Các dự án đầu tư vào Thủ Thiêm bị đình trệ vì thanh tra

Thời sựThứ Sáu, 19/07/2019 07:39:00 +07:00

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, từ tháng 7/2017 đến nay, tất cả những dự án đầu tư vào Thủ Thiêm gần như đình trệ để phục vụ công tác thanh tra.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, từ tháng 7/2017 đến nay, tất cả những công việc liên quan đến quy hoạch và các dự án đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm gần như đình trệ để phục vụ công tác thanh tra. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện đầu tư, phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong đó, một số dự án đầu tư nước ngoài được kỳ vọng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng bị yêu cầu phải tạm dừng để xem xét lại quy trình chọn nhà đầu tư.

“TP.HCM kỳ vọng vào 1 dự án đầu tư nước ngoài trị giá gần 1 tỷ USD vào vùng lõi khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng bị yêu cầu xem xét lại”, ông Phong cho biết.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, nhà đầu tư theo đuổi dự án này từ nhiều năm, lên thiết kế thực hiện dự án đúng quy trình. Vì vậy, UBND TP.HCM đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc này.  Việc dự án chậm trễ, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đến cuối năm, TP.HCM đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách Trung ương giao (gần 400.000 tỷ đồng) thì mức tăng trưởng vào cuối năm phải đạt từ 8,3 - 8,5%. Đây là nhiệm vụ khó khăn đối với TP.HCM.

chu-tich-unnd-tphcm

 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. (Ảnh: Thành ủy TP.HCM)

Ông Phong cũng cho biết, mới đây, Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy danh sách 124 dự án gặp vướng do bị thanh tra. Nếu TP.HCM không kịp tháo gỡ thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trước áp lực lãi vay ngân hàng.

Cụ thể, thời gian qua, TP.HCM tập trung thực hiện đột phá cải cách hành chính và thực hiện của Quốc hội để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, nhưng quá trình thực hiện còn vướng mắc. Việc rà soát, xử lý nhà đất công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị Trung ương quản lý tại TP.HCM bị chậm. 

Qua thống kê, Trung ương có hơn 2.000 địa chỉ nhà đất, trong đó có nhiều nơi đang sử dụng lãng phí. TP.HCM được giao phối hợp với Bộ Tài chính sắp xếp các địa chỉ này. Sau khi sắp xếp, TP.HCM có thể hưởng 50% giá trị đối với số nhà đất dôi dư ra, tạo thêm nguồn đầu tư phát triển. Mặc dù TP.HCM rất chủ động phối hợp với Trung ương để tổ chức thực hiện việc sắp xếp, nhưng công tác này vẫn gặp trở ngại. 

Tương tự, UBND TP.HCM đã báo cáo với Thủ tướng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng chưa được phê duyệt.

Bên cạnh đó, quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức thấp. Liên quan đến vấn đề này, UBND TP.HCM từng chủ động làm việc với Bộ TN-MT và Thủ tướng đề nghị được thực hiện thí điểm quy trình rút gọn.

Thay vì hiện tại mất hơn 300 ngày mới hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng, quy trình thí điểm sẽ rút ngắn phân nửa thời gian thực hiện. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ vẫn chưa thông qua nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện theo quy trình thí điểm rút gọn.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn