Đề nghị hoãn thông qua Luật Đặc khu: Chính phủ thể hiện rõ trách nhiệm và sự cầu thị

Thời sựThứ Bảy, 09/06/2018 11:45:00 +07:00

Các chuyên gia nhận định, việc đề nghị Quốc hội hoãn thông qua dự thảo dự án Luật đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) đã thể hiện rõ trách nhiệm và sự cầu thị, lắng nghe nhân dân của Chính phủ.

“Tôi đánh giá cao quyết định của Chính phủ”

Liên quan đến việc Chính phủ đề nghị Quốc hội hoãn thông qua Luật Đặc khu, sáng 9/6, trao đổi với PV VTC News, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa 13 cho biết ông tán thành quan điểm của Chính phủ.

Ông Lê Như Tiến cho biết: “Tôi rất ủng hộ đối với quyết định này của Chính phủ, vì đã thể hiện được tinh thần lắng nghe, cầu thị ý kiến của nhân dâ cả nước. Thông báo của Chính phủ là rất kịp thời và đáp ứng được tinh thần cầu thị. Đây cũng là điều may mắn, bởi nếu cứ để thế mà vội vàng thông qua thì sẽ sinh ra nhiều hệ lụy khác.

dackhu2

Chính phủ đề nghị Quốc hội hoãn thông qua Luật Đặc khu

Tôi rất ủng hộ Chính phủ khi đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ từ Quốc hội lùi thời hạn thông qua Luật đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt vào kỳ họp lần thứ 6 của Quốc hội để có thời gian nghiên cứu kĩ hơn để tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước”.

Ông Tiến nhìn nhận: “Tôi thấy đây là sự cầu thị của Chính phủ. Cũng cách đây không lâu, khi trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cũng thể hiện sự cầu thị khi cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri là nhân dân cả nước và các chuyên gia, các nhà khoa học.

Vừa rồi cũng quyết định không đưa vào dự thảo Luật quy định cho thuê đất 99 năm mà sẽ thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Đất đai hiện hành. Tôi rất tán thành và hoan nghênh quyết định của Chính phủ vừa rồi.

Chắc chắn Chính phủ sẽ đưa vấn đề này ra Quốc hội trong vài ngày tới để Quốc hội lùi thời hạn để có thời gian nhiều hơn để xem xét, hoàn chỉnh”.

Về vai trò và ý nghĩa của dự thảo Luật Đặc khu, ông Tiến cho rằng vấn đề thí nghiệm thể chế cũng vẫn nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Không thể lấy lý do là “đặc khu” mà lại đứng trên tất cả mọi pháp luật khác là không được. Luật này là tạo môi trường đầu tư tốt hơn chứ không phải là hướng đến ưu đãi tuyệt đối.

“Chúng ta còn có hai đầu tàu kinh tế lớn là Hà Nội và TP.HCM, ngoài ra còn có 7 vùng kinh tế khác nữa, nên phải làm sao để đặc khu kinh tế và các vùng kinh tế khác phải hài hòa trong khuôn khổ pháp luật chung. Nếu chúng ta cho thuê đất ở đặc khu theo đúng tinh thần Luật Đất đai, và nếu họ làm tốt, có hiệu quả thì sẽ gia hạn thêm, không nhất thiết phải là đặt thời hạn cho thuê gần một thế kỷ. Đặt ra thời hạn như thế thì sau này thu hồi rất khó vì còn liên quan đến các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng”, ông Tiến nói.

“Xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nhưng không thể đặc biệt tới mức mà bỏ qua các quy định của luật khác được. Quyết định thế nào là quyền của Quốc hội. Lùi thêm 6 tháng nữa để hoàn thiện, bổ sung thêm. Chậm nhưng mà chắc chắn, còn hơn là thông qua rồi sau đó lại phải sửa đổi, bổ sung”, ông Tiến nhận xét.

Tạm hoãn để nghiên cứu hoàn thiện hơn

Cũng liên quan đến vấn đề trên, trả lời PV VTC News, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết việc Chính phủ đề nghị hoãn thông qua Luật Đặc khu là “tín hiệu tốt” và “cần thiết”.

nguyenducthanh

PGS.TS Nguyễn Đức Thành: "Vấn đề chính của luật đặc khu đó là trong dự thảo chưa thể hiện rõ được là một “phòng thí nghiệm” về thể chế". Ảnh: CFF.

“Điều này thể hiện sự tiếp thu ý kiến của người dân của Chính phủ, đây là tín hiệu tốt. Trước mắt nên tạm hoãn lại để làm tốt hơn”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành phân tích: “Đặc khu trong bối cảnh hiện nay chỉ còn ý nghĩa về mặt thí nghiệm về thể chế thôi. Nhưng hiện nay vẫn phải lưu ý là dự thảo Luật Đặc khu không chỉ phải sửa tiêu chí 99 năm. Tôi cho rằng đó chỉ là vấn đề nhỏ nằm trong luật thôi. Bởi vì 70 năm hay 30 năm mà luật đã sai lầm rồi thì dù chỉ 30 năm thì đề án cũng “chết” thôi.

Vấn đề chính của Luật Đặc khu đó là trong dự thảo chưa thể hiện rõ được là một “phòng thí nghiệm” về thể chế, mà mới chỉ dừng lại ở mức là nơi mà ưu đãi cho các hoạt động kinh doanh sản xuất thôi, mà trong khi những ngành đó không phải là những ngành mũi nhọn, đặc biệt gì mà chỉ là những ngành mới chưa có ở trong nước như: mại dâm tự do hóa, đánh bạc...Tuy nhiên những ngành này đã tự nó có sức hấp dẫn rồi, không cần thiết phải có những chính sách ưu đãi.

Cái chúng ta cần là những ngành sao cho phải dẫn dắt kinh tế trong tương lai và cần một thể chế mới để phát triển. Dự thảo Luật Đặc khu hiện nay là chưa thể hiện được điều này.

Bởi vậy, Chính phủ tạm hoãn lại để sửa thì cái chính là sửa những vấn đề trên, còn vấn đề về đất đai thì coi như xong, đã xử lý ổn rồi”.

Theo ông Thành, thời gian tạm hoãn luật đến bao lâu không quan trọng bởi cái chính là phải làm thật kĩ lưỡng, nghiêm túc.

“Hoãn đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Khóa 14 hay kỳ họp nào đó cũng không quan trọng, vì nếu đến kỳ họp lần sau mà cảm thấy vẫn chưa được thì vẫn hoãn tiếp để hoàn thiện”, ông Thành nói.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn