Công tử Bạc Liêu - từ những giai thoại lừng lẫy đến 'thương hiệu' trăm năm

Thời sựThứ Bảy, 25/01/2020 05:54:00 +07:00
(VTC News) -

Sức hấp dẫn từ những giai thoại về vị công tử ăn chơi khét tiếng và giá trị căn biệt thự lớn nhất Nam kỳ lục tỉnh của ông tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Bạc Liêu.

Năm 2019 đánh dấu 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu (ở số 13, Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Di tích này từ lâu là “thương hiệu” của đất Bạc Liêu, gắn liền với những giai thoại về vị công tử giàu khét tiếng, chủ nhân căn biệt thự. Đó là ông Trần Trinh Huy (1900 - 1973).

Công tử Bạc Liêu - từ những giai thoại lừng lẫy đến 'thương hiệu' trăm năm - 1

Nhà Công tử Bạc Liêu là ngôi biệt thự lớn nhất Nam kỳ cách đây 100 năm.

Những câu chuyện được kể về vị công tử này luôn có sự đan xen giữa thực và hư, sự thật và huyền thoại. Đó là những chuyện kể về thói phong lưu, ăn chơi phung phí của công tử nhà giàu từng được gửi sang Tây du học. Tương truyền, khi ông bà Hội đồng Trạch hỏi con trai rằng bằng đại học mà cậu lấy được ở trời Tây là bằng kỹ sư hay luật sư, công tử cười khoe ra các giấy tờ học lái máy bay, học lái xe, nhảy đầm...

Đốt tiền được coi là giai thoại nổi tiếng nhất của ông Trần Trinh Huy - biệt danh Hắc công tử. Trong lần xem hát với Lê Công Phước (George Phước, con trai Đốc phủ Lê Công Sủng, còn gọi là Bạch công tử), cũng là tay chơi lừng lẫy hồi đó, khi ông Phước làm rơi tờ giấy bạc 5 đồng Đông Dương, ông Huy móc túi lấy tờ bạc 100 đồng Đông Dương (tương đương 10 triệu đồng hiện nay) lạnh lùng bật lửa đốt để làm đuốc soi cho người ta tìm tờ bạc đó.

Bạch công tử quá mất mặt vì sự việc trên diễn ra trước sự chứng kiến của cô đào cải lương nổi danh tài sắc Phùng Há, liền đề nghị phục thù bằng cuôc tỷ thí đốt tiền nấu 1kg đậu xanh, nồi đậu của ai sôi trước người đó thắng. Cuộc thi lần này diễn ra trước sự chứng kiến của cô Ba Trà, cũng là giai nhân nức tiếng mà cả hai công tử đều muốn chinh phục. Tiền giấy cháy nhỏ nên phải rất lâu nồi đậu đầu tiên mới sôi, Hắc công tử Trần Trinh Huy thua.

Để đi đến kết cục này, nghe đồn Bạch công tử thí nghiệm trước ở nhà để nhận ra nên đốt loại giấy bạc 10 đồng Đông Dương vì nó cháy nhanh và tỏa nhiệt nhiều hơn. Ông chuẩn bị toàn loại mệnh giá này để nấu đậu. Còn Hắc công tử toàn đốt những tờ tiền mệnh giá lớn, từ 50 đến 100 đồng Đông Dương. Thế nên dù thua, ông Huy cũng không đến nỗi mất mặt. Người ta tính toán các vị công tử mỗi người đốt hết gần 100 tờ giấy bạc, như vậy Hắc công tử Trần Trinh Huy đốt ít nhất 5 nghìn đồng Đông Dương, số tiền đủ mua 3 nghìn giạ lúa, tương đương 300 triệu đồng hiện nay. 

Còn vô số 'thành tích" ăn chơi vô tiền khoáng hậu khác của ông Trần Trinh Huy mà dân gian vẫn trầm trồ. Nào là Công tử Bạc Liêu có vợ chính thức - bà Ngô Thị Đen - nhưng nhân tình, con cái rơi rớt thì không có cách nào thống kê đầy đủ. Công tử Bạc Liêu là người tổ chức cuộc thi hoa hậu cấp đồng bằng đầu tiên. Công tử Bạc Liêu lái máy bay thăm ruộng, có lần lái sang địa phận Thái Lan, bị bắt giữ và xử phạt đến 200 nghìn giạ lúa. Công tủ Bạc Liêu chạy ô tô Peugeot, loại xe sang mà cả nước lúc bấy giờ chỉ có 2 chiếc...

Công tử Bạc Liêu - từ những giai thoại lừng lẫy đến 'thương hiệu' trăm năm - 2

Những giai thoại về Công tử Bạc Liêu được phục dựng, tái hiện lại trong chính căn nhà của vị công tử này để phục vụ du khách.

Những giai thoại về Công tử Bạc Liêu "lôi kéo" rất nhiều du khách đến mục sở thị tòa biệt thự của ông. Ngôi nhà do kỹ sư người Pháp thiết kế, toàn bộ vật liệu được vận chuyển từ Pháp qua. Đây được xem là ngôi biệt thự bề thế nhất ở Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ, người dân vẫn quen gọi là “nhà lớn”.

Công tử Bạc Liêu - từ những giai thoại lừng lẫy đến 'thương hiệu' trăm năm - 3

Toàn bộ vật liệu xây dựng căn biệt thự được vận chuyển từ Pháp qua.

Ngôi nhà được xây bằng thép đúc, đá cẩm thạch, các khung sắt trang trí với hoa văn, đường nét tinh tế… Kiến trúc sang trọng, bề thế 100 năm tuổi này vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và là điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của Bạc Liêu. 

Công tử Bạc Liêu - từ những giai thoại lừng lẫy đến 'thương hiệu' trăm năm - 4

Hầu hết đồ vật trong nhà Công tử Bạc Liêu được bảo tồn nguyên vẹn.

Nhà Công tử Bạc Liêu có hai tầng và một sân thượng. Cầu thang lên tầng hai được làm bằng đá cẩm thạch, chia làm 3 đoạn, mỗi đoạn 9 bậc, tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Cầu thang gỗ dẫn lên sân thượng, trước đây là nơi ông Hội đồng Trạch, cha của Công tử Bạc Liêu, dùng để phơi tiền.

Công tử Bạc Liêu - từ những giai thoại lừng lẫy đến 'thương hiệu' trăm năm - 5

Cầu thang lên tầng hai được làm bằng đá cẩm thạch.

Trong nhà Công tử Bạc Liêu còn có nhiều món đồ cổ quý hiếm. Các bộ bàn ghế đều được cẩn xà cừ, chạm trổ hoa văn sắc sảo, đặc biệt là giường nóng và giường lạnh. Giường lạnh làm từ gỗ sưa, khảm đá cẩm thạch, được Công tử Bạc Liêu dùng vào mùa hè. Giường nóng làm từ gỗ giáng hương, có khả năng giữ ấm cho cơ thể, được dùng vào mùa mưa. 

Công tử Bạc Liêu - từ những giai thoại lừng lẫy đến 'thương hiệu' trăm năm - 6

Giường nóng làm từ gỗ giáng hương.

Giá trị kiến trúc, văn hóa của ngôi biệt thự cùng những hiện vật bên trong nó kết hợp với sự hấp dẫn của các giai thoại về vị công tử khét tiếng giàu có và chịu chơi tạo nên sức hút khó cưỡng của điểm đến này, khiến cho bất cứ ai đến Bạc Liêu cũng không thể bỏ qua.

MIỀN TÂY
Bình luận
vtcnews.vn