'Di sản' mang tên Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng

Thời sựThứ Bảy, 21/02/2015 07:00:00 +07:00

Ngoài diện mạo đô thị, những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh còn để lại cho Đà Nẵng nhiều ''di sản'' mà chỉ Đà Nẵng mới có.

(VTC News) - Nhắc đến sự phát triển đô thị, dân sinh, xã hội ở Đà Nẵng, nhiều người dân sẽ nói chúng mang đậm dấu ấn của ông Nguyễn Bá Thanh.

Dấu ấn mang tên Nguyễn Bá Thanh

Sau gần 20 năm chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trong những ngày tháng làm lãnh đạo ở TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã khiến đô thị Đà Nẵng đã ''thay da đổi thịt'', bừng sáng ở miền Trung.


“Ông Thanh ngồi nghe dân xe thồ chúng tôi nói chuyện; ông một mình đi vào bệnh viện để nghe người nghèo kể khổ; ông ngồi nghe những người chồng vũ phu bộc bạch; ông rất lo cho dân nghèo như chúng tôi...'', ông Huê, một lái xe ôm ở chợ Hàn chia sẻ.


Tâm huyết với sự phát triển của Đà Nẵng, muốn Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, nơi người dân có cuộc sống an toàn, hiền hòa và thân thiện ông Thanh luôn dành thời gian để lắng nghe tâm sự của những người dân ở khắp mọi nơi ông đến thăm và tìm gặp.
Với cương vị người đứng đầu chính quyền TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh bỏ hàng giờ đồng hồ để lắng nghe tâm tư của người dân 
Với slogan “5 không và 3 có'' - (không có giết người để cướp của, không có người nghiện trong cộng đồng, không có người mù chữ, không có hộ đói, không có người lang thang xin ăn - có nhà ở, có công ăn việc làm và có lối sống văn minh đô thị) đã khiến cho Đà Nẵng trở thành điểm sáng cho nhiều địa phương trong cả nước noi gương học tập, làm theo.

Năm 2000, khi Đà Nẵng bắt tay vào thực hiện chương trình này, các cơ quan liên quan, nhất là lực lượng công an đã quyết liệt trong công tác tuyên truyền, trấn áp tội phạm.

Hiểu được nguồn cơn của tình hình tội phạm - ''bần cùng sinh đạo tặc'', ông Thanh đã đưa ra một loạt các chính sách tạo điều kiện vay vốn, tạo công ăn việc làm cho các đối tượng tội phạm tái hòa nhập cộng đồng; người nghiện trong cộng đồng được hỗ trợ đưa đi cai nghiện, ngăn chặn tái nghiện. Đặc biệt, đối tượng lang thang ăn xin được giải quyết triệt để.


'Nếu đối tượng lang thang xin ăn là cư dân thành phố sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn làm ăn. Và sẽ ''xử nghiêm nếu lãnh đạo địa phương'' để có người lang thang xin ăn, khiến vấn nạn này được đẩy lùi.
Ông Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với thanh thiếu niên chậm tiến.
Hiểu được sự di dân đến Đà Nẵng là tất yếu, ông Nguyễn Bá Thanh đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt, thiết lập đường dây nóng, thưởng cho người dân phát hiện, báo cho cơ quan chức năng về người lang thang xin ăn.

Nếu người lang thang xin ăn là người địa phương khác sẽ được ''mời'' vào trung tâm bảo trợ để sinh hoạt, lao động. Thậm chí, các lực lượng chức năng còn liên hệ với địa phương nơi người lang thang xin ăn cư trú để đưa về tận nhà.


Chính vì vậy, chỉ sau 5 năm, Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu “5 không”. Và như ''sợi chỉ đỏ'' xuyên suốt quá trình phát triển của Đà Nẵng trong giai đoạn này, cả hệ thống chính trị ở Đà Nẵng được ''lên dây cót''.

Tại nhiều cuộc đối thoại, vấn đề “3 có” được nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm. Nhất là khi mục tiêu chạm đến nhiều vấn đề bức thiết của xã hội là việc làm và chỗ ở.

Bộ mặt thành phố khang trang, không còn vấn nạn xin ăn, lang thang cơ nhỡ là một trong những quyết sách hàng đầu dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh 
Với sự cam kết đó, bình quân hàng năm, Đà Nẵng giải quyết hàng vạn lao động có việc làm; hàng chục ngàn căn hộ được xây dựng để giải quyết cho những người thiếu chỗ ở. Một loạt các thiết chế văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được đưa ra...

Một loạt các danh hiệu ''thành phố Đáng sống'', ''thành phố an toàn'', ''thành phố thân thiện'',... được gắn liền với Đà Nẵng cho tới ngày hôm nay.


Đừng chủ quan, tự mãn

"Đừng có chủ quan, tự mãn với những gì chúng ta đã đạt được. Kết quả đó chưa là cái gì đâu. Các đồng chí nên nhớ, nếu chúng ta dừng lại là đã thụt lùi rồi, chứ đừng nói lùi đến mức như vậy'', ông Nguyễn Bá Thanh từng phát biểu với các cán bộ lãnh đạo TP Đà Nẵng tại Hội nghị đánh giá kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh khi Đà Nẵng tụt hạng.

Ngay sau khi tiếp nhận công việc của người tiền nhiệm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã chỉ đạo ngay các cuộc họp nhằm xây dựng bộ máy chính quyền thực sự của dân, vì dân, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới bằng việc ra Chỉ thị số 29-CT/TU của Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng mang tên "5 xây, 3 chống''.

"5 xây" được xác định là: trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu; và "3 chống" là: chống quan liêu, chống tiêu cực và chống bệnh hình thức.


Với chủ trương này, một loạt các động thái, hướng dẫn, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cán bộ chông chức, viên chức Đà Nẵng được đưa ra nhằm xây dựng hệ thống hành chính nhà nước thông suốt, trong sạch, hiệu quả... phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng cao.

Một loạt các thủ tục hành chính được rút ngắn như: đăng ký kinh doanh; cấp chứng nhận đầu tư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kê khai thuế.... được giảm từ 20-40% thời gian so với trước đó.
Không phải vô cớ khi Đà Nẵng là một trong số ít địa phương đã 4 lần dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Và với "5 xây, 3 chống", Đà Nẵng đã kế thừa những thành quả của thế hệ đi trước để lại, bằng việc xây dựng hình ảnh của mỗi cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến sự thay đổi của mỗi cơ quan, đơn vị trong công tác phục vụ nhân dân.

Năm 2014, Đà Nẵng trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2013. Và vừa mới đây, năm 2014, Đà Nẵng đã thực hiện thành công ''Năm doanh nghiệp 2014'' với sự hưởng ứng và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn