Cha của phi công hy sinh ở Khánh Hoà: 'Tối hôm trước Trường còn gọi điện gửi hình con gái và hứa sớm về, vậy mà...'

Thời sựThứ Hai, 17/06/2019 06:36:00 +07:00

Trước ngày gặp nạn, sĩ quan Trường còn gọi điện nói rằng vừa gửi hình cháu gái nhỏ mới sinh vào điện thoại của bố và hẹn sẽ sớm về, vậy mà...

Những ngày này, căn nhà nhỏ tại thôn Cam 2, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm (Hà Nội), nơi Thiếu tá phi công Lê Xuân Trường từng sinh sống đông người hơn thường lệ. Nhiều người thân, hàng xóm, cùng bạn bè đồng đội đến chia buồn và chờ đón anh về.

Ngồi bần thần trong căn phòng nhỏ, nén nỗi đau mất đi người con trai duy nhất, niềm tự hào lớn nhất của mình, ông Lê Văn Lợi (SN 1944), bố của Thiếu tá Lê Xuân Trường gượng tiếp những người đến hỏi thăm.

Hai mắt thâm quầng, nét u buồn lộ rõ. Ông Lợi chia sẻ, Thiếu tá Lê Xuân Trường là con trai duy nhất trong gia đình, trên anh Trường có 1 một chị gái, mẹ Trường mới mất gần 3 năm nay.

Ông Lợi kể cả gia đình có truyền thống làm trong ngành quân đội, bản thân ông cũng có 25 năm liên tiếp phục vụ trong lực lượng phòng không không quân. Thời điểm người con trai duy nhất quyết định trở thành phi công, ông rất ủng hộ và tự hào.

le-xuan-truong 4

 Ông Lê Văn Lợi, bố của phi công Lê Xuân Trường.

Sống tình cảm, thích cảm giác mạnh

Năm 2006, chàng trai trẻ Lê Xuân Trường thi đỗ trường Sỹ quan Không quân, sau đó được giữ lại làm giảng viên ở trường và cũng kể từ đó, anh định cư tại Khánh Hòa.

Năm 2014, anh Trường kết hôn với chị Hằng, 1 học viên trong trường và đến nay, gia đình nhỏ của anh chị đã có 2 bé gái, bé lớn 5 tuổi, còn bé thứ 2 mới chỉ 3 tháng tuổi.

Dù nhà neo người, nhưng do điều kiện công tác, một năm anh Trường chỉ về quê được khoảng 2 lần, thường vào dịp Tết Nguyên đán và dịp giỗ mẹ.

Tết năm nay bận việc, phải thi sát hạch và cũng là dịp vợ sinh nên anh không kịp về quê, lần gần đây nhất anh ra thăm bố và họ hàng đã cách đây gần 1 năm, vào dịp giỗ mẹ.

“Hồi đó, Trường ra ngoài này được 1 tuần mà tôi cảm thấy chớp nhoáng. Hai bố con rất hợp tính nhau, tôi thường xuyên tâm sự, động viên con trai cố gắng làm việc và học tập thêm để nâng cao trình độ. Trường cũng nói với tôi sẽ cố gắng phấn đấu, rèn luyện”, ông Lợi xúc động nhớ lại.

Kể về cơ duyên khiến anh Trường trở thành phi công, ông Lợi cho biết, cả gia đình vốn đã có truyền thống theo quân đội, cả bố mẹ, chị gái đều phục vụ trong quân ngũ. Trường gia nhập quân ngũ là để tiếp nối truyền thống ấy và cũng là để khám phá và thỏa mãn đam mê của mình.

“Năm đó, Trường thi vào trường Sỹ quan Không quân với mục đích ban đầu để rèn luyện thân thể. Sau này, được huấn luyện bay và nhảy dù, Trường tìm ra đam mê của mình ở trên không gian và rất yêu thích cảm giác mạnh, thích sự mạo hiểm, từ đó càng gắn bó và đam mê với công việc hơn.

Trước đây, có thời điểm Trường có cơ hội về công tác tại sân bay Gia Lâm, tôi cũng tỏ ý muốn con trai về nhà cho gần gia đình nhưng Trường quyết định ở lại Nha Trang vì đam mê lái máy bay quân sự, đặc biệt nhất là thích lái Su.

Sau đó, nhà trường giữ lại làm giảng viên, Trường lại quen và yêu nữ học viên ở đó nên quyết định ở lại hẳn”, ông Lợi kể.

nguoi than phi cong le xuan truong 3

 

Nhắc lại những kỷ niệm về cậu con trai duy nhất, ông Lợi xúc động: “Trường là đứa ngoan ngoãn, chăm chỉ từ nhỏ, rất có ý chí và cũng rất tình cảm, thương bố mẹ, ông bà.

Ở xa, Trường gần như ngày nào cũng gọi điện về cho tôi. Đêm trước hôm gặp nạn (13/6), Trường còn gọi nói rằng đã gửi hình cháu gái nhỏ mới sinh vào điện thoại của bố và còn hẹn sẽ sớm về, vậy mà…”.

Nhớ lại buổi sáng định mệnh phải nghe tin dữ, ông Lợi nghẹn ngào: “Hôm 14/6, sau tại nạn xảy ra khoảng 10 phút, tôi nhận được điện thoại của người thân trong Nha Trang báo có máy bay của Trung đoàn 920 rơi, đồng thời liên lạc với con trai tôi không được nên báo ra cho tôi.

Tôi liền gọi 3 cuộc liên tiếp cho vợ Trường nhưng không được. Tôi gọi tiếp cho bố mẹ vợ của Trường nhiều lần và bà thông gia báo Trường bị rơi máy bay, chưa rõ tình hình thế nào nên rất lo lắng.

Khoảng nửa tiếng sau đó, Chính ủy Trung đoàn điện cho tôi báo “em Trường đã hy sinh rồi, đơn vị đã đưa về Bệnh viện 87 ở Nha Trang”. Nghe đến đó tôi choáng váng, mất thăng bằng và tim gần như ngừng đập”, ông Lợi bật khóc.

“Tôi rất tự hào và không quá lo lắng khi Trường theo ngành phi công. Được vào ngành không quân là niềm tự hào với cả gia đình và họ hàng, nhất là gia đình theo truyền thống theo cách mạng như gia đình tôi. Gặp phải sự cố hôm nay là do số phận”, ông Lợi nghẹn ngào nói thêm.

Cuộc hẹn mãi không thể thực hiện

Nắm chặt tay ông Lợi cùng chia sẻ nỗi đau, anh Diệp Minh Thành (SN 1986, ở Gia Lâm, Hà Nội), bạn thân của Thiếu tá Lê Xuân Trường, không giấu được những giọt nước mắt.

ban phi con le xuan truong

 Anh Diệp Minh Thành, bạn thân của Thiếu tá Lê Xuân Trường.

“Ngày đầu tiên vào học cấp 3, tôi và Trường được cô giáo xếp ngồi cạnh nhau và cả hai chơi thân với nhau kể từ đó. Suốt những năm học cùng là biết bao kỷ niệm gắn bó, sau này mỗi người có một hướng đi riêng, tôi theo ngành dược còn Trường theo quân đội, phải công tác xa nên ít có điền kiện gặp mặt.

Nhưng mỗi dịp Trường ra đây ra ngoài này, chúng tôi đều dành cả ngày tâm sự, ôn lại những kỷ niệm cũ. Nhiều lần tôi định vào Nha Trang nhưng chưa kịp thực hiện.

Con người Trường có quá nhiều điểm khiến người khác ấn tượng, “Trường phi công” nghịch ngợm, thông minh, nhưng sống rất tình cảm... Nếu chỉ dùng một từ để miêu tả, tôi chỉ dùng từ “Tốt”.

Cách đây ít hôm, tôi và Trường nói chuyện và hẹn đến sinh nhật Trường, nếu Trường không ra ngoài này thi tôi sẽ vào trong đó”, anh Thành chia sẻ.

“Trường là người bạn thân duy nhất của tôi, Khi nghe tin nó gặp nạn, tôi không thể tin đó là sự thật, phải hỏi lại nhiều lần, cảm giác lúc đó…”, anh Thành bật khóc.

Ngày 15/6, đoàn gia đình 6 người đã vào Khánh Hòa để đón Thiếu tá Lê Xuân Trường về đất mẹ. 

Ngày 16/6, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức lễ truy điệu trang trọng theo đúng nghi thức quân đội. Sau khi hỏa táng, đến 19h ngày 16/6, di cốt Thiếu ta Lê Xuân Trường sẽ được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Xuân Trường - Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn