Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Làm báo như tổ chức một trận đánh hiệp đồng

Thời sựThứ Sáu, 20/06/2014 10:28:00 +07:00

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú” và sau này ông thấy làm báo giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú” và sau này khi chuyển qua công tác quân sự, ông thấy làm báo giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng.


Vào dịp 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhờ sự vận động của Nhà báo Đỗ Phượng, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, chúng tôi được đến 30 Hoàng Diệu thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Nhà báo Vân Đình - Võ Nguyên Giáp (1936) 
Vẫn là căn phòng khách quen thuộc mà trên tường treo kín những là cờ, bức trướng và hình ảnh liên quan đến con người huyền thoại này. Ông tiếp khách rất cởi mở và thân tình, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của chúng tôi về rất nhiều vấn đề. Tôi mạnh dạn thưa:

- Đại tướng có nhiều kỷ niệm nghề báo không ạ?

Ông cười hiền hậu:

- Không nhiều lắm vì mình chỉ làm báo giai đoạn Mặt trận Bình dân 1936-1939. Báo chí trở thành võ khí đấu tranh chính trị sắc bén…

Trò chuyện với cánh nhà báo nhưng xem chừng ông không mấy hài lòng về báo chí. Hầu như ông không khen mà chỉ nhắc nhở, căn dặn. Ông nhấn mạnh, báo chí phải làm sao góp phần để có những bước tiến thật sự trên mặt trận kinh tế, xây dựng đất nước. Ông tỏ ra hứng khởi và phấn khích với ý tưởng làm sao để có những Cchiến thắng Điện Biên Phủ trong thời bình với tiếng cười hào sảng, khích lệ chúng tôi đang vây quanh ông.


Sau này, tiếp cận tư liệu lịch sử, tôi mới biết rằng Võ Nguyên Giáp viết báo khi còn là học sinh trường Quốc học Huế. Bài báo ra đời trong phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh khởi nguồn từ chính mái trường Quốc học Huế. Bài báo của trò Giáp khi ấy viết bằng tiếng Pháp có tựa đề “Đả đảo tên bạo chúa Trường Quốc học” đăng trên tờ L’Annam của Luật sư Phan Văn Trị xuất bản tại Sài Gòn.

Sau đó ông làm biên tập viên tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Trung Kỳ. Nhớ lại quãng đời này, ông bảo đây là thời kỳ học nghề làm báo bởi ông viết nhiều thể loại, kể cả các bài luận thuyết về chủ nghĩa Mác dưới dạng phổ cập cho quần chúng. Tuy nhiên các tác phẩm báo chí này không qua nổi những cặp mắt cú vọ của mật thám Pháp khiến nhiều trang báo có bài của ông bị kiểm duyệt trắng xóa.

Giai đoạn Mặt trận Bình dân là thời kỳ sôi nổi trong hoạt động báo chí cách mạng của ông với bút danh Vân Đình. Lịch sử Đảng chỉ rằng chính Võ Nguyên Giáp, theo chỉ đạo của Đảng đã khởi xướng tờ Hồn Trẻ bộ mới trên cơ sở mua lại tờ Hồn trẻ của Hội Hướng đạo sinh.

Nhờ sự cố gắng của Võ Nguyên Giáp, ngày 6/6/1936, Hồn trẻ ra mắt bộ mới chỉ 2 ngày sau khi chính phủ binh dân Pháp do Léon Blum làm Thủ tướng lên nắm quyền. Thời đó ra báo tiếng Pháp dễ hơn nhiều vì chỉ cần nộp một tờ khai. Võ Nguyên Giáp lợi dụng điều này để chuyển sang làm báo tiếng Pháp. Ông cộng tác với Nguyễn Thế Rục, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, sinh viên Trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, xuất bản tờ Le Travail (Lao Động).

Ba tháng sau Hồn trẻ, ngày 16/9/1936, Báo Le Travail ra đời và tồn tại được 7 tháng, ra được 30 số, tới ngày 16/4/1937 thì bị thực dân Pháp đóng cửa. Võ Nguyên Giáp là biên tập viên chính, đảm nhiệm nhiều đề tài, đặc biệt, ông đi sâu vào phản ánh cuộc đấu tranh của nông dân, công nhân, điển hình là các vụ Cồn Thoi, Cẩm Phả.


Sau đó, Võ Nguyên Giáp tham gia “Ủy ban hành động bán hợp pháp” của Đảng do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Ủy ban này có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đường lối chính trị của Đảng đối với báo chí công khai. Hàng chục tờ báo của Mặt trận Dân chủ, của các đoàn thể nối tiếp nhau ra đời nhiều tờ báo tiếng Việt như Thời thế, Bạn dân, Tin tức, Đời nay, Ngày mới… và báo tiếng Pháp có Rassemblement (Tập hợp).

Nhà báo Võ Nguyên Giáp viết báo tiếng Pháp là chính, đồng thời tham gia viết báo và tiếng Việt. Điều thú vị là khi ấy Bác Hồ hoạt động ở Trung Quốc đã gửi nhiều bài dưới bút danh P.C.Lin để bắt liên lạc với Trung ương Đảng và góp ý kiến chỉ đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở trong nước.

Ngày 24/4/1937 tại Hội nghị báo giới Bắc Kỳ do Xứ ủy Bắc Kỳ lãnh đạo và tổ chức, họp tại Hà Nội đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành động bán hợp pháp và ông Trần Huy Liệu làm Phó chủ tịch. Trước đó, ngày 14/3/1937, Võ Nguyên Giáp đại diện Báo Rassemblement (Tập hợp) vào Huế dự Hội nghị báo giới Trung Kỳ.

Vẫn là căn phòng khách quen thuộc mà trên tường treo kín những là cờ, bức trướng và hình ảnh liên quan đến con người huyền thoại này. Ông tiếp khách rất cởi mở và thân tình, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của chúng tôi về rất nhiều vấn đề. Tôi mạnh dạn thưa:  - Đại tướng có nhiều kỷ niệm nghề báo không ạ?  Ông cười hiền hậu:  - Không nhiều lắm vì mình chỉ làm báo giai đoạn Mặt trận Bình dân 1936-1939. Báo chí trở thành võ khí đấu tranh chính trị sắc bén…

Giai đoạn Mặt trận Bình dân đánh dấu sự trưởng thành, nhạy bén, sắc sảo, vững vàng và nghiệp vụ làm báo của Võ Nguyên Giáp. Ông nói: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú”. Và sau này khi chuyển qua công tác quân sự, ông thấy làm báo giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Giữa năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng được Đảng cử sang Trung Quốc gặp Bác Hồ ở Côn Minh, rồi đầu năm 1941 theo Bác trở về nước.

Đến Hội nghị 8, Trung ương thành lập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ ra báo Việt Nam độc lập, Người phân công Võ Nguyên Giáp viết một số bài quan trọng. Khi Bác Hồ duyệt, Võ Nguyên Giáp nhận biết được yêu cầu của Bác đối với báo chí là phải viết ngắn gọn, dễ hiểu, súc tích, thiết thực. Sau này ông nhớ lại chưa bao giờ ông thấy viết báo khó khăn như thời gian làm báo Việt Nam độc lập của Bác Hồ.

Ngày 22/12/1944, theo lệnh Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Và liền sau đó, tờ báo của Đội mang tên “Tiếng súng reo”, khi thống nhất các lực lượng vũ trang của Đảng thành Quân giải phóng Việt Nam, Võ Nguyên Giáp ra Báo Quân Giải Phóng.

Tháng 6/1945, thành lập Khu giải phóng Việt Bắc, Võ Nguyên Giáp được cử làm Thường trực Ủy ban giải phóng, ngay lập tức ông ra báo “Nước Nam mới”, phát hành được 7 số thì Cách mạng tháng Tám thành công. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập, Võ Nguyên Giáp được Đảng, Bác Hồ giao nhiều việc quan trọng, công tác vô cùng bận rộn. Mặc dù vậy, ông vẫn có bài cho các báo Cờ giải phóng, Cứu Quốc, Sao Vàng.

Bước vào hai cuộc kháng chiến, ở cương vị Tổng chỉ huy, Tổng chính ủy rồi Tổng tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, ông vẫn thường xuyên viết bài cho các báo của Đảng, của Mặt trận, của các đoàn thể và đặc biệt quan tâm đến hoạt động báo chí trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà báo kỳ cựu, vị Đại tuớng Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đi xa nhưng tấm gương sáng về làm người, làm nhà báo, làm nhà giáo vì nước, vì dân của Đại tướng vẫn còn thắp sáng mãi đến mai sau.

Hai mươi năm rồi kể từ khi lần đầu tiên trong đời làm báo tôi được nghe Đại tướng nói về nghề báo, nghiệp báo và mơ ước của Người về một trận Điện Biên Phủ trên mặt trận kiến quốc có vai trò của báo chí cách mạng vẫn văng vẳng bên tai như một lời hiệu triệu Rassemblement - tập hợp đội ngũ báo chí cách mạng nối tiếp sự nghiệp báo chí của nhà báo Võ Nguyên Giáp!

» Làm báo thời smartphone
» Nữ phóng viên hy sinh trong bão Haiyan: Quặn lòng con thơ gọi mẹ


Theo Petrotimes
Bình luận
vtcnews.vn