CSGT lao ra giữa cao tốc chặn xe, luật sư: 'Không nên đánh đổi nguy hiểm để xử lý vi phạm'

Thời sựThứ Năm, 20/09/2018 15:05:00 +07:00

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc CSGT lao ra chặn phương tiện vi phạm là điều không cần thiết và CSGT không nên đánh đổi sự nguy hiểm để xử lý các vi phạm.

Liên quan đến sự việc tài xế ô tô bị xe tải tông chết và 1 chiến sỹ CSGT bị thương nặng khi đang xử lý vi phạm trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên,  trả lời PV VTC News, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc CSGT lao ra chặn phương tiện vi phạm là điều không cần thiết và CSGT không nên đánh đổi sự nguy hiểm để xử lý các vi phạm.

Theo ông Bùi Đình Ứng, luật pháp cho phép lực lượng CSGT được dừng xe trên cao tốc nếu phát hiện chiếc xe có dấu hiệu vi phạm luật giao thông. Xe chạy quá tốc độ hoặc có dấu hiệu vi phạm khác (chở ma túy, hàng hóa lậu...), lực lượng CSGT được quyền yêu cầu dừng dù đó là trên cao tốc.

luat su ung

 Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng việc xử phạt các xe vi phạm trên đường cao tốc là cần thiết.

Tuy nhiên, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng CSGT phải chặn xe đúng quy định để đảm bảo không gây cản trở giao thông hoặc gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác.

Lực lượng CSGT dừng xe phải có tín hiệu báo cho các tài xế biết để thực hiện theo lệnh và CSGT phải đứng ở những vị trí thoáng tầm nhìn để không gây cản trở hay nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác.

Luật sư Ứng cho rằng, việc lực lượng CSGT lao ra giữa đường cao tốc để chặn xe là không nên. Khi thực hiện nhiệm vụ, CSGT phải hết sức lưu ý, luật không quy định dừng ở vị trí nào, đoạn đường nào nhưng nên dừng ở từng vị trí nhất định chứ không thể chỗ nào cũng dừng đỗ.

Nếu phát hiện phương tiện vi phạm giao thông vào ban đêm, CSGT có thể dùng đèn chiếu sáng để ra hiệu, ban ngày có thể phát hiệu lệnh yêu cầu dừng. Nếu lái xe cố tình không dừng và CSGT lao ra chặn xe sẽ rất nguy hiểm.

Lúc này, các chiến sỹ CSGT có thể dùng phương tiện khác để đuổi theo hoặc ghi lại hình ảnh của phương tiện để xử lý nguội, báo cho trạm, tổ tuần tra trên đoạn đường đó tổ chức các biện pháp chặn phương tiện này khi tài xế bỏ chạy.

“CSGT lao ra chặn đầu xe từng gặp nhiều trường hợp lái xe manh động, CSGT phải nhảy lên bám vào cần gạt, bám vào thành cửa xe dẫn đến chết người hoặc bị thương. Chính vì vậy, các chiến sỹ CSGT không nên làm và cũng không được làm như vậy.

Lao ra chặn phương tiện giao thông là điều hết sức không cần thiết, vì nếu tài xế không kịp xử lý sẽ dẫn đến tai nạn rất đáng tiếc. Chúng ta không nên đánh đổi sự nguy hiểm để xử lý các vi phạm vì có nhiều biện pháp để xử lý các phương tiện này” - luật sư Ứng cho hay.

csgt chan xe11 3

Việc CSGT chặn xe trên đường cao tốc để xử phạt tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Chia sẻ với tư cách là một tài xế ô tô, ông Ứng cho biết, dù các phương tiện đi với tốc độ cao hay thấp thì việc CSGT nhảy ra chiếm phần đường để chặn xe là không được. Vấn đề này rất dễ gây bức xúc cho các lái xe dẫn đến những hành động và lời lẽ không phải khi làm việc với cơ quan chức năng. Lực lượng CSGT nên đứng ở lề đường, ra tín hiệu yêu cầu xe tấp vào lề và dừng đỗ để xử lý.

"Tôi từng bị CSGT lao ra giữa đường chặn xe mặc dù tôi đi rất chậm. Lần đó, tôi hơi vội nên đi quá đèn đỏ ở khu vực ngã tư và lực lượng CSGT ghi lại được và báo cho chốt CSGT ở khu vực khác chặn lại. Khi tôi đi gần đến chốt giao thông thì có chiến sĩ CSGT nhảy ra chặn xe tôi lại khiến tôi đột ngột, các phương tiện phía sau và bên cạnh tôi cũng phanh dúi dụi rất nguy hiểm", ông Ứng kể lại.

Theo luật sư Ứng, tất cả những hành động nguy hiểm như vậy của các chiến sỹ CSGT cũng là do một số tài xế không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT mà chỉ rình bỏ trốn. Tuy nhiên, lực lượng CSGT cũng không nên vì những chuyện như vậy mà bất chấp nguy hiểm tính mạng để chặn xe.

XEM THÊM BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ TẠI ĐÂY:

thuong ta Quy

 Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - cựu cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề trên, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - cựu cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội) cho rằng, các phương tiện chạy trên đường cao tốc với vận tốc cao nên khi gặp chướng ngại vật bất thường có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào nên việc CSGT dừng xe trên cao tốc rất nguy hiểm.

“Khi phương tiện di chuyển với tốc độ 100km/h mà CSGT dừng như vậy là sẽ rất nguy hiểm bởi nếu các phương tiện phía sau không giữ khoảng cách an toàn thì rất khó có thể xử lý tình huống kịp thời và đảm bảo an toàn”, ông Quỹ nói.

Theo ông Quỹ, lực lượng CSGT có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát để phát hiện các phương tiện vi phạm và xử lý. Cảnh sát có thể trực tiếp dừng phương tiện vi phạm khi phát hiện các phương tiện vi phạm trong các trường hợp mà nếu không dừng hay ngăn chặn kịp thời thì có thể xảy ra tai nạn.

Để tránh trường hợp không may xảy ra, CSGT nên dừng phương tiện ở các điểm soát vé, ở các nút giao, nút ra vào cao tốc vì ở đó có biển hạn chế tốc độ, các phương tiện tham gia giao thông sẽ di chuyển chậm hơn. 

Video: Thót tim những pha CSGT lao ra giữa quốc lộ chặn xe vi phạm

Theo ông Quỹ, các Thông tư của ngành công an quy định, khi dừng phương tiện phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các phương tiện đó, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người kiểm soát giao thông, người thực thi công vụ và những phương tiện tham gia giao thông khác trên đường.

“Khi dừng nếu không đảm bảo an toàn thì không được phép dừng phương tiện, trừ những trường hợp đặc biệt như truy bắt tội phạm.

Các trường hợp vi phạm giao thông thông thường, có thể bằng nhiều các phương pháp, nhiều biện pháp để xử lý, đặc biệt là trong luật đã quy định có thể xử lý phạt nguội, hoặc thông tin những vi phạm đó cho những chốt kiểm soát cuối khi ra vào đường cao tốc để xử lý”, ông Quỹ cho hay.

Thượng tá Quỹ cũng cho biết, trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển, người ta đều xử lý những trường hợp vi phạm bằng hình ảnh, còn khi tuần tra kiểm soát, khi đặt trạm chốt kiểm tra trên đường thì phải có cảnh báo dành cho các phương tiện khác trên đường.

“Chẳng hạn như ban đêm, trên xe tuần tra kiểm soát phải bật đèn quay cảnh báo, để các phương tiện khác biết được. Hoặc trước đó, nếu lập chốt cố định thì phải có biển báo trạm cảnh sát giao thông, chốt cảnh sát giao thông để các phương tiện khác biết việc đó và CSGT có thể kiểm tra các vi phạm nếu có.

Còn việc trực tiếp ra dừng xe như vậy là cực kỳ nguy hiểm, thay bằng biện pháp dừng phương tiện, CSGT có thể dùng các biện pháp phạt nguội thì sẽ đảm bảo an toàn hơn và ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông sẽ cao hơn”, cựu cán bộ Đội CSGT số 1 nhận định.

Xuân Trường - Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn