Chiến tranh Việt Nam qua góc nhìn của phóng viên Hãng AP

Thời sựThứ Bảy, 13/06/2015 12:25:00 +07:00

Để đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Hãng Thông tấn AP cử một đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc tới VP ở Sài Gòn, những phóng viên ảnh này đã tạo ra di sản

Để đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Hãng Thông tấn AP cử một đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc tới VP ở Sài Gòn, những phóng viên ảnh này đã tạo ra di sản ảnh đồ sộ.

40 năm sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, bộ sưu tập hơn 58 bức ảnh của AP được chụp trong thời gian chiến tranh đã được triển lãm tại Hà Nội để kể lại những khía cạnh con người phía sau cuộc chiến, về những mất mát, đau thương mà người dân Việt Nam đã phải gồng mình chịu đựng trong suốt chặng đường dài. Những bức ảnh này đã được in trong cuốn sách ảnh “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến”.
Từ cuộc chiến tranh tại Việt Nam, AP đã đoạt 6 giải Pulitzer cho việc đưa tin về cuộc chiến, 4 giải trong số đó cho thể loại ảnh bao gồm cả giải của phóng viên ảnh Nick Út năm 1973.
Triển lãm đã giới thiệu một số bức hình đã đi vào lịch sử như: Cô bé Napalm Kim Phúc, Thích Quảng Đức tự thiêu... hay một số bức hình còn chưa được công bố. Triển lãm Chiến tranh Việt Nam qua ảnh của Hãng Thông tấn AP sẽ mở cửa miễn phí từ ngày 12 - 26/6 tại Triển lãm Thành phố (45 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Dưới đây là một số bức hình trong triển lãm:

Lính Mỹ cứu thương cho đồng đội. 

Thượng sỹ không quân Lyle Goodin vác thi thể một phụ nữ bán hàng rong lớn tuổi ở góc phố gần đó khi một trái bom phát nổ trong một chiếc xe ô tô đỗ trên đường Hàm Nghi, gần Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. 

Một người lính Mỹ đội mũ có khẩu hiệu viết bằng tay (dịch sang tiếng Việt: Chiến tranh là địa ngục). Người lính này phục vụ lữ đoàn kỵ binh 173 bảo vệ Sân bay Phước Vĩnh. 

Trung sỹ dù James R.Cone, từ thành phố Clarksville, Bang Tennessee, ôm một con chó trên tay, dò dẫm tại cửa hang một bờ sông thuộc Lâm Đồng. Bên trái là binh nhất George R. Rosen, từ thành phố Whitehall Bang Montana, lính của Lữ đoàn Không vận 173 đang tìm kiếm quân du kích ẩn náu trong hang. 

Người dân Hà Nỗi vẫy cờ và giương cao biểu ngữ "Tôn trọng và bảo vệ của công triệt để giữ gìn trật tự" khi Việt Minh tiến vào thành phố. 

Lính Việt Nam Cộng hòa kiệt sức, ngủ mê mệt trên một chiếc xe của hải quân Mỹ trong khi trở lại thủ phủ ở tỉnh Cà Mau. Trước đó, trong một chiến dịch kéo dài 4 ngày, đơn vị bộ binh này đã chống lại quân Giải phóng ở vùng đầm lầy tại điểm cực Nam của Việt Nam. 

Các nhà sư và phụ nữ kéo hàng rào dây thép gai được dựng lên trước cửa chùa Giác Minh ở Sài Gòn để ngăn chặn biểu tình. Cảnh sát dùng dùi cui đánh ít nhất 50 người bị thương trong cuộc biểu tình này. Đây là một trong những cuộc biểu tình của Phật Giáo chống lại chế độ Ngô Đình Diệm. Một tháng sau đó, mật vụ tấn công các ngôi chùa trên toàn miền Nam, một hành động chỉ làm tăng thêm sự thù ghét chính quyền. 

Một người cha đau đớn ôm thi hài của con mình trong khi lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa ngồi trên xe bọc thép nhìn xuống. Bức ảnh này của Horst Faas đã nhận được giải Pulitzer năm 1965. 

Người phụ nữ Việt Nam bế một em bé trên tay và kéo con gái chạy tới nơi trú ẩn sau khi ngôi nhà của họ bị quân đội Việt Nam Cộng hòa đốt cháy tại Tây Ninh, cách Sài Gòn khoảng 96km về phía Tây Bắc. Phía sau là đồ dùng còn lại của gia đình. Ngôi làng này được cho là nơi cung cấp nhu yếu phẩm cho khoảng 100 du kích quân Giải phóng. 

Trong những giờ phút hỗn loạn cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhân viên hải quân Mỹ trên tàu SS Blue Ridge đẩy một chiếc trực thăng xuống biển để lấy đường cho các chuyến bay di tản khỏi Sài Gòn. 

Trung tá Robert L. Stirm được gia đình chào đón tại căn cứ không quân Travis ở Fairfield, bang California khi ông trở về nhà sau 5 năm bị bắt làm tù binh chiến tranh. Bức ảnh này của Sal Veder giành giải Pulitzer cho ảnh phóng sự năm 1974. 

Lính Mỹ thuộc Lữ đoàn 3, Sư đoàn Không vận 101 trong buổi biểu diễn ca nhạc Rock tại căn cứ Firebase Kathryn trên một quả đồi phía Nam khu phi quân sự DMZ. Khu vực biểu diễn được bao quanh bởi các boongke gỗ, máy bay trực thăng và bao cát. 

Một lính dù Mỹ bị thương sau trận đánh Đồi Thịt Băm với khuôn mặt đau đớn trong khi chờ đợi được cứu thương được sơ tán tại một căn cứ gần biên giới Lào. 

Một người bị tình nghi là quân giải phóng đang bị tra khảo dưới họng súng M16 của một lính Mỹ thuộc Sư đoàn Không vận 101. 

Một người lính kỵ binh Mỹ cởi trần lắp đặt khẩu pháo tại căn cứ tuần tra ở thung lũng A Sầu trong chiến dịch Delaware. Chiếc trực thăng bị hỏa lực Quân Giải phóng bắn hạ nằm bên phải trong khi những người lính đang dọn bụi cây phía sau. 

Nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn vào ngày 11/6/1963. 

Cô bé Kim Phúc, 9 tuổi, (ở giữa), mình trần, kêu khóc thảm thiết trong cuộc tấn công bằng bom Napalm tại Trảng Bàng, phía sau là lính của Sư đoàn 25 của Việt Nam Cộng hòa. Bức ảnh này của Nick Ut đã giành được giải Pulitzer cho ảnh thời sự năm 1973. 

Tướng Nguyễn Ngọc Loan (Sáu Lèo) tư lệnh Cảnh sát Quốc gia bắn vào đầu một chiến sỹ biệt động với hai tay đang bị trói. Ngay lập tức bức ảnh đã lên trang nhất các báo quốc tế, làm xôn xao dư luận, gây sốc cho nhiều người trên thế giới, làm đẩy mạnh phong trào phản chiến ở Mỹ. Bức ảnh này làm Eddie Adams giành được giải Pulitzer vào năm 1969 về chụp hình tin tức tại chỗ. 

Được biết, trước đó, các cuộc triển lãm ảnh tương tự với những bức ảnh được lấy từ cuốn sách ảnh “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến” đã tổ chức tại Phòng tranh Steven Kasher ở New York và trụ sở chính của báo Guardian ở London. 


Nguồn: Xuân Phú (Infonet)
Bình luận