Chúng ta sợ hãi ngày mai chính mình sẽ là nạn nhân của sự vô cảm, thói ích kỷ hôm nay

Thời sựChủ Nhật, 30/06/2019 11:42:00 +07:00

PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhận định, sự vô cảm của mình hôm nay với ai đó có thể phải trả giá đắt, bởi chúng ta có thể là nạn nhân của sự vô cảm đấy trong ngày mai.

Vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra tại giao lộ Tân Hương - Võ Công Tôn thuộc phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) vào ngày 25/6 đang nhận được nhiều quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng đối với những nạn nhân xấu số.

Cách hành xử của tài xế taxi Vinasun khi bỏ mặc nạn nhân vùng vẫy trong vũng máu, lạnh lùng bỏ đi sau khi gây tai nạn, và sau đó có gần 40 người đi xe máy và ô tô phóng qua cũng tỏ ra bàng quan, làm ngơ trước sự việc trên cũng bị dư luận bị lên án, cảnh tỉnh về tình người, lòng người trong mỗi chúng ta.

Phóng viên VTC News phỏng vấn PGS.TS Phạm Mạnh Hà (chuyên gia tâm lý, Đại học Quốc gia Hà Nội) về tính ích kỷ, thái độ vô tâm của người Việt trước những sự việc như trên.

- Sự việc tài xế taxi Vinasun bỏ mặc nạn nhân vùng vẫy trong vũng máu, lạnh lùng bỏ đi sau khi gây tai nạn ở TP.HCM cũng như những người đi ngang qua làm ngơ trước việc đó. Phải chăng người Việt ngày càng trở nên vô cảm, ích kỷ trước những sự việc đau thương của người khác?

Thực ra, nếu xét trong bối cảnh chung thì câu chuyện nhiều người từ chối giúp đỡ hai nạn nhân xấu số gặp tai nạn giao thông ở TP.HCM có lẽ là một hồi chuông cảnh tình về lòng người, tình người. Sự vô cảm của người Việt ngày càng trở thành một căn bệnh, ám ảnh mỗi một cá nhân nói riêng và cả cộng đồng nói chung.

haaaaaaaaaaaaaaaa

PGS.TS Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tâm lý, ĐHQG Hà Nội. 

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà ở đó niềm tin, nỗi sợ hãi, sự lo lắng đang đeo bám ở mỗi con người. Chúng ta không biết được rằng, trong ngày mai liệu mình có phải là nạn nhân của chính mình, của sự vô cảm ngày hôm nay hay không? Chúng ta thử hình dung rằng, sự vô cảm của mình hôm nay với một ai đó có thể phải trả giá đắt, bởi chúng ta có thể là nạn nhân của sự vô cảm đấy trong ngày mai.

Câu chuyện mà mọi người đang bàn luận, trao đổi đó chính là một sự lo lắng về tình người, cũng như về việc mọi người sợ hãi tai họa mà mình có thể sẽ gặp phải trong tương lai. Tuy nhiên, nhìn trong một sự việc cụ thể, trong vụ tai nạn xảy ra tại TP.HCM vừa qua thì cần phải khách quan để tránh những sự võ đoán, tránh tư duy mang tính tiêu cực.

- Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cách hành xử của tài xế taxi Vinasun và những người đi qua đường trong sự việc trên và những sự việc tương tự, thưa ông?

Trong bối cảnh đêm tối, tính chất nghiêm trọng, tàn khốc của vụ tan nạn làm cho người tham gia giao thông thực sự sợ hãi.

Nỗi sợ hãi đó đã điều khiển hành vi của họ, những người tham gia giao thông này chưa thể chiến thắng được chính mình. Vì thế, dù muốn giúp đỡ, muốn cứu người song họ cũng sẽ “tặc lưỡi” bỏ qua.

Bên cạnh đó, việc bỏ đi của người người qua đường chứng kiến sự việc đó cũng có căn nguyên là lo sợ sẽ “rước họa vào thân”.

 
Chúng ta thử hình dung rằng, sự vô cảm của mình hôm nay với một ai đó có thể phải trả giá đắt, bởi chúng ta có thể là nạn nhân của sự vô cảm đấy trong ngày mai.

Ông Phạm Mạnh Hà

Trước đây, đã có trường hợp, một người thanh niên đưa một cô gái bị tai nạn giao thông vào bệnh viện, sau đó bạn trai của cô gái này đến đã dùng dao đâm chết ân nhân của người yêu mình. Cũng có trường hợp một người lái xe giúp đỡ nạn nhân say rượu bị ngã, mặc dù anh này không phải là người gây ra tại nạn nhưng người nhà của người say rượu bị tai nạn đó đến và bắt đền.

Ngay cả bản thân người say rượu kia cũng không nhớ gì, thậm chí cũng cho rằng chính người lái xe đã giúp đỡ mình là người gây ra tai nạn. Sau đó, người lái xe tốt bụng này đã phải bồi thường rất nhiều tiền, phiền lụy, rắc rối pháp luật rất nhiều.

