Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ tuyên thệ nhậm chức

Thời sựThứ Tư, 19/08/2015 04:28:00 +07:00

“Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp”

Chiều 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về sửa đổi, bổ sung nội quy kỳ họp Quốc hội. Một trong những quy định mới đáng chú ý của dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội là về lễtuyên thệ nhậm chức.

"Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp"- dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội viết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu vấn đề: “Có nên quy định nội dung và thời gian tuyên thệ nhậm chức không? Có thể có ông tuyên thệ năm phút, nhưng có ông phát biểu một bài rất dài. Tôi thấy có những nước họ quy định luôn vào hiến pháp là tuyên thệ thế nào, đặt tay lên bản hiến pháp ra sao”.
Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết đa số ý kiến thành viên ủy ban này khẳng định việc chuyển đổi giới tính là quyền con người, cần được quy định vào luật.
Ảnh minh họa

Do vậy, nội dung khoản 2 điều 36 dự thảo bộ luật quy định “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác” là không phù hợp vì vi phạm quyền con người đã được hiến định. Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội tách nội dung này ra ngoài Bộ luật dân sự và quy định bằng một đạo luật khác.
“Do việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội...” - ông Lý nêu rõ.
Về quy định đặt tên người, Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định “họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” trong dự thảo luật, lý do là “chưa xác định rõ được cơ sở hợp lý của việc giới hạn này và cũng không phù hợp với quy định của Hiến pháp”.
Đồng tình với việc bỏ giới hạn đặt tên không quá 25 chữ cái, nhưng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị vẫn phải quy định chặt chẽ.
“Thực tế việc đặt tên hiện nay hết sức phức tạp. Pháp luật các nước cũng quy định rất chặt chẽ. Người Kinh mà đặt tên người dân tộc, tên nước ngoài, tên tạp âm thì cũng phản cảm. Đặt tên phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của cộng đồng, của dân tộc. Cần quy định nếu đặt tên mà không phù hợp với tập quán thì cơ quan đăng ký phải giải thích, chứ cứ đặt tên nước ngoài, tên Hàn Quốc, tên Ronaldo... loạn xị lên thì không được” - ông Cường 
bày tỏ.

Liên quan đến quy định việc đặt tên con của bà mẹ đơn thân, ông Phan Trung Lý cho biết một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định trường hợp phụ nữ độc thân có con thì họ của con được xác định theo họ của mẹ là quá cứng nhắc.
“Nên quy định theo hướng họ của con do người mẹ quyết định” - ông Lý nêu quan điểm của ủy ban và đề nghị điều chỉnh nội dung này vào dự thảo luật.

Nguồn: Tuổi trẻ
Bình luận
vtcnews.vn