CA trại giam và tình huống 'uỳnh uỵch' đêm giao thừa

Thời sựThứ Hai, 11/02/2013 04:16:00 +07:00

Càng gần giây phút Xuân sang, phạm nhân càng day dứt, nhớ nhà, nhớ người thân, đôi khi chỉ cần một câu nói bâng quơ cũng khiến họ phát sinh mâu thuẫn

Càng gần giây phút Xuân sang, phạm nhân càng day dứt, nhớ nhà, nhớ người thân, đôi khi chỉ cần một câu nói bâng quơ cũng khiến họ phát sinh mâu thuẫn

Nhìn những cành đào rừng trong khuôn trại nở những bông hoa đầu tiên báo hiệu Xuân sắp tới, đó cũng là thời điểm cán bộ của Trại giam Quyết Tiến (tỉnh Tuyên Quang) tất bật chuẩn bị cho phạm nhân của mình đón Tết Nguyên Đán.

Những ngày này, họ càng phải sâu sát đến phạm nhân hơn bao giờ hết bởi càng đến gần giây phút Xuân sang, phạm nhân lại càng day dứt, nhớ nhà, nhớ người thân, đôi khi chỉ cần một câu nói bâng quơ cũng khiến họ phát sinh mâu thuẫn. Vì thế, vào những ngày Tết, cán bộ quản giáo phải đảm bảo trực 100% quân số. Năm nào cũng vậy, khi thời khắc đón giao thừa vừa đến, các cán bộ quản giáo lại chia nhau xuống từng buồng giam vừa chúc Tết phạm nhân.

Hơn chục năm công tác trong trại giam Quyết Tiến, đại úy Đinh Trọng Tuấn tâm sự, những năm đầu mới về trại anh được nghe nhiều người đi trước kể về những tình huống và công việc khi phải trực nhưng năm nào anh cũng có những tình huống bất ngờ xảy ra.

Phạm nhân ở đội sản xuất rau sạch. 

Tết Kỷ Mão 1999, khi đó trại giam Quyết Tiến chưa được hoàn thiện như bây giờ, một số phân trại đang trong thời gian xây dựng, hệ thống điện cũng chưa được tốt. Đúng thời khắc giao thừa, điện trong buồng giam của các phạm nhân nữ bỗng vụt tắt, kèm theo đó là tiếng hét: "Thầy ơi, thầy ơi" liên tục phát ra. Tưởng có vụ đánh nhau, Tuấn cùng một cán bộ của phân trại tên là Kiên cầm đèn pin chạy uỳnh uỵch xuống giải quyết. “Hóa ra là chập điện chứ không phải họ dập cầu giao để 'giải quyết mâu thuẫn'.

Tôi và Kiên vội vàng người cầm thang, người cầm đèn pin và tô vít nhanh chóng đi khắc phục. Đêm giao thừa, trời rét căm căm, vậy mà chạy đi chạy lại để khắc phục sự cố điện cũng khiến chúng tôi mướt mồ hôi. Khi điện sáng trở lại, cả phòng phạm nữ ai nấy lại reo hò trong niềm vui sướng và không ngớt lời cảm ơn cán bộ” – vị cán bộ phụ trách giáo dục nhớ lại.

Có lần vào sáng mùng 1 Tết, sau khi thay ca trực, đại úy Tuấn cùng một số cán bộ xuống trại thăm và chúc Tết các phạm nhân. Vừa gặp, có phạm nhân đã chạy đến ôm chầm và khóc nức nở, cán bộ Tuấn nói và cho hay khi hỏi ra mới biết người này do thiếu thốn tình cảm nên đã coi cán bộ trại giam nơi đây như ruột thịt của mình.

Là người có thâm niên trực Tết ở trại giam, trung tá Nguyễn Mạnh Hùng (cán bộ, đội phó đội quản giáo kiêm phụ trách giáo dục) phân trại K3 trại giam Quyết Tiến cho hay, công việc hằng ngày của cán bộ quản giáo đã căng thẳng, ngày Tết lại càng vất vả hơn. “Để những người phạm lỗi được vui xuân xóa đi mặc cảm tội lỗi, lại vừa giúp họ không có những ý nghĩ tiêu cực, những ngày Tết, chúng tôi tạo không khí vui vẻ, đầm ấm qua các trò chơi”- trung tá Hùng chia sẻ.


Theo đội phó đội quản giáo, bữa ăn ngày Tết trong trại giam cũng đầy đủ giò, chả, thịt gà, thịt lợn, măng, miến như một mâm cỗ truyền thống bình thường. Nhưng không phải cả nghìn can phạm, phạm nhân ai cũng ăn giống ai. Những người khoẻ mạnh thì ăn theo thực đơn chung, nhưng những người đang ốm yếu lại có thực đơn riêng. Người đang suy dinh dưỡng thì cần tăng lượng thực phẩm, người bị thừa cân, người mắc bệnh thì lại có chế độ kiêng khem.

Ở phân trại phạm nhân làm thủ công, cán bộ quản giáo càng phải 'lao động' cật lực. 

“Lo nhất ngày Tết là vệ sinh an toàn thực phẩm. Khối lượng lương thực, thực phẩm cần chế biến nhiều như thế, chỉ cần sơ suất trong khâu nhập thực phẩm, chuẩn bị bữa ăn là dễ dàng xảy ra ngộ độc, hậu quả khôn lường” - cán bộ Hùng cho hay.


“Có một năm, mình không được ăn Tết vì gần giao thừa, phạm nhân bỗng dưng đau bụng. Phải gọi xe đưa đi cấp cứu, tới khi khỏi thì hết 3 ngày Tết. Hóa ra phạm nhân đó ăn đồ ở nhà gửi lên, ăn nhiều quá nên bị 'bội thực'. Từ đó, bài học về chuyện ăn uống dịp Tết được phổ biến tới phạm nhân rất kỹ lưỡng” – anh Hùng kể lại.

Ngoài việc phải tổ chức ăn uống đúng khẩu phần cho anh em phạm nhân, nghĩ ra các trò chơi để họ được vui xuân ... cán bộ trực còn phải nắm rõ tâm lý của từng phạm để có cách động viên, xử lý cho kịp thời, nhất là những trường hợp mới được chuyển về trại dịp giáp Tết hay phạm phải chịu án dài.

“Ngày Tết, mình chẳng được ở nhà với gia đình nhiều mà phải dành thời gian cho các phạm nhân. Họ dần trở thành những người được mình quan tâm nhiều nhất. Có người, được tự do vài năm họ mới gọi điện cảm ơn các cán bộ trại. Họ nói biết ơn bọn mình nhưng thực tế, mọi việc làm của cán bộ ở trại đều là nhiệm vụ. Mình chỉ mong phạm nhân họ cải tạo tốt, sớm trở về mình cũng thấy nhẹ lòng mỗi dịp Xuân sang” – Trung tá Hùng tâm sự.

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn