov_vxvi

Đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng tốt nhu cầu của công chúng. 

Xu hướng số hoá là không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển hiện nay của thế giới. Và báo chí, truyền thông - với tư cách là một ngành nghề, luôn tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, đương nhiên, không thể thoát ra ngoài quỹ đạo của sự phát triển này. Trong đó, báo chí truyền thống, bao gồm phát thanh, truyền hình (PT-TH), báo in... là lĩnh vực chịu tác động sâu sắc nhất. Có thể nói, chúng ta đang đứng trước thời điểm bản lề lịch sử của nghề báo mà nếu không nhận thức đúng, đề ra cách thức thay đổi, ứng phó phù hợp thì ta sẽ bị tụt hậu, dễ bị thua cuộc dù quá khứ là rất vẻ vang.

Theo thống kê của Hiệp hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA), những trang web được xem nhiều nhất thế giới hiện nay là: Google, YouTube, facebook, Wikipedia, Yahoo, Amazon. Nhìn vào danh sách này chúng ta nhận thấy có: Các kênh tiếp nhận, tìm kiếm thông tin tổng hợp (Google, Yahoo, Wikipedia..), mạng xã hội (facebook, Twitter..), giải trí và tương tác video (YouTube), kênh thương mại điện tử (Amazon..), tức là chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính, hoặc mở máy tính bảng, điện thoại thông minh (smartphone), người dùng có thể thoả mãn mọi nhu cầu của mình, từ tiếp nhận thông tin, giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân.

Với các điều kiện đó, họ không có nhu cầu bắt buộc phải tìm đến các nhà cung cấp truyền thống về mặt thông tin như phát thanh qua radio, truyền hình xem qua tivi hay đọc báo giấy. Thách thức đặt ra với PT-TH, báo chí trong thời đại số này, vì thế, là phải trang bị cho mình công cụ, kỹ năng và tư duy mới để tìm đến với những độc giả giờ đây có khả năng có được mọi thông tin qua máy tính, điện thoại, máy tính bảng hay các phương tiện khác trên internet.

Xu hướng của phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số

Theo các nhà nghiên cứu Trường Đại học Cambridge của Anh, phát thanh, truyền hình công (của nhà nước) đang đứng giữa ngã tư đường - hoặc chí ít cũng là ngã ba đường, trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vấn đề không phải là chọn con đường nào mà là làm thế nào để xác định đúng vị trí, cách tồn tại và phát triển của mình. Hay nói cách khác là phải xác định vai trò, tác dụng, hiệu quả hoạt động của các đài PT-TH công trong kỷ nguyên số hóa. Hội đồng châu Âu đã xác định 04 sự biến đổi về cấu trúc ảnh hưởng tới các tổ chức PT-TH công, bao gồm: (i) Số hóa (lộ trình số hóa); (ii) Sự thay đổi thói quen tiếp cận thông tin của khán, thính giả; (iii) Những áp lực giữa chính trị và kinh tế; (iiii) Sự cạnh tranh về  quảng cáo thương mại.

Viện xã hội Mở (Open Society Institute) ngay từ năm 2011 đã đặt tên cho Báo cáo về phát thanh, truyền hình công là: “Tương lai hay là chết”. Theo bản báo cáo này, có 3 lý do chính dẫn tới khủng hoảng trong ngành phát thanh, truyền hình công ở châu Âu. Thứ nhất là “Phát thanh, truyền hình công vẫn được tổ chức, vận hành và quản lý theo mô hình cũ trong quá khứ”. Thứ hai, ngày càng có nhiều hơn sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty truyền thông tư nhân và sự giảm mạnh nhu cầu xem-nghe với những nội dung phải trả tiền của công chúng. Thứ ba, Chính phủ nhiều nước dường như quan tâm nhiều hơn tới việc gia tăng kiểm duyệt với phát thanh, truyền hình công hơn là tạo điều kiện, tạo cơ chế cho các Đài PT-TH công dễ dàng thích ứng với môi trường truyền thông mới.

Các đài PT-TH hôm nay khác với các đài PT-TH của thế kỷ XX, và chắc chắn, sẽ khác hơn rất nhiều trong tương lai, thậm chí là tương lai gần. Sự phát triển của công nghệ internet, số hóa đã thay đổi công chúng PT-TH. Từ việc các đài PT-TH quyết định cho thính giả, khán giả nghe gì, xem cái gì; nghe, xem khi nào và như thế nào, công chúng của lĩnh vực này đã chuyển sang vai trò chủ động, kiểm soát, lựa chọn cái mình muốn nghe, xem, thời gian nghe, xem và kênh mà mình lựa chọn… Dấu tay của công chúng trên chiếc điều khiển nhỏ gọn của PT-TH truyền thống đang thay đổi từng ngày. Không chỉ thay đổi việc nghe, xem là lựa chọn kênh PT-TH, công chúng nghe nhìn hiện nay còn đang có những thay đổi cả phương thức truyền và nhận thông tin, trong đó, họ vừa là người nhận, vừa là người cấp, họ tương tác với cơ quan báo chí và với nhau.

Nền tảng của internet và công nghệ số đã làm thay đổi sâu sắc cách thức mà công chúng đến với thế giới trực quan sinh động bên ngoài. Với truyền hình, đó là sự xuất hiện vào năm 2005 của mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất hiện nay - YouTube. Đến nay, với hơn 1 tỷ người dùng, tương đương 1/7 dân số thế giới, mạng xã hội chia sẻ video này đang tạo xu hướng thông tin, giải trí mới, với các kênh YouTube phổ biến nhất, thu hút người xem còn đông hơn lượng khán giả của nhiều kênh truyền hình lớn. YouTube cũng hoàn toàn có thể tạo nên những ngôi sao trên mạng không kém gì các kênh truyền hình. Ai cũng có thể lập một kênh YouTube và có thể thành công khi đem sản phẩm của mình đến với công chúng mà không cần phải một hệ thống cồng kềnh như truyền hình truyền thống.     

Tình hình vừa nêu khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nền tảng internet đã tạo thách thức cho PT-TH. Người đọc báo in, người nghe đài giảm, người xem truyền hình không tăng và sẽ giảm; trong khi đó công chúng nghe, xem, đọc trên internet tăng cả về số lượng lẫn dung lượng thông tin, dung lượng thời gian. Người xem truyền hình dành nhiều thời gian để xem các video online gấp đôi so với các khán giả xem truyền hình truyền thống. Một số chuyên gia cho rằng, việc chuyển sang số hóa giúp định vị lại vai trò của PT-TH, nó không chỉ tạo ra khó khăn, thách thức mà nó còn mang lại rất nhiều cơ hội mới và lớn.

Các đài PT-TH là một phần không thể tách rời trong quá trình làm mới, làm hấp dẫn nội dung. Những công nghệ truyền thông mới giúp bổ sung, chứ không phải là thay thế những cái cũ, và việc gây dựng nội dung từ nguồn do công chúng cung cấp sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh tới mức dư thừa nhưng lại tồn tại một sự khan hiếm tương đối trong việc sản xuất, cung cấp những nội dung thông tin có tính chuyên nghiệp.

Một ví dụ để chúng ta cùng tham khảo: Trong lĩnh vực phát thanh, xu hướng của người nghe trên thế giới không còn bó buộc vào các kênh radio phát qua sóng FM hay AM truyền thống/cổ điển. Tháng 1/2017, Na Uy trở thành nước đầu tiên trên thế giới chính thức bỏ phát sóng phát thanh qua sóng FM mà hướng tới chuyển 100% sang công nghệ số. Sau Na Uy, dự kiến sẽ có nhiều nước trên thế giới sẽ từng bước thực nghiệm và tiến tới từ bỏ sóng FM để chuyển hoàn toàn sang phát sóng bằng công nghệ số. Các lí do chính được đưa ra cho sự chuyển đổi sang công nghệ số là: (1) Chất lượng âm thanh tốt hơn; (2) Tích hợp và đồng bộ hoá được radio với các loại hình truyền thông khác như chạy text, hình ảnh, web; (3) Khả năng phát podcast; (4) Chi phí vận hành rẻ hơn nhiều lần (trong trường hợp ở Na Uy là rẻ hơn 8 lần) so với phát sóng truyền thống.

Phát thanh truyền thống bắt buộc phải hướng đến công nghệ số, áp dụng công nghệ số để mở rộng diện phủ sóng, thu hút thêm các thành phần thính giả trẻ vốn gắn chặt với thiết bị công nghệ, tăng chất lượng phục vụ cộng đồng và giảm chi phí hoạt động. Phát thanh không chỉ còn giới hạn trong việc nghe đài trên các làn sóng FM mà còn phải là tương tác trên web và trên mạng xã hội. Việc phát triển theo xu hướng này cũng đòi hỏi phải được thực hiện theo hướng đa nền tảng, trong đó nền tảng di động là ưu tiên bởi trong năm 2016, các nền tảng di động (smartphone, máy tính bảng) chính thức vượt qua máy tính để bàn để trở thành công cụ truy cập internet lớn nhất của người dùng internet toàn cầu: 51,3% truy cập internet qua điện thoại thông minh và máy tính bảng và 48,7% qua máy tính để bàn.

Chuyển đổi và hiệu quả

Có 4 vấn đề chính mà một cơ quan truyền thông cần phải cân nhắc: (i) Tính chính trị; (ii) Độ tin cậy về thông tin; (iii) Nguồn kinh phí; (iiii) Tính thương mại. Làm thế nào để duy trì lòng tin, xác định các nguồn thông tin, những kỹ năng nào là cần thiết đối với các nhà báo trong kỷ nguyên số, các công cụ truyền thông nào cần nắm bắt và sự cần thiết của đào tạo truyền thông đa phương tiện?

Trong sự bùng nổ của kỷ nguyên số, việc theo đuổi các công cụ và kỹ năng tác nghiệp bằng công nghệ không phải là điều kiện tiên quyết mang lại thành công cho báo chí. Sự phát triển của công nghệ hiện nay đòi hỏi nghề báo, gồm PT-TH và báo in phải thay đổi mạnh mẽ để thích nghi và đáp ứng tốt các thách thức và nhu cầu mới của công chúng. Ở một mức độ nào đó, sự tác động của công nghệ làm thay đổi cách thức làm báo, đặc biệt khi mỗi công dân giờ đây đều có thể trở thành một người đưa tin hiển nhiên (và có thể là xuất sắc) cả về thông tin, hình ảnh lẫn video, qua các hình thức được gọi là “báo chí công dân” (citizen media) đang nở rộ trên các mạng xã hội.

Nhưng với báo chí dòng chính thống (mainstream), theo đuổi và cạnh tranh theo hướng đó không phải là điều đơn giản bởi một toà soạn có đồ sộ đến mấy cũng không thể nào cạnh tranh được với một mạng xã hội hoặc một trang web có hàng trăm nghìn, hàng triệu, thậm chí đến hàng tỷ người dùng và tham gia tương tác như facebook hay Twitter.

 Vì thế, đầu tư lớn cho công nghệ nhưng với báo chí chính thống, nội dung vẫn luôn là ưu tiên số 1, có tính chất sống còn. Bài học của tờ báo hàng đầu thế giới New York Times (NYT) là điển hình của việc áp dụng công nghệ số (chuyển hướng từ báo giấy sang báo điện tử) nhưng không chạy đua theo lượng views, lượng hit, mà tập trung vào việc khai thác nội dung và bán các bài báo đó.

Báo cáo thường niên tháng 1/2017 của New York Times với tên gọi “Làm báo khác biệt” cho thấy rõ cách thức tờ báo này đã thành công ra sao và đây được coi là chiến lược đáng được noi gương cho nhiều toà soạn khác trên thế giới. New York Times tập trung vào độc giả trả phí và “không chạy đua vũ trang” về lượng truy cập. Chiến lược của New York Times là cung cấp những câu chuyện báo chí đủ mạnh khiến hàng triệu người sẵn sàng trả tiền để được đọc...

Sự thay đổi kịp thời đã giúp New York Times tiếp tục đứng vững và với chiến lược “nội dung là số 1” như hiện nay, New York Times đặt mục tiêu doanh thu từ phiên bản kỹ thuật số đến năm 2020 là 800 triệu USD. Thành công của New York Times và một số tờ báo in lớn khác trên thế giới, như Le Monde của Pháp... cho thấy, kể cả trong kỷ nguyên số, báo in vẫn có thể tồn tại được một cách vững vàng nếu biết thay đổi phù hợp: tích hợp được công nghệ số để làm nền tảng nhưng tập trung vào thế mạnh truyền thống của báo chí dòng chính là chất lượng thông tin.

Trong kỷ nguyên số bùng nổ hiện nay, báo chí, phát thanh, truyền hình bắt buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại. Sự thay đổi này bao gồm cả việc thay đổi cách thức quản lý (ở tầm quốc gia cũng như các bộ, ngành, địa phương); áp dụng công nghệ vào quản lý toà soạn; đầu tư cho các nền tảng công nghệ mới ở cơ quan báo đài; ở chính từ cấp cuối cùng là các phóng viên.

Các phóng viên cũng phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp một cách hiệu quả nhất, tin, bài, hình ảnh phải phục vụ tối đa cho mọi nền tảng công nghệ của toà soạn, từ báo giấy, báo điện tử, video cho truyền hình và audio cho phát thanh. Nhưng, để trở nên khác biệt, để tiếp tục đứng vững và phát triển trước sự cạnh tranh từ truyền thông xã hội, truyền thông công dân, báo chí, phát thanh, truyền hình chính thống vẫn phải sử dụng nhiều hơn thế mạnh của mình là chất lượng thông tin, đặc biệt trong thời đại mà tin giả “fake news” đang bùng nổ như hiện nay./.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Bình luận
vtcnews.vn