Bi hài chuyện quan lại đi Tết thượng cấp

Thời sựThứ Hai, 11/02/2013 03:36:00 +07:00

Chẳng phải tới ngày nay, người ta mới biết đi Tết cấp trên của mình. Từ thời xưa, cứ mỗi khi Tết đến là quan lại bất kể lớn bé đều trở nên cực kỳ bận rộn.

Chẳng phải tới ngày nay, người ta mới biết đi Tết cấp trên của mình. Từ thời xưa, cứ mỗi khi Tết đến là quan lại bất kể lớn bé đều trở nên cực kỳ bận rộn.

Bởi lẽ nếu những vị quan nhỏ phải đau đầu lo lắng về món quà mang đi biếu thì các vị quan lớn lại bận rộn với việc nhận lễ của cấp dưới mang tới, thành ra ai nấy đều bị quay như chong chóng. Chuyện đi Tết của quan lại thời xưa cũng vì thế để lại không ít những tình huống cười ra nước mắt.

Chen lấn đi Tết tắc cả đường

Từ xưa tới nay, như đã thành quy luật, khi một triều đại nào đó bắt đầu xuống dốc thì cũng là lúc những tệ nạn như tham nhũng, hối lộ bắt đầu trở nên không thể kiểm soát được nữa. Trong những giai đoạn đó, việc đi Tết quan trên, do tính chất lễ nghĩa của nó, càng dễ trở thành một hình thức hối lộ công khai và hợp pháp. Cũng vì thế, việc biếu xén, quà cáp cấp trên mỗi dịp Tết đến xuân về từ hàng nghìn năm nay đã trở thành một thứ “quy tắc ngầm” trong chốn quan trường.

Tuy nhiên, chuyện đi Tết quan trên không đơn giản chỉ là chuyện con gà, đĩnh bạc. Để việc đi Tết được thuận buồm xuôi gió, người đi Tết buộc phải thông hiểu những quy tắc ứng xử đã được định sẵn từ trước. Cấp dưới muốn biếu xén cho cấp trên thì buộc phải biếu cho người canh cửa của cấp trên. Chẳng phải tới ngày nay cái gọi là phong bì vào cửa mới xuất hiện mà nó đã có từ thời nhà Hán bên Trung Quốc.

Sách “Hậu Hán Thư”, thiên “Lương Ký truyện” có chép rằng, vào thời Đông Hán, ngoại thích Lương Ký chuyên quyền, vô cùng hống hách khiến bá quan văn võ trong triều vô cùng khiếp sợ. Vì vậy, ai nấy đều tìm cơ hội để biếu xén lấy lòng họ Lương. Tuy nhiên, Lương Ký thì cả ngày bận rộn rong chơi cùng ái thiếp xinh đẹp của mình là Tôn Thọ, có khi cả mấy ngày liền không mở cửa tiếp khách.

Vì thế, rất nhiều người tìm tới phủ họ Lương đều bị những người canh cửa ngăn lại không cho vào. Khách muốn vào phủ họ Lương để biếu quà đều phải lót tay họ. Vì thế, những người canh cửa nhà họ Lương cũng thu được tới vài chục lạng bạc, thu nhập còn cao hơn cả một vị quan thất phẩm đương thời.

Tuy nhiên, khó khăn duy nhất không phải ở kẻ canh cửa mà chính từ những đối thủ cạnh tranh trong việc đi Tết quan trên. Bởi lẽ, với vị quan có quyền có thế như Lương Ký  chẳng hạn thì số người muốn biếu xén quả thực không ít. Cũng có lẽ vì thế, vào thời nhà Minh đã xảy ra một cảnh tượng “đi Tết” vô tiền khoáng hậu.

Sách “Nhị tục Kim Lăng tỏa sự” có chép rằng, vào một đêm 30 tết thời Vạn Lịch, Chu Huy (nhân vật chính trong truyện) ra ngoài thăm bạn, khi tới Nội Kiều thì thấy ở phía trước nha môn của Binh Mã Ty tập trung rất đông người, xếp thành từng hàng dài. Ai nấy đều nặng trĩu những hộp lớn, hộp bé trên tay và cố gắng chen lên phía trước để được vào bên trong, gây ra một cảnh tượng hỗn độn và ùn tắc rất nực cười. Khi Chu Huy hỏi thăm ra thì mới biết những nguời này đang tranh nhau vào bên trong Binh Mã Ty để biếu quà Tết.

Thời bấy giờ, ở tỉnh Nam Kinh đặt ra 5 Binh Mã Ty, mỗi Binh Mã Ty đều có chính và phó chỉ huy, nắm giữ việc tuần tra, bắt giữ bọn đạo tặc, xử lý cống rãnh thoát nước trên các tuyến phố cũng như canh giữ phạm nhân trong nhà ngục. Vì vậy, mặc dù tên là Binh Mã Ty song cơ quan này lại không hề nắm giữ binh mã hay quân đội.

Cấp phẩm của nguời đứng đầu Binh Mã Ty cũng rất thấp, nha môn vì thế cũng rất nhỏ chứ không được rộng lớn, uy nghi như những nha môn khác. Một nha môn nhỏ bé như Binh Mã Ty đã có đông người tới biếu xén như vậy thì những nha môn khác có quyền lực hơn, số lượng người đến chẳng biết bao nhiêu mà kể.

Năm mới không “vét” khi nào mới “vét”?

Chuyện tham quan Hòa Thân dưới thời vua Càn Long triều nhà Thanh nhận quà Tết mới thực sự khiến cho người đời sau phải kinh ngạc. Vào thời gian Hòa Thân còn nắm giữ quyền lực, phàm là những nguời vào kinh thành tới Bộ Lại để ứng tuyển làm quan đều mong được gặp Hòa Thân hơn cả hoàng đế. Bởi lẽ, chính Hòa Thân chứ chẳng phải hoàng đế Càn Long sẽ quyết định vận mệnh tương lai của họ.

Sử sách chép rằng, một người ở huyện Lịch Thành, tỉnh Sơn Đông khi tới phủ nhà họ Hòa đã phải bỏ ra 2.000 lạng bạc mới được kẻ canh cửa ở phủ Hòa Thân đồng ý cho quỳ ở cửa để đợi Hòa Thân về phủ. Tuy nhiên, đó là cái giá của ngày thường chứ chưa phải dịp Tết. Một khi Tết đến, những người muốn đứng ở cửa nhà họ Hòa để đợi biếu xén phải lót tay số tiền vào cửa không thể dưới 2.000 lạng bạc được. Một khi ít hơn thì chắc chắn ngay cả một chỗ ngồi để quỳ trước phủ nhà họ Hòa cũng chẳng dễ mà có được.

Thuộc hạ của Hòa Thân đều thuộc loại hổ đói như vậy. Người ta nói rằng, Hòa Thân cố ý “bỏ đói” chúng để chúng nỗ lực “kiếm ăn” nhiều hơn nữa. Theo sách “Tiêu đình tạp lục” thì Hòa Thân cực kỳ bủn xỉn. Trình độ bủn xỉn của họ Hòa cổ kim khó có ai sánh kịp. Tất cả vàng bạc đưa vào phủ Hòa Thân đều được đích thân họ Hòa cân đo tính toán rồi ghi chép cẩn thận. Trong khi đó, tất cả những khoản chi phí trong gia đình của nhà họ Hòa, bản thân Hòa Thân không chi trả, người nhà họ Hòa cũng không chi trả mà những thuộc cấp của Hòa Thân buộc phải gánh cả.

Chẳng bao giờ phải móc hầu bao của mình nên Hòa Thân vẫn mặc nhiên tiêu tiền như nước, cực kỳ xa hoa, hoang phí. Từ đó mà suy thì, thuộc cấp của họ Hòa vào những dịp lễ Tết chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội mượn danh nghĩa của tể tướng Hòa Thân mà kiếm chác. Bởi lẽ, nếu như không kiếm chác vào dịp ấy thì những khoản chi phí khổng lồ từ cuộc sống xa hoa của chủ nhân họ biết lấy từ đâu?

Quan lại thời xưa đều như hổ đói. Sách “Một Tiêu Đình tạp ký” có chép câu chuyện rằng, vào cuối thời nhà Thanh, có một ông quan họ Đinh được bổ nhiệm làm đô đốc tỉnh Tứ Xuyên nên phải vào kinh gặp hoàng đế. Trước khi vào kinh, do là chỗ quen biết cũ, họ Đinh tới gặp Lý Hồng Chương, một trong những ông quan nổi tiếng nhất cuối thời nhà Thanh.

Họ Lý nói với họ Đinh rằng: “Vào kinh thành gặp hoàng đế, số tiền phải bỏ ra nhiều hơn trước đây cả chục lần. Ta biết ngươi không có tiền nên đã chuẩn bị sẵn cho ngươi một vạn lạng bạc gửi ở một ngân hàng tại kinh thành”. Tuy nhiên khi họ Đinh vào kinh thành thì đúng dịp sinh nhật của tướng quốc. Vị tướng quốc này rất kỳ vọng rằng những vị quan địa phương như họ Đinh sẽ tặng cho ông ta những món quà kếch xù.

Để có thể làm đẹp lòng tướng quốc, một vạn lạng bạc mà Lý Hồng Chương gửi trong ngân hàng cho họ Đinh đương nhiên không thể nào đủ được. Do vậy, họ Đinh lại phải viết thư cho Lý Hồng Chương xin ứng trước một vạn lạng nữa. Một ngày lễ sinh nhật mà tặng tới cả  vạn lạng bạc thì thử hỏi, vào những dịp quan trọng như Tết, cấp dưới sẽ phải tặng bao nhiêu tiền cho vị tướng quốc này?

Quy định đi Tết của hoàng đế Khang Hy

Trên thực tế, chẳng phải triều nào cũng để cho chuyện lễ tết biếu xén trở thành cơ hội cho tệ nạn tham nhũng và hối lộ hoành hành. Tiêu biểu là vào những năm Khang Hy cuối cùng, triều đình muốn chỉnh đốn những thói quen xấu trong giới quan lại vào dịp Tết, đã bàn bạc rồi soạn ra một bản quy định, yêu cầu mỗi vị quan dán trước cửa chính nhà mình.

Sách “Bất hạ đái biên” của Kim Thực có chép rằng, vào năm Khang Hy thứ 57, tức năm 1719, Kim Thực tới Bắc Kinh thì thấy phủ đệ của quan lại trong triều đình đều có dán một bản thông báo trước cửa, nội dung như sau: “Từ Tết Nguyên Đán năm Khang Hy thứ 58 trở đi, không chấp nhận mừng sinh nhật, chức thọ, không thăm viếng. Nếu như có người tới chúc sinh nhật, chúc thọ hay thăm viếng thì sẽ không đón tiếp, cũng không đáp lễ. Thân hữu có việc tới kinh đô mà tới viếng thăm không tiếp đãi, cũng không đáp lễ”.

Phần ký tên thực thi quy định này là toàn bộ các cơ quan của triều đình trung ương. Việc đưa ra quy định này thực chất là tạo sự ràng buộc các quan lại trong triều đình, khiến việc biếu xén, lễ tết không có cơ hội để trở thành con đường hối lộ. Xuất phát điểm của bản quy định này là tốt. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, ai là người giám sát việc chấp hành quy định này? Nếu như có nguời vi phạm thì sẽ bị xử lý ra sao?

Hơn nữa, mặc cho quy định này được dán ở cửa nhà, người ta vẫn có thể biếu quà, nhận lễ như cũ, thậm chí là kết bè kết đảng để che giấu và kiếm chác cho bản thân. Bởi lẽ, một khi đã muốn làm một chuyện phạm pháp thì đâu cần phải có lý do, cũng chẳng sợ gì không có thời gian, biện pháp hay cơ hội cả.

Mặc dù vậy, việc có một bản quy định về chuyện đi Tết vẫn còn tốt hơn là không có. Ít nhất nó cũng thể hiện rằng, triều đình trung ương đang nỗ lực để hạn chế việc các quan lại lợi dụng mỗi dịp Tết để làm những chuyện phi pháp. Còn việc muốn bản quy định không trở thành một tờ giấy vô dụng thì chỉ cần tăng cường giám sát là đủ.

Tai mắt của hoàng đế ở triều đình và hậu cung không ít, chỉ cần phái vài người tới trước cửa nhà các đại thần đúng nhưng dịp lễ Tết  sẽ biết ngay bản quy định có được thực hiện nghiêm túc hay không. Rất nhiều bí mật riêng tư của các đại thần, hoàng đế đều do la biết được thì chuyện ngăn chặn biếu xén, lễ Tết này đương nhiên không khó.

Ông quan thanh liêm cả đời không nhận quà Tết

Trên thực tế, cũng phải nói rằng, quan lại thời xưa không phải ai ai cũng tham lam như Hòa Thân hoặc là tay chân của họ Hòa cả. Có không ít những ông quan mẫu mực, sống thanh liêm và biết tự kiềm chế bản thân mình. Trường hợp của Lý Thế Kiệt là một ví dụ.

Lý Thế Kiệt sinh năm 1716, tự là Hán Tam, hiệu là Vân Nham, người huyện Kiềm Tây, tỉnh Quý Châu. Họ Lý từ nhỏ đã thông minh, hào hiệp trượng nghĩa, kết giao bạn bè rất rộng. Tuy nhiên, tính tình họ Lý phóng túng bất kham từ nhỏ, lại chẳng hứng thú với chuyện sôi kinh nấu sử, do vậy dù lều chõng đi thi rất nhiều lần nhưng lần nào cũng bị đánh trượt.

Tới năm 20 tuổi, ông làm thơ châm biếm quan lại trrong châu nên trở thành cái gai trong mắt mà bọn quan lại luôn tìm cách trừ bỏ. Để tránh những chuyện phiền phức, cha của ông đã dùng tiền mua một chức quan nhỏ Phú An tỉnh Giang Tô cho ông và dời cả nhà tới đây sinh sống.

Nhờ làm việc chăm chỉ, tới năm Càn Long thứ 9, tức năm 1744, ông lần lượt được phong lên chức tuần kiểm Hoàng Phố rồi chủ bạ huyện Kim Quỹ. Lúc bấy giờ, Tuần phủ Giang Tô là Trang Hữu Cung và Tổng đốc Lương Giang là Doãn Đoạn Thiện đều là những vị quan tốt, biết trọng dụng người tài. Thấy họ Lý làm được việc, Trang Hữu Cung đã viết thư cho Tổng đốc Doãn Đoạn Thiện, muốn đề bạt Lý lên làm quan tri phủ.

Doãn Đoạn Thiện đồng ý. Tuy nhiên, thời bấy giờ, từ một vị quan hàm bát phẩm như Lý Thế Kiệt muốn được vượt cấp lên làm tri phủ, vốn là lục phẩm, thì ngoài thành tích xuất sắc còn phải có một khoản lớn đóng góp cho triều đình. Doãn Đoạn Thiện và Trang Hữu Cung biết rằng Lý Thế Kiệt không thể có số tiền ấy, do vậy đã quyết định bỏ tiền túi ra giúp ông có được chức quan tri châu.

Chính vì thế, vào năm 1745, ông chính thức trở thành tri phủ Thái Châu. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời họ Lý lại bắt đầu từ lần thị sát vùng Giang Nam của Càn Long sau đó.

Sử sách chép rằng, khi Càn Long du hành Giang Nam, ông được cấp  trên giao cho nhiệm vụ chuẩn bị mọi công tác đón tiếp. Ông cứ theo nguyên tắc “không làm phiền đến dân và không được xa hoa” để thực hiện, khiến việc nghênh giá đón hoàng đế không hoang phí mà vẫn đầy đủ, không rườm rà mà vẫn trang trọng. Điều này khiến Càn Long hết sức hài lòng.

Thêm nữa, nhân cơ hội được tiếp cận với hoàng đế, ông đã khéo léo dùng câu đối để tố cáo rất nhiều tên tham quan ở Giang Nam, giúp dân trừ bỏ không ít mối hận từ lâu nay phải nén chặt trong lòng. Cũng vì thế, sau khi Càn Long về cung đã thăng chức cho Lý Thế Kiệt lên làm Đạo đài Thái quảng đạo Ninh Trì (thuộc tỉnh An Huy). Không lâu sau đó, Lý lại được thăng chức làm tổng đốc tỉnh Tứ Xuyên rồi Tổng đốc Hồ Nam.

Tuy nhiên, nhiều người nói rằng, ông được Càn Long đề bạt thực chất không phải vì họ Lý làm tốt việc tiếp đón, cũng chẳng phải vì họ Lý làm câu đối hay vạch tội bọn quan tham mà là vì ông ta đã đỡ Càn Long đứng dậy sau khi vị hoàng đế này bị “vồ ếch”. Sách “Tiêu đình tạp lục” chép rằng, khi Càn Long tới Giang Nam, ông chính là người giữ ván cầu để Càn Long lên bờ. Tuy nhiên, không may cho Càn Long là hôm đó trời vừa mưa xong nên tấm ván cầu rất trơn. Vì vậy, Càn Long vừa bước từ thuyền lên tấm ván thì bị trượt chân.

Đương lúc Càn Long chới với thì ông nhanh tay đỡ được. Thời bấy giờ, “long thể” của hoàng đế là bất khả xâm phạm. Do vậy khi thấy ông đỡ Càn Long, các quan tổng đốc tuần phủ bèn hô bọn lính xông vào bắt trói ông giải xuống. Tuy nhiên, Càn Long xua tay nói: “Trong số quan lại triều đình, tìm được người trung nghĩa như Lý Thế Kiệt quả là rất khó”. Chính nhờ việc “phạm thượng khi quân” này mà sau đó, ông liên tục được đề bạt, cuối cùng lên tận chức Tổng đốc (quan đứng đầu một tỉnh).

Điều đáng nói là trong suốt mấy chục năm làm tổng đốc, ông nổi tiếng là người chưa bao giờ mở tiệc mời khách. Người ta kể rằng, khi tướng quân của Thành Đô (thủ phủ Tứ Xuyên) tới nhậm chức thì theo lệ cũ, quan tổng đốc buộc phải mở tiệc mời. Lúc bấy giờ, ông bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi lẽ, nếu như không mở tiệc mời thì e rằng sẽ làm mất lòng vị tướng quân của Thành Đô, nếu như mở tiệc mời thì sẽ vi phạm quy tắc mà Lý Thế Kiệt đã đặt ra lâu nay.

Cuối cùng, Lý Thế Kiệt nghĩ ra một cách “vẹn cả đôi đường”. Chọn đúng lúc vị tướng quân cùng gia quyến vừa tới Thành Đô, ông sai người mang tới nhà vị tướng này một con lợn sữa và một con dê nướng, đồng thời nói với vị tướng quân này rằng: “Tổng đốc vốn muốn mời tướng quân tới nhà nhưng sau nghe nói rằng, tướng quân và gia quyến cùng tới Thành Đô nên mang tặng hai món thực phẩm này để tướng quân mở tiệc tại nhà”.

Trước Tết Nguyên đán một hôm, ông sai người nhà nấu mười mấy hộc bánh màn thầu. Khi thuộc cấp tới chúc tết tặng quà, họ Lý lại cho người ra cổng nói với họ rằng: “Tổng đốc biết các vị đã khó nhọc nhiều nên mời các vị ăn bánh”. Đợi khi mọi người đã ăn no, Lý Thế Kiệt mới bước ra. Tất cả các thuộc cấp đều cùng một lúc chúc Tết quan tổng đốc ngay tại nha môn.

Sau khi việc chúc tụng nghi lễ đã xong, ông nói với các thuộc cấp của mình rằng: “Theo quy định thì vào dịp Tết, dù quan trên có không tiếp cấp dưới, cấp dưới cũng phải tìm tới nhà quan trên. Đường thì xa, lại phải đồ đoàn hộ tống, thật chẳng có gì khóc nhọc hơn. Huống hồ các ngươi đều có gia đình, cha mẹ, con cái, cũng phải ăn Tết như những người bình thường. Vì vậy, từ nay về sau, ngày Tết ta cho phép các ngươi không phải tới phủ của ta chúc Tết nữa”.

Ông là một trong số không nhiều những ông quan thanh liêm tới mức từ chối cả chuyện “đi Tết” của cấp dưới. Sống cùng một thời đại, cùng thờ một ông vua, thế nhưng ông lại là một hình ảnh đối nghịch hoàn toàn với Hòa Thân. Đó cũng là nguyên lý chung của tất cả các triều đại: có những kẻ gian nịnh thì cũng có những người ngay thẳng, liêm chính. Vấn đề của một triều đại là phải làm sao để những người ngay thẳng và liêm chính chiến thắng những kẻ gian nịnh mà thôi.

Theo Hôn Nhân & Pháp Luật

Bình luận
vtcnews.vn