- Như vậy, có thể thấy niềm tin giữa con người với con người trong xã hội chúng ta dần mất đi?

Những câu chuyện như vậy làm cho mọi người sợ hãi, tự hỏi rằng “tôi giúp người vậy thì ai tin tôi?”. Hiểu rộng ra, niềm tin xã hội đối với con người, đối với sự thiện lương của chúng ta đang ngày càng giảm bớt đi, con người nhìn nhận, đánh giá lẫn nhau dựa trên yếu tố tiêu cực. Do đó, khi đối mặt với những vấn đề như vậy mọi người thường né tránh rắc rối.

Một khi ngồi phán xét, có thể sẽ đánh giá ở nhiều góc độ, nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, thử đặt mình vào vị trí người đi qua đường, đi vào lúc 3h sáng, nhìn thấy hai nạn nhân vùng vẫy trong vũng máu như vậy, xung quanh không có người thì liệu khi đó chúng ta có nghĩ rằng đây là tình huống giả tai nạn? Có phải một vụ cướp không? Có phải mình sẽ gặp rắc rối không? Tất cả những yếu tố, câu hỏi đặt ra trong đầu đó khiến chúng ta sợ hãi, khiến người qua đường từ chối tham gia giúp đỡ.

Còn đối với tài xế taxi hãng Vinasun, cách hành xử của anh ta một phần liên quan đến sự sợ hãi, một phần liên quan đến “cú sét” mà anh ta đang đối mặt khi chính là thủ phạm gây ra vụ tai nạn. Tài xế hãng Vinasun nghĩ nhiều hơn đến lợi ích của cá nhân, đến tình huống của mình hơn là nạn nhân.

Anh ta biết rằng, mình sẽ phả trả giá, trả giá về vật chất, trả giá về pháp luật. Sự yếu hèn, sự vô cảm đã khiến tài xế Vinassun hành xử như vậy. Trong trường hợp này, tài xế taxi Vinasun thực sự là người đáng trách, sự vô cảm của anh ta cần phải lên án, cảnh báo với cộng đồng để cho mọi người tránh được những sự việc đáng tiếc như vậy.

- Vậy cần phải làm gì để mọi người có sự sẻ chia nhiều hơn, giảm bớt tính ích kỷ, thái độ vô cảm trước các sự việc diễn ra quanh mình?

Thứ nhất, cần làm tốt công tác truyền thông bởi truyền thông có vai trò vị trí rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Cần tuyên truyền cho cái tốt nhiều hơn thay vì việc đi sâu, mổ xẻ những mặt trái của xã hội.

Việc quá quan tâm, tập trung vào những cái xấu, cái tiêu cực sẽ vô hình trung làm cho lòng tin xã hội ngày một mất mát đi, khi đó mọi người cảm nhận rằng mình không có trách nhiệm với những điều mình nhìn thấy trong xã hội. Khi đó mọi người sẽ tự đặt cho mình câu hỏi, xã hội xấu xa như vậy thì tại sao mình phải làm?

Thứ hai, các hành vi cư xử của con người phải được củng cố, khen ngợi một cách thường xuyên hơn. Điều này có nghĩa là cần coi trọng giáo dục, nhất là giáo dục gia đình, trong đó cha mẹ có vai trò quan trọng. Cha mẹ giáo dục các con sự chia sẻ, giúp đỡ, chịu trách nhệm trước việc mình làm.

Hiện nay, các bậc cha mẹ cho rằng đầu tư cho con đi học năng khiếu, các lớp học kỹ năng để mong con mình phát triển vượt trội, trở thành thần đồng nhưng ít bậc cha mẹ nào cho con đi học các khóa học về đạo đức.

Vì thế, một hành vi đạo đức mà không được trải nghiệm, không được giáo dục thì nó sẽ biến con người trở thành vô cảm, biến con người trở nên lạnh lùng. Đạo đức là yếu tố làm cho con người gắn kết với nhau, do đó, cần giáo dục cho con, định hướng đạo đức, cách ứng xử, sự chia sẻ, giúp đỡ, yêu thương người khác.

Thứ ba, giờ đây chúng ta đang sống trong xã hội có phần hơi ích kỷ, chúng ta nghĩ về bản thân nhiều quá, sợ phải sự hy sinh cho người khác cũng như rất lo lắng khi lợi ích của mình bị ảnh hưởng.

Nhận thức như vậy cho nên mọi người sẽ có thiên hướng làm sao để đảm bảo được lợi ích của mình thay vì chấp nhận sự hy sinh, chấp nhận sự mất mát nào đó để thực hiện lòng tốt. Do vậy, rèn luyện, học tập, nâng cao nhận thức, tư duy trong mỗi chúng ta có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

- Xin cảm ơn ông!

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn