Chuyên gia khí tượng lý giải nguyên nhân nắng nóng gay gắt thiêu đốt Trung Bộ

Thời sựThứ Hai, 01/07/2019 18:36:00 +07:00

Chuyên gia khí tượng phân tích những nguyên nhân và nhận định về đợt nắng nóng gay gắt kéo dài ở Trung Bộ.

Các tỉnh Trung Bộ đang trải qua một đợt nắng nóng trên diện rộng kéo dài gần 1 tháng, nhiều nơi ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục trên 43 độ C. Đặc biệt, các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An có xảy ra cháy rừng gây thiệt hại rất nặng nề.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phân tích những nguyên nhân và đưa ra nhận định về đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài này.

Nguyen-van-huong

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

- Đợt nắng nóng gay gắt kéo dài vừa qua ở các tỉnh Trung Bộ có mức nhiệt độ cao kỷ lục thế nào, thưa ông?

Đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 3/6 tới giờ là một đợt nắng nóng dài, nền nhiệt ở nhiều nơi đã vượt mức lịch sử trong tháng 6, như ở Con Cuông (Nghệ An) ngày 22/6 là 43.3 độ C (vượt lịch sử gần đây 42.2 độ C ngày 19/6/2010); Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 22/6 là 42.1 độ C (vượt lịch sử gần đây 41.2 độ C ngày 11/6/2015); Tuyên Hóa (Quảng Bình) ngày 22/6 là 41.6 độ C (vượt lịch sử gần đây 41.4 độ C ngày 01/6/2015); Đô Lương (Nghệ An) ngày 22/6 là 41.0 độ C (vượt lịch sử 39.9 độ C ngày 20/6/1983), đặc biệt tại Quỳ Hợp (Nghệ An) ngày 22/6 là: 43.0 độ C (vượt lịch sử gần đây 42.0 độ C ngày 19/6/2010) và cũng là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước tới giờ ở Quỳ Hợp.

- Vì sao có đợt nắng nóng gay gắt kéo dài như vậy, thưa ông?

 
Về nguyên nhân chính của những đợt nóng gay gắt trong mùa hè năm nay chủ yếu vẫn là do thấp nóng phía Tây và hiệu ứng gió phơn mạnh, tuy nhiên đó là nguyên nhân trực tiếp và mang tính quy mô thời tiết.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Năm nay chúng ta đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino yếu, một hiện tượng có quy mô toàn cầu và đang ảnh hưởng đến nước ta, theo dự báo của chúng tôi thì khoảng thời gian trong 3 tháng tới (từ tháng 7-10/2019) trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C. Riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tháng 11-12/2019 ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,0-1,5 độ C.

Về nguyên nhân chính của những đợt nóng gay gắt trong mùa hè năm nay chủ yếu vẫn là do thấp nóng phía Tây và hiệu ứng gió phơn mạnh, tuy nhiên đó là nguyên nhân trực tiếp và mang tính quy mô thời tiết.

Còn một nguyên nhân nữa có quy mô lớn hơn, đó chính là tác động của hiện tượng El Nino bắt đầu từ cuối năm 2018 đến nay, cùng với đó là những tác động của sự nóng lên toàn cầu, hiệu ứng đô thị hóa làm cho nhiệt độ trong các đợt nắng nóng có xu hướng gia tăng hơn so với trung bình.

- So sánh với các đợt nắng nóng khác trong năm cũng như các năm trước, đợt nắng nóng này ở miền Trung có gì đặc biệt hay bất thường, thưa ông?

Có thể nói đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 3/6/2019 tới giờ (tính đến ngày 1/7) đã là 28 ngày liên tiếp và như vậy nó chỉ kém đợt nắng nóng kéo dài 32 ngày (9/5/2014-10/6/2014), và đợt 39 ngày (14/5-21/6/2015).

Cường độ của đợt nắng nóng này cũng khá gay gắt, nền nhiệt ở nhiều nơi vượt mức lịch sử trong tháng 6, như ở Con Cuông (Nghệ An) ngày 22/6 là 43.3 độ C và đặc biệt tại Quỳ Hợp (Nghệ An) ngày 22/6 là 43.0 độ C (là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước tới giờ ở Quỳ Hợp).

Tuy nhiên đây chưa phải là mức nhiệt kỷ lục cao nhất của ngành khí tượng thủy văn, mức nhiệt 43,4 độ C xảy ra tại Hương Khê (Hà Tĩnh) vào ngày 20/4 mới là mức nhiệt cao kỷ lục của ngành khí tượng thủy văn .

- Ở miền Bắc liên tục thay đổi trạng thái thời tiết từ nắng nóng sang mưa dông, trong khi ở miền Trung tình trạng nắng nóng kéo dài liên tục nhiều tuần, nguyên nhân do đâu có sự khác biệt này, thưa ông?

Thời tiết miền Bắc liên tục có sự thay đổi, từ nắng nóng sang mưa dông, trong khi ở miền Trung tình trạng nắng nóng kéo dài liên tục nhiều tuần, cụ thể là từ 3/7 tới giờ, sự khác biệt là bởi ở miền Bắc ngoài tác động của hoàn lưu vùng thấp nóng, còn có thêm tác động của các hình thế thời tiết từ phía Bắc di chuyển xuống gây mưa rào và dông, làm cho nắng nóng ở miền Bắc không kéo dài như ở miền Trung và đan xen những ngày nắng nóng vẫn có những ngày mưa dông.

Trong khi đó ở các tỉnh miền Trung cả tháng qua chỉ duy nhất vùng thấp nóng và gió phơn tác động và không có hình thế khác ảnh hưởng, vì thế ở miền Trung nắng nóng kéo dài liên tục như vậy.

- Nắng nóng có tác động như thế nào đến miền Trung, đặc biệt là hiện tượng cháy rừng, thưa ông?

Nắng nóng kéo dài, cộng với gió phơn hoạt động mạnh, khiến lượng bốc hơi lớn, thời gian khô nóng kéo dài trong khi mưa không xuất hiện dẫn đến nguy cơ cao về hiện tượng cháy rừng và trong các bản tin dự báo nắng nóng của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cảnh báo về nguy cơ cháy rừng có khả năng xảy ra trong những ngày nắng nóng.

- Ông nhận định thế nào về tình trạng nắng nóng hiện nay và xu hướng trong thời gian tới?

Trong những tháng tới Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung vẫn còn có khả năng xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nhưng thời gian nắng nóng sẽ không kéo dài như đợt nóng đang diễn ra ở miền Trung. 

Dự báo từ nay đến tháng 8/2019 còn xảy ra nắng nóng và có khả năng tập trung nhiều hơn vào nửa cuối tháng 7/2019 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn