Bộ Tài chính khoán xe công: Quan chức Quốc hội đề nghị bắt buộc trên toàn quốc

Thời sựThứ Sáu, 23/09/2016 07:08:00 +07:00

Quan chức Quốc hội đồng tình với quyết định khoán xe công ở Bộ Tài chính và đề nghị sớm có tổng kết để có thể nhân rộng ra toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Quyết định quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.

Theo đó, chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công được áp dụng đối với các chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2016.

truong-minh-hoang-2

  Ông Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói về việc khoán xe công của Bộ Tài chính (Ảnh: Phạm Thịnh)

Ngày 22/9, trả lời PV VTC News, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết rất ủng hộ quyết định này vì “Quyết định của Bộ Tài chính là một việc làm tốt”.

Tuy nhiên, đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng Bộ Tài chính cần tính toán cụ thể việc làm này sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho ngân sách quốc gia.

“Một đầu xe sử dụng trong một năm sẽ phải tiêu tốn bao nhiêu chi phí xe, chi phí nguyên liệu đi lại, chi phí khấu hao, chi phí cho tài xế, chi phí cho duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, bảo hiểm…”, đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị nêu rõ.

Ông Hoàng cho rằng nếu Bộ Tài chính đã có những tính toán cụ thể vấn đề này thì cần công bố cho dư luận được biết để đồng thuận.

“Mở rộng ra ở phạm vi toàn quốc, những người từ cấp Thứ trưởng trở xuống có chế độ xe đón tại nhà thì nếu áp dụng chính sách này sẽ tiết kiệm được bao nhiêu?”, đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị làm rõ.

Vì vậy, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường cho rằng cần phải đưa quy định này trở thành một quy định bắt buộc ở các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các tỉnh, thành phố…

“Nếu đưa được quy định này trở thành một quy định chính thức trên toàn quốc thì tôi nghĩ sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Cần tính toán như vậy để thấy được hiệu quả”.

khoan xe cong-1

 Hàng loạt xe công đỗ trên lề, dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - Ảnh: Tuổi trẻ.

Ông Hoàng cho biết trước đây một số lãnh đạo các đơn vị ở Quốc hội cũng thực hiện việc khoán xe công. Tuy nhiên, việc làm này chưa được nhân rộng vì mới chỉ dừng lại ở việc “khuyến khích”.

“Khuyến khích thì còn nhiều bất cập. Nếu đưa được trở thành quy định chung thì tôi hoan nghênh rất cao”, đại biểu Trương Minh Hoàng nói.

 Ông Hoàng tiếp tục khẳng định việc đồng tình với quyết định của Bộ trưởng Tài chính và đề nghị cần có tính toán hơn nữa để thực hiện trong toàn bộ các cấp ngành.

Tuy không có thời gian để tính toán nhưng đại biểu Trương Minh Hoàng dự đoán nếu việc khoán xe công được thực hiện trên phạm vi toàn quốc sẽ tiết kiệm cho ngân sách một khoản “cực lớn”.

Tuy nhiên, vị đại biểu Cà Mau cho rằng việc khoán xe công cần phải tính toán chi ly tới từng cấp Thứ trưởng, Tổng cục trưởng.

Ông Hoàng lấy ví dụ trước đây khi có chủ trương thực hiện việc khoán ở Cà Mau, ông cũng đã cho khoán việc sử dụng xăng xe đến từng cấp phòng ban, lãnh đạo đơn vị.

Vì vậy, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần tổng kết việc khoán xe công ở Bộ Tài chính để có đề xuất thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Video: Thủ tướng xin lỗi việc đoàn xe công đi vào phố cổ Hội An

Theo mức khoán của Bộ Tài chính, dự kiến một tháng, tiền khoán xe cho các Thứ trưởng của Bộ Tài chính là 44,22 triệu đồng.

Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí và Thứ trưởng Trần Xuân Hà sẽ có mức khoán kinh phí sử dụng là 9,9 triệu đồng/tháng (với số km khoán tương đương là 15 km/lượt).

Thứ trưởng Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Trần Văn Hiếu được áp dụng mức kinh phí sử dụng xe công là 5,28 triệu đồng, tương đương với số km đi là 8 km/lượt.

Chỉ có Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải được áp dụng mức khoán thấp nhất với số tiền 3,96 triệu đồng do khoảng cách đi lại là 6 km/lượt.

Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được được xác định bằng đơn giá khoán (đồng/km) x số km khoán (km) x 2 lượt x số ngày làm việc của tháng.

Trong đó, đơn giá khoán được xác định theo mức giá của các hãng xe taxi (loại 4 chỗ ngồi) phổ biến trên thị trường; số km khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc; số lượt đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày 2 lượt (đi và về); số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ Luật Lao động (22 ngày).

Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được thực hiện ổn định 12 tháng/1 lần tính từ thời điểm Bộ phê duyệt đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn