Cán bộ trạm kiểm dịch thờ ơ với tả lợn châu Phi: Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An lên tiếng

Thời sựThứ Năm, 07/03/2019 08:30:00 +07:00

Sau khi VTC News phản ánh việc các chốt, trạm kiểm dịch ở Nghệ An không có người trực, cán bộ thờ ơ với dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết sẽ chấn chỉnh ngay.

Ngày 5/3, VTC News đăng tải bài viết "Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh ở miền Bắc, cán bộ trạm kiểm dịch Nghệ An vẫn thờ ơ" phản ánh tình trạng cán bộ chốt, trạm kiểm dịch không đủ quân số, cán bộ bỏ trực hoặc kiểm tra qua loa, thậm chí không phun thuốc phòng dịch cho xe ô tô chở lợn từ Bắc vào Nam.

Liên quan đến sự việc trên, Giám đốc Sở NN&PTNN Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết đã nắm được thông tin và sẽ chấn chỉnh ngay. 

tRam-kiem-dich-bac-nghe-an-khong-co-nguoi-truc

Trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An không một bóng người trong chiều 3/3.

“Sau khi báo phản ánh, chúng tôi đã yêu cầu anh em báo cáo sự việc đồng thời chấn chỉnh ngay cán bộ, nhân viên đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Quan điểm là sẽ xử lý nghiêm các cán bộ, nhân viên liên quan.

Tất cả các vị trí chốt, trạm và tổ lưu động đều phải đủ 3 thành phần tham gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi gồm cán bộ ngành thú y, quản lý thị trường (QLTT) và CSGT”, ông Hiếu cho biết.

Theo ghi nhận của PV VTC News, đến ngày 5/3, lực lượng cán bộ ngành thú y và CSGT đã đủ quân số theo yêu cầu của UBND tỉnh. Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường vẫn chưa đủ quân số, mới chỉ có 3 cán bộ QLTT tham gia, trong khi theo yêu cầu của UBND tỉnh Nghệ An là 7 người. 

Về vấn đề này, ông Trần Đăng Ninh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Nghệ An cho biết: “Chi cục Thú y chỉ đề nghị chúng tôi cử 3 cán bộ QLTT tham gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi nên chúng tôi đã cử 3 cán bộ”. 

Tuy nhiên, ông Đặng Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nghệ An cho biết: "Chúng tôi đề nghị Cục QLTT Nghệ An cung cấp 7 cán bộ tham gia theo yêu cầu của UBND tỉnh, nhưng anh Ninh (Quyền Cục trưởng Cục QLTT Nghệ An) nói do quân số lực lượng QLTT không đủ nên không cung cấp đủ 7 người. Khi đó, tôi nói tối thiểu phải là 3 người, sau đó anh Ninh cung cấp cho chúng tôi danh sách 3 người”. 

Untitled 3

 Cán bộ trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An đã kiểm tra chặt chẽ các xe ô tô chở lợn. (Ảnh BNA) 

Trước đó, ngày 3 và rạng sáng 4/3, PV VTC News có mặt tại các chốt, trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An ở Thị xã Hoàng Mai phát hiện tại chốt trực trạm này (hướng Bắc-Nam) không có người trực.

Ở bên kia đường có 1 cán bộ thú y trực, không có lực lượng QLTT và CSGT. Xe tải chở lợn đi qua trạm đều tự chủ động dừng xe, sau đó cán bộ thú y mới trèo qua dải phân cách Quốc lộ 1 để về làm nhiệm vụ.

Đặc biệt, khi đêm xuống có xe tải chở lợn theo hướng Bắc-Nam nhưng không được cán bộ phun thuốc phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi.

Còn tại chốt kiểm dịch trên đường Hồ Chí Minh tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, từ lúc 23h50 ngày 3/3 đến 0h10 ngày 4/3, chốt kiểm dịch này không hề có một bóng người, đèn điện vẫn thắp sáng. Nhóm phóng viên dừng xe chụp ảnh gần 20 phút nhưng cũng không thấy ai xuất hiện.

Video: Xác lợn vứt bừa bãi, dịch tả lợn châu Phi khó dập

Trước diễn biến nhanh và nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, sáng 5/3, UBND tỉnh Nghệ An đã họp cấp bách triển khai các giải pháp ngăn chặn. 

Nghệ An là địa phương có ngành chăn nuôi lợn manh mún, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn so với cả nước. Toàn tỉnh có gần 900.000 con lợn, đứng thứ 5 cả nước. Trong đó, có 120 trang trại chăn nuôi lợn tập trung với 103.345 con; chiếm tỷ lệ 11,2% tổng đàn lợn; chủ yếu là chăn nuôi nông hộ với 295.598 hộ, gần 646.800 con; chiếm tới 70,3% tổng đàn lợn của cả tỉnh. 

Hiện toàn tỉnh chỉ có 56 cơ sở giết mổ tập trung, tỷ lệ lợn được đưa vào cơ sở giết mổ tập trung chiếm 20% tổng số lợn được giết mổ của tỉnh; có trên 1.000 hộ giết mổ gia đình giết mổ 1 - 3 con lợn/ngày đêm. 

Ngày 27-28/2, UBND tỉnh Nghệ An đã ra nhiều quyết định thành lập chốt/tổ kiểm dịch tạm thời, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, tất cả trạm, chốt và tổ liên ngành phải trực 24h/24h trong ngày, kể cả ngày nghỉ, thứ Bảy và Chủ nhật. 

Các trạm này chia làm 3 ca, mỗi ca 4 người gồm 2 cán bộ ngành thú ý, 1 cán bộ CSGT, 1 cán bộ QLTT do cán bộ ngành thú y làm trưởng ca. 

TRẦN LỘC
Bình luận
vtcnews.vn