Đề xuất đổi giờ học, giờ làm lên 8h30: Không phải cứ lấy quốc tế áp vào Việt Nam

Thời sựThứ Sáu, 01/11/2019 15:38:00 +07:00

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng nhiều vấn đề, trong đó có đổi giờ học, giờ làm không phải cứ vác quốc tế về áp vào Việt Nam, mà phải tiếp thu, chọn lọc.

Bên hành lang Quốc hội sáng 1/11, nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm trước đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, do điều kiện tự nhiên các vùng khác nhau, quy định cố định giờ làm việc từ 8h30 hay 8h là không hợp lý. 

Theo ông Lợi, việc quy định thời gian bắt đầu làm việc trong ngày của các vùng miền, Trung ương hiện tại do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Còn ở các địa phương, vấn đề này do Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ tình hình địa phương quy định. Các địa phương hoàn toàn có quyền điều chỉnh nếu thấy cần thiết. 

bui sy loi

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi.  Ảnh: Quochoi.vn

"Với nhiều nước, họ nghỉ trưa ngắn, cho đó là tiết kiệm. Nhưng ở Việt Nam, muốn làm cũng không đơn giản vì không dễ gì để thay đổi tâm sinh lý, cách làm đang quen. Việc này rất khó chứ không đơn giản”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Vị đại biểu đoàn Thanh Hóa cho rằng không nên quy định vấn đề này vào luật Lao động. 

"Các nước người ta làm được, học tập kinh nghiệm quốc tế không có nghĩa là vác quốc tế về áp dụng cho Việt Nam. Cái gì hay tiếp thu, cái tiếp thu đó để các địa phương căn cứ điều kiện tự nhiên của họ. Việc này không nên ghi vào Luật. Các địa phương hoàn toàn có quyền chủ động”, ông Lợi phân tích. 

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng khẳng định vấn đề quan trọng nhất vẫn là tạo ra khả năng làm việc tốt nhất, hợp lý nhất, năng suất lao động tốt nhất. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, đề xuất đồng bộ giờ học, giờ làm từ 8h30 và nghỉ trưa 1 tiếng là đề xuất cần tham khảo, nhưng phải xem xét nhiều vấn đề liên quan nếu quyết định thay đổi. 

"Nếu tất cả cơ quan, đơn vị cùng bắt đầu giờ làm việc muộn hơn thì không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông, do đó bố trí giờ làm phải thận trọng, đảm bảo nhu cầu của người lao động và hài hoà với vấn đề giao thông", ông Tân phân tích. 

Bộ trưởng Tân khẳng định việc thay đổi giờ làm cần lắng nghe ý kiến người lao động, bố trí người làm trước, làm sau, nghỉ trước, nghỉ sau để tránh tình trạng ùn tắc. 

Theo Bộ trưởng Nội vụ, để đồng bộ giờ làm cả nước là rất khó như ở phía Bắc hiện nay, giờ làm việc bắt dầu từ 8h nhưng trong Nam là từ 7h hoặc 7h30.  Từ đó, việc kết luận đổi giờ làm nên quy định theo điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền và phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 giờ mỗi ngày.

"Sớm hay muộn thì cũng phải theo Bộ luật Lao động. Hơn nữa với bộ máy hành chính, mục đích là làm hết việc chứ không phải hết giờ làm", ông Tân nhấn mạnh. 

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội vào chiều 31/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh đề xuất đổi giờ học, giờ làm bắt đầu lên 8h30 hoặc 9h phù hợp ở các đô thị. 

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh có đề xuất về đổi giờ học, giờ làm phù hợp ở các đô thị, đồng thời, ông đề nghị Chính phủ xây dựng một cổng thông tin dành riêng cho trẻ em.

Cụ thể, ông Cảnh cho rằng, dự thảo luật Lao động sửa đổi trình ra tại kỳ họp Quốc hội thứ VIII bỏ nội dung liên quan đến đổi giờ làm việc là hợp lý.

"Thay đổi giờ làm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều gia đình nhưng chưa có tác động cụ thể và cũng chưa có đề xuất đổi giờ học khi đổi giờ làm.

Trên thế giới cũng như Châu Á thì hầu hết các nước bắt đầu giờ học, giờ làm lúc 8h30 hoặc 9h, thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng được áp dụng đồng bộ cho khối cơ quan hành chính, khối văn phòng, cơ sở giáo dục. Hiện nay ở nước ta, một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trong nươc và nước ngoài cũng đã áp dụng giờ làm việc từ 8h30 hoặc 9h", ông Cảnh phân tích.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn