Để “lọt” tham nhũng, sao thanh tra vẫn… vô can?

Thời sựThứ Tư, 23/01/2013 05:41:00 +07:00

“Vinashin, Vinalines - kiểm toán, thanh tra đã vào cuộc nhiều lần mà không phát hiện vấn đề gì?", Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu vấn đề.

“Vinashin, Vinalines - kiểm toán, thanh tra đã vào cuộc nhiều lần mà không phát hiện vấn đề gì. Cứ để như vậy, khi vụ việc tham nhũng xảy ra mà thanh tra trước đó vẫn… vô can thì rất băn khoăn” - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu vấn đề.

Trách nhiệm khi thanh tra để “lọt”… tham nhũng

Tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 23/1, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh báo cáo việc triển khai thực hiện luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, đến tháng 3/2013, các nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập, về trách nhiệm giải trình của cán bộ công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và việc thực hiện quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động sẽ được trình Chính phủ.

Tháng 2 tới, nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN sẽ được trình Chính phủ xem xét. Dự thảo một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật cũng đã hoàn thành và được trình Chính phủ trong quý 1/2013.

Liên quan đến chuyện thay đổi về mô hình tổ chức Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương, ông Thanh cho hay, “hiện tại Thanh tra Chính phủ chưa nhận thấy vấn đề gì vướng mắc trong công tác phối hợp, xử lý hành vi tham nhũng”.

Ủy viên thường trực UB Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường: "Quy định về xử lý tài sản tham nhũng vẫn đang... treo".  

Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Phạm Anh Tuấn cũng thông tin, Bộ Chính trị đã quyết định cho lập lại Ban này với tư cách cơ quan tham mưu, chấp hành của Ban chỉ đạo TƯ về PCTN vào tháng 12 vừa qua, quy định 6 nhóm nhiệm vụ của Ban.

Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính chủ trì xây dựng đề án chuyển giao nhân sự từ Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về PCTN thuộc Chính phủ trước đây về Ban Nội chính. Ngày 1/2 tới, Ban chỉ đạo TƯ về PCTN sẽ chính thức hoạt động. Tuy nhiên, quy định về hoạt động của cơ quan thường trực sẽ chậm hơn một chút.


Ủy viên thường trực UB Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường khái quát, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật PCTN được thông qua mới đây chỉ kịp sửa đổi một số nội dung theo tinh thần Nghị quyết TƯ 5 nhưng các yêu cầu toàn diện của luật để có thể đem lại thay đổi đột phá vẫn đang… treo.

Các vấn đề như mở rộng nhận thức về hành vi tham nhũng sang khối tư nhân, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, xử lý tài sản tham nhũng phát hiện được… cần tiếp tục cần đặt ra nghiên cứu sửa đổi toàn diện. Ông Cường yêu cầu Chính phủ có kế hoạch sửa toàn diện luật này.


Đại biểu cũng dẫn lại phát biểu tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012, Tổng Thanh tra Chính phủ thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm về hạn chế trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, trong đó có yếu tố do năng lực, trình độ của cán bộ ngành mình nên nhiều vụ việc qua thanh tra nhiều lần vẫn không phát hiện.

Ông Cường đặt câu hỏi Thanh tra Chính phủ có giải pháp cụ thể nào để tăng cường năng lực trình độ thanh tra cũng như xử lý trách nhiệm thanh tra viên để lọt tham nhũng.


Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cử tri và người dân cả nước quan tâm nhất đến hiệu quả PCTN khi sửa luật. Ông Quyền đồng tình với quan điểm cần chỉ thị nâng cao trách nhiệm toàn ngành thanh tra về nhiệm vụ phát hiện tham nhũng. Phải quy định, nếu thanh tra kết luận tốt đẹp mà sau đó lại phát hiện sai phạm, cần xử lý trách nhiệm người thanh tra trước.

“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về việc này để tránh tình trạng như Vinashin, Vinalines - kiểm toán, thanh tra trước đó cũng vào cuộc nhiều lần mà không phát hiện vấn đề gì. Cứ để như vậy, khi vụ việc tham nhũng xảy ra mà thanh tra trước đó vẫn… vô can thì chúng tôi rất băn khoăn” – ông Quyền nói.

Hội nghị triển khai luật PCTN, kế hoạch chống tội phạm của UB Thường vụ Quốc hội. 

Ở khía cạnh khác, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Luật đặt vấn đề, cần cụ thể hóa hơn nữa điều kiện được hưởng án treo, miễn trách nhiệm hình sự với tội tham nhũng vì dư luận hiện đang bức xúc về việc này.

Ông Luật cho rằng, trách nhiệm thuộc lãnh đạo VKSND tối cao, TAND tối cao phải có chỉ đạo trong ngành mình để hạn chế việc áp dụng án treo, xét xử sao cho nghiêm khắc với loại tội phạm này.


Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh trách nhiệm cấp dưới nếu làm không đúng. Việc đình chỉ án, trong đó có án tham nhũng, việc miễn trách nhiệm hình sự với căn cứ hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa, thời gian tới VKSND tối cao sẽ ra văn bản hướng dẫn áp dụng. Việc này cũng sẽ chống lọt tội phạm trong một khâu rất quan trọng.

Làm rõ tình trạng “đột nhiên tâm thần”

Về báo cáo công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Bộ Công an, ông Luật phản ánh, vừa qua, ý kiến cử tri và người dân rất hoan nghênh ngành Công an đã có biện pháp quyết liệt để trấn áp tội phạm. Do đó, tình hình tội phạm tại Hà Nội, TPHCM và các địa bàn trọng điểm trong cả nước đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, ông Luật cũng đặt dấu hỏi, có phải do giai đoạn trước ngành đã không thực hiện nhiệm vụ một cách quyết liệt dẫn tới hiện tượng tội phạm ngang nhiên hoạt động, công khai trấn lột giữa ban ngày, cướp chặt tay người trên phố… Trách nhiệm về việc chỉ đạo không nghiêm, không liên tục của lãnh đạo ngành?

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhận xét, từ sau kỳ họp thứ 4 đến giờ, Quốc hội hết sức quan ngại về tình hình cướp giật, giết người gia tăng tại TPHCM. Hiện tượng trộm cắp, cướp giật cũng gia tăng tại các tỉnh thành lân cận như Bình Dương.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga: "Hiện tượng mua bán bệnh án tâm thần hết sức nghiêm trọng".  

Bà Nga cho rằng, đảm bảo an toàn tính mạng người dân khi ra đường, lực lượng chuyên trách (công an) có trách nhiệm lớn. Bà Nga kiến nghị nhân rộng mô hình các tổ công tác đặc biệt của Hà Nội.


Ngoài ra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cũng là một giải pháp. Bà Nga cho rằng: “Nơi nào trộm cướp lộng hành cần xem xét trách nhiệm của giám đốc công an tỉnh và trưởng công an địa bàn. Cán bộ chiến sỹ nào không đáp ứng nhiệm vụ cần thay sớm để đảm bảo an toàn tính mạng cuộc sống của người dân”.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng khái quát, dư luận hiện rất bức xúc về những vụ giết người, cướp của, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em kinh hoàng xảy ra liên tiếp thời gian qua. Vấn đề gây hoang mang là người phạm tội khi thực hiện hành vi gây án tỏ ra rất bình tĩnh, nhiều vụ hung thủ còn thực hiện việc phi tang với kế hoạch chặt chẽ, tỉnh táo nhưng đến khi đưa ra xét xử lại “đột nhiên tâm thần”. Đường dây mua bán bệnh án tâm thần báo chi phanh phui gần đây đã lý giải cho việc đó.

Bà Nga yêu cầu làm rõ hiện tượng này vì nếu đó là sự thật, sự việc hết sức phức tạp, nghiêm trọng.

Ở khía cạnh khác, theo bà Nga, trong cộng đồng hiện có hàng triệu người mắc bệnh tâm thần và các chứng bệnh liên quan đến tâm thần nhưng không có trong hồ sơ, sự quản lý của cơ quan y tế, dẫn đến tình trạng người tâm thần phạm tội, để lại hậu quả đau lòng. Bà Nga dẫn vụ thanh niên Cao Quốc Huy đột nhập trường mầm non khống chế các cháu bé cũng do mắc bệnh tâm thần. Trao đổi về vấn đề này, bà Nga không giấu được lo lắng.

Theo Dân Trí
Bình luận
vtcnews.vn